Du lịch một năm nhiều điểm sáng
Năm 2024, du lịch Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp mạnh mẽ vào GDP và tạo động lực cho sự phát triển. Trong đó, du lịch Phú Yên nổi lên như một điểm sáng trong khu vực với nhiều kết quả khích lệ. Lần đầu tiên du lịch Phú Yên đón gần 4,1 triệu lượt khách, vượt 20% kế hoạch và tăng 27,5% so với cùng kỳ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Lượt khách tăng, doanh thu đạt cao
Đánh giá của ngành Du lịch Việt Nam, năm 2024 tiếp tục là một năm thành công trong việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,5 triệu lượt (tăng 38,9%); khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt (tăng 1,6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỉ đồng (tăng 23,8%). Du lịch thực sự là một điểm sáng trong bức tranh KT-XH của đất nước.
Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards-WTA) tiếp tục tôn vinh Việt Nam ở 3 hạng mục: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến di sản hàng đầu châu Á và Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á.
Ngành Du lịch Việt Nam tập trung phát triển du lịch hướng tới sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn.
Tổng kết về những điểm sáng của du lịch Việt Nam năm qua, theo Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh những kết quả đạt được từ những con số thống kê, du lịch Việt Nam đã vươn ra mạnh mẽ với thế giới bằng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, trong đó có hai chương trình lớn mang lại lợi ích lâu dài là tổ chức thành công Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới”. Sự kiện nhận được đánh giá cao từ phía Hoa Kỳ và các nhà làm phim tinh hoa của thế giới.
Sau hội nghị, nhiều biên bản hợp tác đã được ký kết và có ít nhất 5 đoàn làm phim quốc tế sẽ đến Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam còn đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ I tại Hội An (Quảng Nam).
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Trong công tác quy hoạch, thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch, ngành Du lịch Phú Yên đã tích hợp nội dung quy hoạch phát triển du lịch vào Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ này, Sở VHTT&DL triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn ngành và các địa phương tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động 09-CTr/TU ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Lê Vũ, năm 2024, ngành Du lịch tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng của Phú Yên để tạo lợi thế cạnh tranh. Với tiềm năng, lợi thế hiện có, Phú Yên đang tập trung khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh như: du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, phát triển các tour tuyến tham quan biển đảo; du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng và gần đây là du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch văn hóa ẩm thực; triển khai Đề án thí điểm hoạt động thể thao giải trí trên biển TP Tuy Hòa, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và mở rộng hợp tác quốc tế cũng được ngành Du lịch tỉnh nhà quan tâm đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia.
Cùng với ngành Nông nghiệp, du lịch kết nối các sản phẩm OCOP của nông dân trở thành một thành tố quan trọng trong chuỗi sản phẩm phục vụ du khách. Ngành Du lịch phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai Đề án làng du lịch cộng đồng thôn Long Thủy (TP Tuy Hòa), du lịch cộng đồng khu vực ven biển phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa); hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có; khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch và hưởng lợi từ du lịch.
Ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ du lịch chiếu cói An Cư (huyện Tuy An) cho biết: HTX tập hợp các hộ dân làng nghề chiếu cói trong xã, quanh đầm Ô Loan, nơi có cánh đồng cói, nguyên liệu chính cho làng nghề trăm năm, giúp người làng nghề có thu nhập ổn định, yên tâm đầu tư phát triển, phục hưng nghề truyền thống. Từ khi bắt tay với ngành Du lịch, các thành viên HTX được tham gia các lớp tập huấn về giới thiệu sản phẩm, đón khách, tiếp khách du lịch. Không chỉ sản phẩm chiếu cói mà HTX còn làm thêm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói để bán cho du khách, tăng thêm thu nhập.
Theo bà Đặng Huỳnh Túy Phương, quản lý Stelia Beach Resort, sản phẩm du lịch “Câu chuyện bản địa - Về miền di sản làng nghề chiếu cói” đã góp thêm một sản phẩm du lịch mới cho địa phương, tăng sự lựa chọn cho du khách trải nghiệm văn hóa cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống…
Với tất cả sự nỗ lực của toàn ngành Du lịch và các địa phương trong tỉnh, các chỉ tiêu cơ bản về tăng trưởng, phát triển du lịch năm 2024 đạt và vượt kế hoạch. Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên năm 2024 gần 4,1 triệu lượt, vượt 20% so với kế hoạch, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế đạt 30.020 lượt, đạt 150% kế hoạch, tăng 52% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch hơn 8.000 tỉ đồng, vượt 10,7% kế hoạch, tăng 63,6% so với cùng kỳ.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Phú Yên vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm khắc phục để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Có thể nhận thấy, một số hạn chế trong thời gian dài, như: Cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Sân bay Tuy Hòa nằm trong khu vực nội đô rất thuận lợi, nhưng có tần suất chuyến bay đi/đến thấp, giá vé máy bay cao, chưa khai thác chuyến bay quốc tế. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, quy mô nhỏ, chưa định hình được những sản phẩm chủ lực, mang tính đặc trưng. Nguồn nhân lực chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch hiệu quả chưa cao...
Tiếp tục triển khai Chương trình hành động 09-CTr/TU, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, đây là định hướng lớn, mang tính chiến lược của ngành Du lịch.
Trên cơ sở danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, ngành Du lịch, các ngành, địa phương tăng cường thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp; phát triển các loại hình du lịch thể thao trên biển, trên cát, sân golf và đầu tư phát triển kinh tế đêm… Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết với các địa phương, doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai giải pháp marketing nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch Phú Yên…
Ngành Du lịch nói chung và Du lịch Phú Yên nói riêng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Để duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững, năm 2025, ngành Du lịch không ngừng đổi mới sáng tạo, khắc phục những hạn chế, tồn tại, tập trung phát triển đa dạng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng sẵn có, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của địa phương.