Du lịch Hà Nội - Khánh Hòa: Thêm kết nối, thêm cơ hội

Trong những năm qua, lượng du khách nội địa đến với Khánh Hòa từ Hà Nội đều tăng trưởng rất tốt. Ngành Du lịch Khánh Hòa xác định, Hà Nội là cầu nối quan trọng giữa du khách và các địa phương, không chỉ đối với du khách quốc tế mà Hà Nội còn là thị trường khách nội địa rất lớn.

Liên kết tạo sức bật mới

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch lớn nhất của cả nước. Với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, Hà Nội sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hóa, có vị trí quan trọng trong phát triển du lịch của các địa phương trong cả nước.

Đồng thời, là điểm đến, cầu nối giữa các vùng du lịch trong cả nước, để các địa phương khác đến khảo sát, học tập, kết nối phát triển du lịch, nhằm không ngừng quảng bá sâu rộng hình ảnh du lịch đến gần hơn với du khách.

Thời gian qua, ngành Du lịch Thủ đô đã làm rất tốt việc đẩy mạnh liên kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước, để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng tour du lịch mới trên cơ sở kết nối giá trị văn hóa, lịch sử giữa Hà Nội với các địa phương.

Có thể thấy rõ khi các tour du lịch có điểm đến tại Hà Nội luôn được kết nối với các trọng điểm du lịch khác như Hạ Long, Tràng An, Đà Nẵng…

Nổi bật là liên kết với Khánh Hòa - nơi nổi tiếng thế mạnh về du lịch biển đảo, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, đặc biệt là sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng biển Nha Trang mỗi năm đón hàng chục tàu du lịch biển đẳng cấp thế giới. Cũng là điểm đến yêu thích của nhiều dòng khách quốc tế như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga…

Sự tương phản về hình thái khiến 2 địa phương Hà Nội - Khánh Hòa vừa có khả năng bổ trợ cho nhau để tạo nên một quần thể du lịch đầy màu sắc cho du khách, vừa không bị trộn lẫn làm mất đi bản sắc riêng của mình.

 Hà Nội, phát huy vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Ảnh minh họa.

Hà Nội, phát huy vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Ảnh minh họa.

Dưới góc độ của các doanh nghiệp lữ hành, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội - Khánh Hòa ngày càng được quan tâm, đặc biệt là sự phối hợp trong công tác quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng cũng như các sản phẩm du lịch mới của 2 địa phương thông qua các hoạt động cụ thể như: Tham gia hội chợ VITE; phối hợp tổ chức RoadShow; đón đoàn Famtrip đến khảo sát; trao đổi thông tin trong công tác quản lý Nhà nước; doanh nghiệp lữ hành tổ chức các tour du lịch nhằm hỗ trợ đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng cho nhau…

Hà Nội luôn đánh giá Khánh Hòa là một trong những điểm đến quan trọng trong việc liên kết, hợp tác, phát triển sản phẩm. Đây cũng là những địa phương trọng điểm trong việc xây dựng các chương trình xúc tiến du lịch nội địa của Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Thành - chuyên gia du lịch, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa: Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song thực tế, liên kết vùng về du lịch giữa 2 địa phương vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế: “Các doanh nghiệp du lịch chưa tận dụng sự liên kết để tạo các chương trình tour hấp dẫn hơn, nhằm thu hút khách cho cả Khánh Hòa và Hà Nội. Doanh nghiệp có thể cân nhắc tạo các chuỗi sản phẩm du lịch trọn gói giữa loại hình du lịch đô thị - du lịch nghỉ dưỡng biển”.

Kỳ vọng nâng tầm du lịch

Tuy nhiên, với tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, Hà Nội và Khánh Hòa vẫn có thể nâng tầm quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả và tiến xa hơn nữa.

Sau dịch Covid -19, Khánh Hòa "bắt tay" Hà Nội cùng kích cầu du lịch nội địa. Ảnh: Hương Thảo

Sau dịch Covid -19, Khánh Hòa "bắt tay" Hà Nội cùng kích cầu du lịch nội địa. Ảnh: Hương Thảo

Đánh dấu cho tầm nhìn và khát vọng này là việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vào đúng thời điểm Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận vào ngày 28/5 sắp tới.

Một trong những nội dung trong kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ: Tiếp tục rà soát các phương án quy hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, lấy kinh tế, phát triển không gian đô thị là động lực chủ yếu, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Gắn việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với không gian đô thị, kết hợp với các ngành, lĩnh vực đang là thế mạnh, có xu hướng phát triển tốt như thương mại điện tử, bán lẻ qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, du lịch, dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí và các dịch vụ đô thị chất lượng cao.

Trong đó, tại khu vực nội đô lịch sử, quan tâm cải tạo, chỉnh trang đô thị trên nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác tối đa giá trị đất đai, giá trị các di tích văn hóa - lịch sử (với sự nâng tầm bằng công nghệ số), các trụ sở cũ, các khu phố cổ, các công trình kiến trúc Pháp để lại nhằm phát triển mạnh các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại; tiếp tục gia tăng diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ bằng việc khai thác đồng bộ, hiệu quả các không gian trên cao, mặt đất và không gian ngầm.

Kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: Nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực, xây dựng thành phố Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế.

Chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là là tiềm năng Hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch. Xác định khu vực dự trữ phát triển cho thế hệ tương lai.

Các doanh nghiệp du lịch rất kỳ vọng, trong tương lai, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua cùng với với Nghị quyết số 15, Kết luận số 80 của Bộ Chính trị tạo ra cơ chế mở, với nhiều chính sách đặc thù hơn và đó là cơ hội để Hà Nội hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, vươn tầm khu vực và thế giới, sẽ là bệ phóng nâng tầm vị thế du lịch Thủ đô lên đẳng cấp quốc tế.

Để có những bước chuyển mình, cụ thể hóa quan điểm phát triển đó, thì những cách làm du lịch sáng tạo chính là vai trò đóng góp quan trọng. Hoạt động kinh tế đêm chính là một trong những cách làm hiệu quả thu hút khách đến Hà Nội. Nhiều du khách rất thích thú với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận bởi các hoạt động vui chơi giải trí và ẩm thực tại đây.

Ngành Du lịch Thủ đô giàu sắc hương, phải đem thứ sắc hương ấy quảng bá rộng rãi đến mọi người, đặt mình vào vòng quay của nhịp sống du lịch thế giới, kết nối với các địa phương để đưa khách đến Thủ đô và ngược lại. Từ đó, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung, du lịch khu vực nói riêng.

Thông qua những cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp du lịch sẽ đủ sức kêu gọi sự tham gia của những nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch, góp phần thay đổi diện mạo, từng bước hiện đại hóa và nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch trong vùng.

Đối với sự liên kết vùng du lịch với Khánh Hòa, hai địa phương cần tiếp tục cùng tạo nên những sản phẩm du lịch ấn tượng, hấp dẫn bổ trợ cho nhau; chia sẻ dữ liệu các điểm đến tham quan du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trên các trang thông tin uy tín; cùng nhau tham gia các hoạt động xúc tiến thị trường trong nước và quốc tế...

Hương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/du-lich-ha-noi-khanh-hoa-them-ket-noi-them-co-hoi-171265.html
Zalo