Du lịch Halal ở Nhật Bản phát triển nhờ thịt bò Australia

Thịt bò và thịt cừu Australia có vai trò quan trọng trong ngành du lịch thân thiện với người Hồi giáo tại Nhật Bản nhờ vào nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm đạt chứng nhận Halal.

TS. Eva F. Nisa (*) nhận định điều đó trong bài viết đăng tải trên trang web của Viện Quan hệ quốc tế Australia. Trong tháng Ramadan và lễ Eid, những giai đoạn cao điểm của ngành kinh doanh Halal tại các quốc gia Hồi giáo, Nhật Bản đang nổi lên như điểm giao thoa độc đáo giữa các nền văn hóa ẩm thực, thương mại và du lịch quốc tế, đặc biệt là tại Tokyo.

Phó Giáo sư Eva F. Nisa đánh giá cao vai trò của thịt bò và thịt cừu Australia trong việc đáp ứng nhu cầu ẩm thực của du khách Hồi giáo tại Nhật Bản. (Ảnh chụp màn hình)

Phó Giáo sư Eva F. Nisa đánh giá cao vai trò của thịt bò và thịt cừu Australia trong việc đáp ứng nhu cầu ẩm thực của du khách Hồi giáo tại Nhật Bản. (Ảnh chụp màn hình)

Mặt hàng chủ lực đáng tin cậy

Tác giả bài viết cho hay, thịt bò Australia là sản phẩm xuất khẩu trọng tâm sang Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua và hiện vẫn nằm trong 4 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Australia sang nước này, cùng với than đá, khí đốt tự nhiên và quặng sắt.

Kể từ khi Australia và Nhật Bản ký kết hiệp định thương mại vào năm 1957, quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng trở nên bền chặt. Chưa đầy một thập niên sau, năm 1966, Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Australia.

Đến tháng 1/2025, Nhật Bản giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu thịt bò lớn thứ hai của Australia. Tương tự, thịt cừu Australia ngày càng phổ biến tại xứ sở hoa anh đào, mặc dù đây không phải là nguyên liệu quen thuộc trong bữa ăn gia đình của người Nhật.

TS. Eva F. Nisa lý giải, sự tăng trưởng này bắt nguồn từ năm 2003, khi Nhật Bản cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ do dịch bệnh BSE, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thịt Australia tăng mạnh.

Thịt bò Australia dần trở thành một mặt hàng quen thuộc trong các siêu thị Nhật Bản, có mặt tại các cửa hàng chuyên bán thực phẩm Halal như Bongo Bazar và Green Nasco, cũng như các chuỗi siêu thị quốc tế nhập khẩu như Gyomu. Người tiêu dùng Nhật Bản và các chủ nhà hàng vẫn đánh giá cao thịt bò và thịt cừu Australia về độ an toàn, chất lượng cao cấp và cả chứng nhận Halal. Vị thế đặc biệt này giúp thịt Australia đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch thân thiện với người Hồi giáo tại Nhật Bản.

Một nhà hàng đạt chứng nhận Halal ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: JG)

Một nhà hàng đạt chứng nhận Halal ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: JG)

Thông tin về thực phẩm Halal thường được lan truyền thông qua các bài đăng trên mạng xã hội của những người có ảnh hưởng trong cộng đồng. Bà Eva F. Nisa cho rằng điều này giúp xây dựng lòng tin ở người mua hàng Halal tại Nhật Bản đối với các sản phẩm thịt Australia. Phần lớn thịt nhập khẩu từ Australia, chẳng hạn như thịt bò từ Kilcoy Global Foods tại Queensland – đơn vị xuất khẩu thịt bò ướp lạnh sang Nhật Bản từ năm 1965 – được cộng đồng Hồi giáo công nhận là đạt chuẩn Halal. Tương tự, công ty Hillside Meat Processors tại Tây Australia, đạt chứng nhận từ Halal Certification Authority Australia, cung cấp thịt bò, dê, cừu và nội tạng Halal cho thị trường Nhật Bản.

Nghiên cứu của TS. Eva F. Nisa về du lịch thân thiện với người Hồi giáo và ngành công nghiệp Halal đã chỉ ra vai trò quan trọng của thịt bò và thịt cừu Australia trong việc đáp ứng nhu cầu ăn uống của các du khách Hồi giáo tại Nhật Bản.

Xu hướng này đặc biệt rõ nét tại Tokyo, được mệnh danh là “thành phố ẩm thực toàn cầu”. Tokyo thúc đẩy sự kết nối xuyên biên giới và định vị một thị trường ẩm thực năng động, nơi các nhà hàng thân thiện với người Hồi giáo phục vụ du khách quốc tế nguồn thịt Australia được chứng nhận Halal. Điều này phản ánh sự giao thoa giữa các nền ẩm thực toàn cầu với thương mại, du lịch và mạng lưới đô thị trong ngành khách sạn của Nhật Bản.

Sự gia tăng số lượng người Hồi giáo tại Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của thịt Australia trong việc đáp ứng nhu cầu ẩm thực của du khách theo đạo Hồi. Bà Eva F. Nisa đã phỏng vấn nhiều du khách cho biết việc tìm kiếm thực phẩm Halal, đặc biệt đối với thịt, là yếu tố không thể thiếu.

Theo một du khách, “việc tìm không gian cầu nguyện rất quan trọng, nhưng chúng tôi có thể cầu nguyện ở bất cứ đâu miễn là sạch sẽ. Tuy nhiên, tìm kiếm thực phẩm Halal, đặc biệt là thịt Halal, là điều bắt buộc. Chúng tôi biết từ tin tức, đánh giá và các bài đăng trên mạng xã hội rằng rất dễ tìm nhà hàng phục vụ thịt Halal tại Nhật Bản". Chính vì vậy, xứ Phù Tang là "một lựa chọn tuyệt vời cho kỳ nghỉ”.

Cánh cửa rộng mở cho du lịch Halal

Một không gian cầu nguyện dành cho người Hồi giáo được bố trí tại một khu phức hợp thương mại ở Tokyo. (Nguồn: Japan Times)

Một không gian cầu nguyện dành cho người Hồi giáo được bố trí tại một khu phức hợp thương mại ở Tokyo. (Nguồn: Japan Times)

Tác giả bài viết nhận định, tháng Ramadan và lễ hội Eid là thời điểm thích hợp để nhìn nhận sự phát triển của du lịch thân thiện với người Hồi giáo tại Nhật Bản và mối liên kết với ngành công nghiệp thịt của Australia. Theo Chỉ số du lịch Hồi giáo toàn cầu Mastercard-CrescentRating, Nhật Bản xếp thứ 5 trong số các quốc gia không thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (non-OIC) có dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo tốt nhất. Năm 2024, Nhật Bản nằm trong 8 điểm đến non-OIC tốt nhất. Sự công nhận đối với các dịch vụ thân thiện với người Hồi giáo tại Nhật Bản cũng được phản ánh trong Chỉ số du lịch Hồi giáo Nhật Bản (JMTI), một báo cáo do Mastercard CrescentRating và Halal Media Japan công bố vào năm 2017.

Số lượng du khách Hồi giáo đến Nhật Bản tăng đáng kể, đặc biệt từ khu vực Đông Nam Á, với động lực từ chính sách Abenomics, trong đó nới lỏng quy định cấp thị thực cho du khách Malaysia, Thái Lan vào năm 2013 và cho Indonesia, Philippines, Việt Nam vào năm 2014. Đồng Yen mất giá cũng kích thích nhu cầu du lịch.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế của du lịch thân thiện với người Hồi giáo trong bối cảnh kinh tế trì trệ kéo dài, chính phủ Nhật Bản đã tích cực thúc đẩy lĩnh vực này. Năm 2008, Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản thành lập Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA) để phát triển và mở rộng du lịch. Những nỗ lực này đã đem lại kết quả rõ rệt vào năm 2014, khi lượng khách Malaysia và Indonesia tăng lần lượt 41% và 16%. Gần đây, vào năm 2024, Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) báo cáo số lượng du khách Malaysia tăng 21,9% và du khách Indonesia tăng 27,5% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm 2023.

Trọng tâm trong nỗ lực phát triển du lịch thân thiện với người Hồi giáo của Nhật Bản là đảm bảo về thực phẩm Halal và không gian cầu nguyện. Các cơ sở cầu nguyện đã mở rộng tại các sân bay lớn như Haneda và Narita, các trung tâm đường sắt như ga Tokyo và các điểm du lịch trọng điểm. Báo cáo JMTI năm 2016 cho biết có khoảng 800 nhà hàng sẵn sàng phục vụ người Hồi giáo, trong đó có 150 nhà hàng đạt chứng nhận Halal. Đáng chú ý, theo các tổ chức cấp chứng nhận Halal, phần lớn nhà hàng Halal do doanh nghiệp Nhật Bản điều hành, phản ánh nhận thức ngày càng tăng về thị trường Halal toàn cầu.

Sự phát triển của ngành du lịch thân thiện với người Hồi giáo và ngành công nghiệp Halal tại Nhật Bản có liên quan chặt chẽ với sự gia tăng cộng đồng người Hồi giáo trong nước. Ngành Halal của Nhật Bản có nguồn gốc từ thời kỳ bong bóng kinh tế những năm 1980, khi quốc gia này thu hút nhiều lao động nước ngoài, bao gồm cả người Hồi giáo. Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Iran là những cộng đồng Hồi giáo lớn nhất tại Nhật Bản hiện nay, với ước tính 80–90% người Hồi giáo tại đây là người nước ngoài. Theo số liệu không chính thức, vào năm 2020, ước tính Nhật Bản có khoảng 230.000 người Hồi giáo, chiếm chưa đến 1% tổng dân số.

TS. Eva F. Nisa kết luận, trong khi Nhật Bản vẫn nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa riêng, các thành phố lớn như Tokyo ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh ẩm thực thế giới, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ ẩm thực thân thiện với người Hồi giáo.

Nhìn chung, sự phát triển của ngành du lịch thân thiện với người Hồi giáo tại Nhật Bản không chỉ phản ánh xu hướng toàn cầu hóa mà còn cho thấy sự thích ứng linh hoạt của quốc gia Đông Bắc Á trước nhu cầu đa dạng của du khách quốc tế. Với vị thế là “thành phố toàn cầu”, Tokyo và các đô thị lớn khác của Nhật Bản đang tận dụng lợi thế thương mại và văn hóa để trở thành điểm đến hấp dẫn cho cộng đồng Hồi giáo.

Khi tháng Ramadan và dịp lễ Eid đến gần, đất nước mặt trời mọc đã tận dụng cơ hội này để thu hút lượng lớn du khách Hồi giáo. Trong đó, thịt bò và thịt cừu Australia không chỉ góp phần định hình thị trường thực phẩm Halal mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mở rộng du lịch của Nhật Bản. Với những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện dịch vụ và cơ sở hạ tầng dành cho du khách Hồi giáo, Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tiếp tục định vị như một điểm đến hàng đầu trong phân khúc du lịch Halal trên thế giới.

* TS. Eva F. Nisa là nhà nghiên cứu nhân học văn hóa tại Đại học Quốc gia Australia, từng giành giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ tiềm năng (DECRA) do Hội đồng Nghiên cứu Australia (ARC) trao tặng. Dự án DECRA của bà tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa ngành công nghiệp Halal.

Việt Hoàng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-lich-halal-o-nhat-ban-phat-trien-nho-thit-bo-australia-308632.html
Zalo