Dữ liệu cá nhân được mua bán để xây dựng kịch bản lừa đảo

Dữ liệu cá nhân được mua bán như hàng hóa, bán nhiều lần cho nhiều đối tượng để phân tích, khai thác, xây dựng kịch bản lừa đảo và tiếp cận nạn nhân chính xác, dễ dàng - Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết.

Sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Các đại biểu Quốc hội tán thành việc cần xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, cần phân biệt rõ ràng dữ liệu cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm, từ đó mới có thể thiết lập cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân. Đại biểu kiến nghị cần quy định rõ đâu là thông tin cá nhân được xếp vào "dữ liệu nhạy cảm" và cần phải đưa ra quy định bảo vệ nghiêm ngặt hơn.

Theo đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, hiện tại, các chế tài xử phạt vi phạm về quyền riêng tư và xâm phạm dữ liệu cá nhân ở Việt Nam còn thấp so với quốc gia khác, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng. Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung chế tài nghiêm khắc hơn, đặc biệt về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức cá nhân vi phạm.

"Cần tạo cơ chế thuận lợi để cá nhân bị xâm phạm dữ liệu cá nhân khởi kiện đòi bồi thường; xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả liên quan đến vi phạm dữ liệu cá nhân; đồng thời bổ sung thêm chế tài hình sự điều chỉnh vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân...", đại biểu Trần Kim Yến đề nghị.

Tiếp thu và giải trình nội dung của các đại biểu, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an nêu thực tế: Từ các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với quy mô lớn đã triệt phá cho thấy, yếu tố lộ lọt mua bán dữ liệu cá nhân là nguyên nhân chính khiến tội phạm thực hiện các hành vi phạm tội. Nhiều tổ chức thiếu quy định, chính sách quản lý chưa chặt chẽ trong phân quyền xử lý dữ liệu cá nhân,... đã dẫn đến nhân viên lấy thông tin khách hàng với tính chính xác rất cao, cập nhật theo thời gian để bán cho các đối tượng lừa đảo, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông, điện lực, bảo hiểm, vận chuyển giao hàng...

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: "Dữ liệu cá nhân được mua bán như hàng hóa với số lượng rất lớn, bán nhiều lần cho nhiều đối tượng để phân tích, khai thác, xây dựng kịch bản lừa đảo và tiếp cận nạn nhân chính xác, dễ dàng".

Một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau là quy định "cấm mua bán dữ liệu cá nhân". Giải trình về nội dung này, Đại tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh, dữ liệu cá nhân không thể coi là hàng hóa, tài sản thông thường, mà đây là một loại tài nguyên đặc biệt nên cần khai thác sử dụng phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất. Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác". Do vậy, Chính phủ khẳng định quan điểm "cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường".

"Nếu không quy định cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường và không có chế tài xử lý nghiêm minh thì thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều phương thức, thủ đoạn để hình thành 'chợ đen' dữ liệu cá nhân, gây hậu quả, thiệt hại rất lớn và gieo nỗi bất an cho người dân" - Đại tướng Lương Tam Quang khẳng định.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, mục tiêu của Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là phải điều chỉnh được các vấn đề xâm phạm dữ liệu cá nhân đang "nhức nhối" trong thực tiễn; đồng thời phải mang tính dự báo, bao quát cả các vấn đề mới nổi liên quan đến công nghệ của kỷ nguyên số, để bảo vệ dữ liệu cá nhân toàn diện nhất.

Từ thực tiễn công tác đấu tranh với hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến dữ liệu cá nhân.

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vào ngày 23/6.

Khiếu Hương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/du-lieu-ca-nhan-duoc-mua-ban-de-xay-dung-kich-ban-lua-dao-334090.htm
Zalo