Du lịch Hà Giang tháng 2 có gì đẹp?

Hà Giang tháng 2 không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn hay những con đèo uốn lượn quanh co mà còn quyến rũ bởi sắc hoa đào, hoa mận, hoa cải bung nở khắp các bản làng, sườn núi.

Tháng 2 ở Hà Giang mang một vẻ đẹp đặc biệt, hài hòa giữa sự hùng vĩ của núi non và nét dịu dàng của mùa xuân. Tiết trời lúc này đã bớt đi cái lạnh buốt giá của mùa đông, thay vào đó là những tia nắng ấm áp, trong lành, rất thích hợp cho những hoạt động khám phá và trải nghiệm.

 Mùa hoa cải vàng nơi đây bắt đầu từ đầu tháng 12 và nở rộ nhất vào dịp cuối tháng 1 đầu tháng 2. Ảnh: Phương Lê

Mùa hoa cải vàng nơi đây bắt đầu từ đầu tháng 12 và nở rộ nhất vào dịp cuối tháng 1 đầu tháng 2. Ảnh: Phương Lê

Vào thời điểm này, Hà Giang không chỉ quyến rũ bởi những cung đường đèo quanh co, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ mà còn "hớp hồn" du khách bởi sắc màu tươi thắm của các loài hoa. Hoa đào, hoa mận, hoa cải... đua nhau khoe sắc, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, rực rỡ và tràn đầy sức sống.

Tháng 2 là thời điểm hoa cải vàng ở Hà Giang bắt đầu nở rộ, và Mèo Vạc là một trong những điểm ngắm hoa cải đẹp nhất. Những cánh đồng hoa cải vàng trải dài bất tận, xen kẽ với những dãy núi đá vôi hùng vĩ, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Mùa hoa cải nở ở đây thường trùng vào mùa hoa đào và hoa mận nở. Chính vì vậy, đến với Hà Giang mùa hoa cải, bạn không chỉ được ngắm nhìn những bông cải vàng thơ mộng mà còn được chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa mận, hoa đào khoe sắc đầy sức sống giữa một vùng trời cao nguyên.

 Hoa đào mùa xuân tại Hà Giang. Ảnh: Như Ý

Hoa đào mùa xuân tại Hà Giang. Ảnh: Như Ý

Bên cạnh đó, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những thắng cảnh nổi tiếng như đèo Mã Pí Lèng, dòng Nho Quế, hay núi đôi Quản Bạ mà còn có cơ hội trải nghiệm những phong tục, lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Tiêu biểu như lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, hay được chiêm ngưỡng các điệu múa khèn của người Mông, cùng bà con trải nghiệm hoạt động “cày trên nương đá” trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Ngoài việc khám phá vẻ đẹp tự nhiên và văn hóa, du khách đến Hà Giang trong dịp Tết còn được trải nghiệm không khí ấm áp, thân thiện của bà con nơi đây.

Dù là lần đầu tiên hay đã nhiều lần ghé thăm, khách du lịch đều cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong chất lượng dịch vụ, đồng thời vẫn giữ được những giá trị truyền thống đặc trưng của địa phương.

Chính sự chân thành, mến khách của người dân nơi đây đã khiến nhiều du khách cảm thấy gắn bó và mong muốn quay lại.

Mặc dù du lịch Hà Giang đã trở thành một điểm đến “hot” trong những năm gần đây, song địa phương vẫn giữ vững cam kết phát triển du lịch bền vững.

 Sông Nho Quế tại Hà Giang. Ảnh: Hạ Lan

Sông Nho Quế tại Hà Giang. Ảnh: Hạ Lan

Đặc biệt, trong năm 2024, Hà Giang tiếp tục tập trung vào du lịch cộng đồng, với mục tiêu bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa. Các làng văn hóa du lịch cộng đồng đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, không chỉ mang lại thu nhập cho người dân mà còn giúp du khách có những trải nghiệm chân thực, sâu sắc về cuộc sống của đồng bào dân tộc.

Một trong những điểm đặc biệt trong chiến lược phát triển du lịch của Hà Giang là cam kết không tăng giá vào dịp lễ Tết và “nói không với chặt chém.” Điều này đã tạo dựng được niềm tin đối với du khách, khiến họ luôn cảm thấy thoải mái và an tâm khi đến thăm mảnh đất này.

Cùng với đó, các tour du lịch mới, những sản phẩm du lịch mang đậm giá trị lịch sử và văn hóa đã giúp du khách có những trải nghiệm độc đáo, khác biệt và ấn tượng.

Chính những yếu tố này đã giúp Hà Giang không chỉ thu hút lượng khách lớn mà còn giữ chân được nhiều du khách quay lại, tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch địa phương.

Với những chiến lược bài bản và tâm huyết, Hà Giang chắc chắn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, đặc biệt là trong những ngày đầu Xuân, khi thiên nhiên tươi đẹp và không khí Xuân ngập tràn khắp đất trời.

 Cột cờ Lũng Cú là điểm cực Bắc Việt Nam, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của người Việt Nam. Ảnh: Quang Thuận

Cột cờ Lũng Cú là điểm cực Bắc Việt Nam, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của người Việt Nam. Ảnh: Quang Thuận

Năm 2024, Hà Giang đã đón nhận 3,2 triệu lượt khách, đạt doanh thu 8.150 tỷ đồng, trong đó lượng khách quốc tế đến từ 186 quốc gia và lãnh thổ, với các quốc gia đông đảo nhất là Anh, Pháp, Đức và Mỹ. Khách nội địa cũng rất phong phú, đến từ hầu hết các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Hiện, Hà Giang có 26 doanh nghiệp lữ hành, trên 1.000 cơ sở lưu trú và 229 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hoạt động, bảo đảm chất lượng dịch vụ cho du khách. Hạ tầng du lịch của Hà Giang đã được nâng cấp và vận hành hiệu quả.

Đặc biệt, Hà Giang liên tục được các tổ chức quốc tế và tạp chí uy tín vinh danh là điểm đến lý tưởng. Tiêu biểu như tờ The New York Times (Mỹ) đã xếp Hà Giang vào danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, trong khi tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) công nhận Hà Giang là “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á” năm 2024…

Hà Giang đang tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng, từ giao thông đến các dịch vụ du lịch, để phục vụ du khách một cách tốt nhất. Đặc biệt, việc phát triển các làng du lịch cộng đồng, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch, đã giúp Hà Giang khẳng định được vị thế trong bản đồ du lịch Việt Nam.

 Tháng 2, ở Hà Giang còn có nhiều hoạt động vui xuân khác như chợ phiên ngày Tết, các trò chơi dân gian. Ảnh: HG

Tháng 2, ở Hà Giang còn có nhiều hoạt động vui xuân khác như chợ phiên ngày Tết, các trò chơi dân gian. Ảnh: HG

Với những nét đẹp tự nhiên nguyên sơ, không khí trong lành và những giá trị văn hóa đặc sắc, Hà Giang đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trong lòng du khách.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-lich-ha-giang-thang-2-co-gi-dep-post333200.html
Zalo