Du lịch Team building đang bị hiểu sai
Có thể nói, du lịch bằng hình thức Team building thời gian gần đây thu hút rất nhiều du khách, trở thành trào lưu hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu đúng nghĩa về Team building, thậm chí có đơn vị cố tình làm sai ý nghĩa của từ này để có khách. Từ đó mới xuất hiện một số trò chơi dung tục, phản cảm. Bản chất Team building không phải vậy.
Theo giảng viên, thạc sỹ du lịch Đỗ Tuấn Anh, Team building là mô phỏng hoạt động trong công ty, đơn vị ra bên ngoài. Thiết kế một tour Team building không hề đơn giản. Ngoài việc xây dựng kịch bản các chương trình vui chơi đa dạng, hấp dẫn, thiết thực thì việc đảm bảo chất lượng dịch vụ từ ăn, ở đến nhu cầu giải trí cũng là yếu tố rất quan trọng.
Thông qua các trò chơi, một thông điệp không lời được truyền tải đến từng thành viên của công ty. Qua đó, mỗi người có thể tự hiểu được vai trò và nhiệm vụ của mình, nhìn nhận về bản thân để hướng đến mục tiêu chung của tập thể. Team building là tổ chức cho một tập thể và phải đạt được mục đích của người đứng đầu công ty sử dụng dịch vụ.
Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Team building nếu hiểu không đúng, không đủ là đang lãng phí tiền bạc và công sức của mình. Doanh nghiệp đầu tư một khoản tiền cho hoạt động Team building nhưng không rõ mục đích đầu tư là gì và phó mặc hoàn toàn cho đơn vị tổ chức là điều không ít doanh nghiệp đang vướng phải.
"Team building tổ chức dài ngày hay ngắn ngày, dù xa hay gần thì mọi chương trình đều chung một mục đích là gắn kết các thành viên, nâng cao tinh thần đồng đội, hợp tác hiệu quả; phát huy khả năng lãnh đạo, lập kế hoạch, xử lý các tình huống; nhìn nhận về cách thức làm việc, tính cách, thói quen, điểm mạnh, điểm yếu của từng người để bổ sung và phối hợp với nhau nhằm làm việc tốt hơn", ông Đỗ Tuấn Anh cho hay.
Tổ chức Team building là phải thực hiện được ba vấn đề: trí lực, thể lực, tình cảm. Trí lực là dùng trí tuệ để xử lý tình huống trong trò chơi; thể lực là sức khỏe để thực hiện các trò chơi; tình cảm là cảm nhận, chia sẻ, qua các hoạt động trong trò chơi phải chạm đến trái tim của nhau để hiểu nhau hơn.
Qua những trò chơi hoạt động sẽ bộc lộ những tố chất mà hàng ngày không nhìn thấy được. Đó là cơ hội để rào cản tương tác trong công việc.
Chẳng hạn có lãnh đạo một công ty muốn bổ nhiệm 3 người nào đó làm trưởng phòng, nhưng về trình độ chuyên môn, ý thức kỷ luật… có 5 người tương đương nhau nên chưa biết chọn ai. Lãnh đạo doanh nghiệp sẽ thuê công ty chuyên tổ chức Team building viết kịch bản phân công 5 người trên làm đội trưởng của 5 đội. Qua trò chơi để xem cách xử lý tình huống, nhất là tình huống có thể là mâu thuẫn trong trò chơi, nhằm xem ai là người xử lý tốt nhất, phát hiện ra người có tố chất lãnh đạo, từ đó có cơ sở chọn người bổ nhiệm vào vị trí phù hợp. Bởi vì, kỹ năng xử lý tình huống rất quan trọng.
Cũng có doanh nghiệp muốn chuyển lãnh đạo bộ phận từ nơi này đến nơi khác nên đã nhờ công ty chuyên tổ chức tổ chức Team building xây dựng kịch bản để xem người đấy có chấp nhận sự thay đổi hay không.
Cũng có doanh nghiệp sắp tới có sự thay đổi chính sách, cách thức hoạt động…, những dự định thay đổi được đưa vào trong chương trình Team building để xem phản ứng của nhân viên công ty như thế nào, từ đó có quyết định cho phù hợp.
Có những doanh nghiệp mô phỏng hoạt động kinh doanh bằng những trò chơi trong Team building để xem khả năng thực hiện cũng như ý kiến đóng góp của nhân viên về hiệu quả của mô hình kinh doanh…
"Không thể nói rằng Team building chỉ là những trò chơi vận động đơn thuần", ông Đỗ Tuấn Anh chia sẻ. Các hoạt động phản cảm đăng tải trên mạng xã hội không phải là Team building, mà chỉ là các trò chơi. Hiện nhiều người đang nhầm lẫn trò chơi là Team building.
Theo ông Trần Đông An, Phó Giám đốc Công ty du lịch VietMark - một trong những đơn vị chuyên tổ chức Team building lớn nhất ở TP Hồ Chí Minh, đối với nhà quản trị, Team building thực sự là công cụ quan trọng để văn hóa doanh nghiệp được đội ngũ nhận biết, nắm rõ, tin tưởng, cảm thấy truyền động lực và sống với những giá trị ấy. Đối với nhân viên, Team building là cơ hội để mỗi người tự khám phá chính mình, thấu hiểu đồng đội, góp phần hình thành một đội ngũ vững mạnh.
Đơn vị thiết kế và triển khai chương trình Team building phải có một cách nhìn chuẩn xác, thấu hiểu về văn hóa doanh nghiệp, phát triển năng lực con người và đội ngũ bên cạnh sở hữu một êkip với công nghệ tổ chức chuyên nghiệp. Nhưng trong thực tế, từ Team building hiện đang bị không ít doanh nghiệp lẫn nhà cung cấp dịch vụ hiểu chưa chính xác, thiếu chiều sâu dẫn đến cách triển khai tương đối hời hợt, không đạt được mục đích.
"Một số trò chơi gây phản cảm được lan truyền chỉ đơn giản là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ làm sao để mọi người vui vẻ, xả stress trong đợt du lịch sau những tháng ngày làm việc mệt nhọc. Không có gì sai, nhưng đó là du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi, chứ không phải Team building", ông An chia sẻ.
Như vậy, phải hiểu Team building là một trong những cách thức quan trọng để lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hướng đến có đội ngũ vững mạnh; ngoài sự gắn kết còn phải là một đội ngũ chung lòng, chung mục tiêu, biết phối hợp làm việc với nhau một cách nhuần nhuyễn dựa trên sự thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu và năng lực cốt lõi của từng người để bổ khuyết cho nhau. Đó phải là một tập thể có cá tính riêng nhưng biết đặt trên một nền tảng văn hóa chung, được xây dựng dựa trên những nguyên lý phổ quát; là kết quả của xây dựng và củng cố văn hóa doanh nghiệp.