Du lịch khởi sắc 'thúc' bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi

Liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là cơ hội cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi.

Du lịch “bùng nổ”, kỳ vọng năm 2025 tiếp tục tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo thống kê chiều 2/2 (mùng 5 Tết) của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các địa phương, trong dịp Tết Ất Tỵ vừa qua, ngành Du lịch Việt Nam ước đón 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 8 tỉnh thành đạt doanh thu du lịch hơn 1.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với 3 tỉnh thành của năm 2024.

Du lịch TP.HCM tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua. Hình minh họa

Du lịch TP.HCM tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua. Hình minh họa

Cũng theo báo cáo, TP.HCM dẫn đầu cả nước với doanh thu du lịch ước tính đạt 7.690 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, khách nước ngoài tăng trung bình khoảng 30% nhờ chính sách thị thực thông thoáng hơn, thị trường khách được tái cơ cấu và nỗ lực từ doanh nghiệp đến địa phương. Mặt khác, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch bằng đường bộ thông qua các tuyến cao tốc kết nối TP.HCM và các địa phương lân cận như: Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt…

Trước đó, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2024 với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” được nhiều địa phương triển khai, tổ chức thành công, thu hút đông đảo du khách đến với các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt nhằm gia tăng trải nghiệm. Đồng thời, chất lượng dịch vụ, an ninh trật tự, an toàn, môi trường sạch sẽ, văn minh cho hoạt động du lịch… được ngành du lịch chú trọng nâng cao.

Nhờ vậy, ngành Du lịch Việt Nam năm 2024 tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023, đạt được nhiều con số ấn tượng, như: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,5 triệu lượt (tăng 38,9%); khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt (tăng 1,6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng (tăng 23,8%).

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2025, Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa và duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9% hàng năm. Song song đó, đặt mục tiêu đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP với 980 - 1.050 tỷ đồng doanh thu. Đến năm 2030, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng du lịch tăng trưởng xanh, đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa.

Riêng TP.HCM, từ đánh giá kết quả tích cực năm 2024 khi tổng lượt khách và doanh thu du lịch đều đạt 100% so với kế hoạch, ngành Du lịch thành phố đặt mục tiêu năm 2025 sẽ đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 40%), 45 triệu lượt khách du lịch nội địa, ước tính tổng doanh thu du lịch đạt 260.000 tỷ đồng (tăng 37%).

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tận dụng cơ hội

Dữ liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) về thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cho thấy, thanh khoản phân khúc này ghi nhận tín hiệu tích cực trong năm 2024 khi ghi nhận toàn thị trường có khoảng 2.500 giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ đạt hơn 50% nguồn cung sản phẩm mới.

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tận dụng cơ hội phục hồi. Hình minh họa

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tận dụng cơ hội phục hồi. Hình minh họa

Nguồn cung cũng bắt đầu có sự cải thiện khi có khoảng 4.400 sản phẩm mới trong phân khúc được mở bán, tăng 40% so với năm 2023. Trong đó, chủ yếu là các sản phẩm cao tầng, chiếm 85%. Các dự án mở bán mới đều được phát triển theo hướng đa dạng hóa loại hình và dịch vụ, tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi ngày càng cao của khách hàng.

Đáng chú ý, năm 2024 cũng chứng kiến sự quay trở lại đầy tự tin của một số ít dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có quy mô lớn. Đơn cử như dự án Libera Nha Trang được chào bán rộng rãi trên thị trường, điều này đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư.

Đánh giá tiềm năng trong năm 2025, đại diện VARS cho rằng, phân khúc này đang có những dấu hiệu phục hồi đầy nỗ lực khi căn cứ vào kết quả tích cực của ngành Du lịch trong giai đoạn vừa qua. Bởi du lịch cần hệ thống hạ tầng từ giao thông đến cơ sở lưu trú chất lượng để đảm bảo, duy trì tính hấp dẫn với du khách.

Theo ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á, đòi hỏi các địa phương phải liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông và tiện ích để đáp ứng lượng khách du lịch ngày càng tăng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhận định, sắp tới cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch, cùng hành lang pháp lý mở rộng hơn, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ cho thấy những kết quả xứng đáng với nỗ lực trong suốt thời gian qua. Do vậy, để phân khúc này sớm phục hồi cần đảm bảo sự chuẩn chỉnh về mặt pháp lý của các dự án, tạo niềm tin cho khách hàng hay nhà đầu tư.

Mặt khác, cần xác định sản phẩm là quan trọng, hoạt động khai thác vận hành là then chốt. Các sản phẩm trong phân khúc cần đưa vào quy trình khai thác vận hành chuyên nghiệp, trơn chu để đảm bảo tính hiệu quả.

Cuối cùng, đầu tư phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không thể tách rời câu chuyện phát triển hạ tầng giao thông và ngành Du lịch, dịch vụ. Bởi đây được coi là trợ lực chính, có yếu tố quyết định tới bài toán hiệu quả của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Có thể nói, tâm lý thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đang chuyển biến tích cực khi nhà đầu tư bắt đầu lấy lại niềm tin. Thêm vào đó, kết quả phục hồi tích cực của ngành Du lịch cũng được cho là căn cứ vững chắc, bệ phóng quan trọng thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của phân khúc bất động du lịch, nghỉ dưỡng.

Nam Dinh

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/du-lich-khoi-sac-thuc-bat-dong-san-nghi-duong-phuc-hoi-c2a90855.html
Zalo