Du lịch Trạm Tấu: Sáng tạo và đột phá

Trạm Tấu những năm gần đây đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách trong nước cũng như du khách quốc tế. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với tài nguyên khoáng nóng tự nhiên, sự đa dạng văn hóa và những hoạt động du lịch phong phú. Sự sáng tạo và đột phá trong phát triển du lịch của huyện không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách.

Du khách check-in trên đỉnh Tà Chì Nhù.

Du khách check-in trên đỉnh Tà Chì Nhù.

Vài năm qua, số lượng khách du lịch đến với Trạm Tấu đã tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2024, huyện đã đón 152.500 lượt khách, vượt 102% kế hoạch đề ra. Trong đó, khách quốc tế đạt 37.440 lượt, cao hơn 7% so với mục tiêu. Doanh thu từ du lịch đạt 120 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Những con số này không chỉ cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch mà còn khẳng định sức hấp dẫn của Trạm Tấu trong mắt du khách. Trên địa bàn hiện có 43 cơ sở lưu trú, bao gồm 1 khách sạn đạt chuẩn 3 sao, 5 nhà nghỉ và 37 homestay.

Các cơ sở này đã đầu tư nâng cấp trang thiết bị và chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Sự phát triển của các homestay không chỉ mang đến trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên mà còn giúp du khách tìm hiểu văn hóa địa phương. Điều này đã góp phần tạo nên ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và khuyến khích họ quay lại lần sau. Huyện đã chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc biệt là du lịch cộng đồng - xu hướng đang rất được ưa chuộng. Những sản phẩm như du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng, du lịch mạo hiểm săn mây trên đỉnh Tà Xùa và Tà Chì Nhù đang thu hút sự quan tâm của du khách.

Huyện đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Trạm Tấu thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và các cụm panô, áp phích. Việc xây dựng trang du lịch của huyện cũng đã giúp tăng cường quảng bá các sản phẩm du lịch nổi bật, như: du lịch suối khoáng nóng và du lịch mạo hiểm.

Sự gia tăng lượng khách du lịch và doanh thu cho thấy hiệu quả rõ rệt từ công tác quảng bá này. Trạm Tấu không chỉ thu hút du khách nhờ cảnh đẹp thiên nhiên mà còn bởi sự phong phú trong các hoạt động văn hóa. Năm 2024, huyện đã tổ chức thành công nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội Gầu tào và Lễ hội Lồng tồng. Những lễ hội này không chỉ là dịp để người dân thể hiện bản sắc văn hóa mà còn thu hút đông đảo khách du lịch tham gia, tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ.

Với sự đa dạng về văn hóa của 12 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Mông và Thái chiếm đa số, huyện đã chú trọng các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như: dân ca, dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc và các trò chơi dân gian… Những nghi lễ truyền thống như: lễ đặt tên, lễ mừng cơm mới, hay các lễ hội truyền thống không chỉ giúp gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn tạo cơ hội cho du khách tìm hiểu sâu hơn về đời sống của người dân nơi đây.

Các môn thể thao dân tộc như: đẩy gậy, kéo co và bắn nỏ cũng được tổ chức thường xuyên, góp phần tạo không khí vui tươi và sôi nổi cho các sự kiện văn hóa. Những hoạt động này không chỉ thu hút du khách mà còn tạo cơ hội cho người dân tham gia và giao lưu, tạo nên sự gắn kết cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Lan - một du khách từ Hà Nội chia sẻ: "Tôi đến Trạm Tấu lần đầu tiên và thực sự bị cuốn hút bởi vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây. Những cánh đồng xanh mướt, những con suối trong vắt và người dân thân thiện đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi rất thích tham gia Lễ hội Gầu tào để trải nghiệm văn hóa độc đáo của người Mông”.

Tuy nhiân cũng phải nhìn nhận, dù đã có nhiều bước đột phá trong thời gian qua nhưng du lịch Trạm Tấu vẫn còn những khó khăn như: công tác quảng bá, xúc tiến còn hạn chế; dịch vụ lưu trú, dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách du lịch chưa phát triển; các sản phẩm lưu niệm, hàng hóa địa phương dành cho khách du lịch tuy đã có nhưng còn ít, giá trị thấp; sản phẩm du lịch chưa đặc sắc; cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Cùng với đó, nguồn nhân lực dịch vụ du lịch chưa qua đào tạo, chủ yếu là tự học hỏi theo hình thức gia đình và được đào tạo qua các chương trình tập huấn ngắn ngày…

Để phát triển du lịch Trạm Tấu một cách bền vững, huyện cần tập trung cải thiện hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận Trạm Tấu, giúp tăng cường khả năng kết nối và thu hút nhiều khách du lịch hơn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, các khóa đào tạo về dịch vụ khách hàng, quản lý du lịch và bảo tồn văn hóa sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ. Địa phương cần tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch mới, từ du lịch sinh thái, mạo hiểm đến du lịch văn hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Việc kết hợp các sản phẩm này sẽ tạo ra những trải nghiệm phong phú và hấp dẫn hơn. Cùng với đó, cần có các biện pháp bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong quá trình phát triển du lịch; tăng cường hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp du lịch, các tổ chức xã hội và cộng đồng để xây dựng các chương trình du lịch liên kết, tạo ra nhiều cơ hội cho du khách.

Du lịch Trạm Tấu đang trên đà phát triển mạnh mẽ với những sáng tạo và đột phá trong cách thức tổ chức và quảng bá. Từ sự nâng cấp cơ sở hạ tầng đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, huyện đã khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Với tiềm năng phong phú và sự đầu tư bài bản, Trạm Tấu hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước trong những năm tới. Việc thực hiện các giải pháp phát triển bền vững sẽ đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, hài hòa giữa du lịch và bảo tồn văn hóa, môi trường.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/345940/du-lich-tram-tau-sang-tao-va-dot-pha.aspx
Zalo