Du lịch xanh: Cơ hội vàng để Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch thế giới
Dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, chỉ số cạnh tranh du lịch vẫn khiêm tốn, đặt ra nhiều thách thức cho ngành.
Chỉ số cạnh tranh du lịch vẫn khiêm tốn
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, tổng lượng khách quốc tế trong 11 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 15,8 triệu lượt, tăng 41,0% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 11/2024 đạt 1.711.512 lượt khách, tăng 20,5% so với tháng 10/2024, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 tăng cao nhất từ đầu năm đến nay, dự kiến ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu đón 17-18 triệu khách quốc tế năm 2024.
Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa tháng 11/2024 ước khoảng 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,0 triệu lượt khách có lưu trú. Lũy kế lượng khách du lịch nội địa 11 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 105 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 758 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) mới đây công bố chỉ số phát triển du lịch 2024, cho thấy Việt Nam xếp thứ 59/119 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng sau Singapore (hạng 13), Indonesia (hạng 22), Malaysia (hạng 35) và Thái Lan (hạng 47).
Các chuyên gia khẳng định, những chỉ số của WEF đã được tính toán và tiêu chuẩn hóa, vì thế du lịch Việt Nam cần nhìn vào để soi lại năng lực cạnh tranh thực tế. Cơ quan quản lý du lịch Việt Nam cần lắng nghe và tiếp tục khắc phục những hạn chế để giữ được sức hút với khách du lịch quốc tế và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Việt Nam. Muốn có giải pháp thật sự hiệu quả, phải dám nhìn thẳng vào kết quả và chấp nhận thực tế để tìm nguyên nhân.
Mặc dù lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, đạt 15,8 triệu lượt trong 11 tháng đầu năm 2024, tuy nhiên, chỉ số cạnh tranh du lịch của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch Việt Nam.
Một trong những vấn đề nổi bật là chất lượng sản phẩm du lịch còn hạn chế. Nhiều địa điểm du lịch thiếu tính độc đáo, các dịch vụ hỗ trợ du khách chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, tình trạng "chộp giật" trong đầu tư du lịch, nạn bắt chẹt khách, và vấn đề môi trường cũng làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Du lịch hướng tới các giải pháp xanh
TS. Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch và Ngôn ngữ Quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ, trong 10 năm qua, thương hiệu du lịch Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, để tạo ra sự khác biệt và thu hút du khách, chúng ta cần định hình lại hình ảnh thương hiệu, tập trung vào những giá trị độc đáo. Nghiên cứu cho thấy văn hóa, ẩm thực và thiên nhiên chính là những tài sản quý giá, có khả năng tạo ra những trải nghiệm du lịch khó quên và đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hàng đầu.
Ngày càng nhiều du khách tìm kiếm những trải nghiệm du lịch gắn liền với thiên nhiên, tôn trọng môi trường và văn hóa địa phương. Họ sẵn sàng chi trả cao hơn để được hòa mình vào thiên nhiên, khám phá những điểm đến độc đáo và có ý nghĩa.
"Kết nối văn hóa, ẩm thực và thiên nhiên trong một hành trình khám phá độc đáo. Qua các hoạt động marketing đa dạng, phát triển sản phẩm sáng tạo và tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, kiến tạo những trải nghiệm toàn diện, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Đồng thời, cam kết phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng", TS. Lê Tuấn Anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Bích - Chủ tịch Rustic Hospitality Group cho biết, xu hướng du lịch bền vững đang lên ngôi. Cụ thể, 75% khách du lịch toàn cầu mong muốn các chuyến đi của mình ít tác động đến môi trường. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho các doanh nghiệp du lịch như Rustic Hospitality Group phải tích cực chuyển đổi mô hình kinh doanh, hướng tới các giải pháp xanh, sạch.
Để xây dựng điểm đến du lịch xanh, hấp dẫn, ông Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cần kết hợp hài hòa giữa các yếu tố sinh thái, văn hóa, ẩm thực, an toàn và công nghệ thông minh. Việc phát triển bền vững là yếu tố then chốt, đảm bảo du lịch không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và cộng đồng. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang tích cực xây dựng bộ tiêu chí đánh giá để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch xanh chất lượng cao. Sự tham gia đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để tạo nên những điểm đến du lịch độc đáo và thu hút.
"Để biến mục tiêu thu hút 25-28 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030 thành hiện thực và đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, hàng không và các đối tác là điều kiện tiên quyết", ông Trí chia sẻ.