Du lịch đường sắt-hành trình kết nối các vùng di sản

Với tuổi đời hơn 100 năm, đường sắt Việt Nam đã đồng hành cùng nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc. Bước vào giai đoạn phát triển mới, sứ mệnh của ngành đường sắt giờ đây không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn mang lại những trải nghiệm đặc biệt, giúp du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của mỗi vùng đất, trở thành hành trình khám phá vẻ đẹp di sản của đất nước.

“Hành trình đêm Đà Lạt” một sản phẩm du lịch độc đáo của ngành đường sắt

Đến thành phố Đà Lạt, một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng đất này, đó chính là ga Đà Lạt - nơi khởi đầu của tuyến đường sắt Đà Lạt-Trại Mát có chiều dài 6,7km, là phần còn lại của tuyến Tháp Chàm-Đà Lạt dài 84km, nối tỉnh Ninh Thuận với Lâm Đồng được đưa vào khai thác năm 1932, do người Pháp xây dựng.

Đây là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam và là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa đẹp nhất thế giới (cùng với tuyến đường sắt của Thụy Sĩ).

Với hành trình chạy tàu khoảng 1 tiếng (30 phút chiều đi và 30 phút chiều về), tốc độ chạy tàu chậm, vào ban ngày, du khách có thể thoải mái thư giãn ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt còn vào ban đêm, vẻ đẹp của thành phố hoa lại vô cùng huyền ảo, khác lạ.

 Nhà ga Đà Lạt được xây dựng theo ý tưởng từ ngọn núi Langbiang.

Nhà ga Đà Lạt được xây dựng theo ý tưởng từ ngọn núi Langbiang.

Tòa nhà chính của ga Đà Lạt được xây cách điệu ba mái hình chóp tượng trưng cho ba đỉnh núi Langbiang, chóp giữa có một đồng hồ lớn, công trình được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2001.

Ông Đặng Hiếu Dân, người có nhiều năm gắn bó với công việc giảng dạy trong lĩnh vực đường sắt cho biết: "Cùng với nhà ga Đà Lạt có kiến trúc hình ngọn núi và mái nhà rông của đồng bào Tây Nguyên thì đường sắt Tháp Tràm-Đà Lạt có đường ray thiết kế răng cưa để có thể vượt qua những dãy núi, công trình này có thiết kế độc đáo giống với tuyến đường sắt tại Thụy Sĩ vượt qua dãy núi Alpes".

Khác với Đà Lạt nhộn nhịp và sầm uất, khi đến Trại Mát, du khách có thể cảm nhận vẻ nhẹ nhàng, yên bình với những đồi thông reo trong gió, khung cảnh thơ mộng làm say lòng người.

Trước khi lên tàu, du khách có thể thoải mái tham quan, check-in tại ga Đà Lạt - một công trình kiến trúc cổ độc đáo được lấy cảm hứng thiết kế từ núi Langbiang huyền thoại và mái nhà rông Tây Nguyên truyền thống hoặc check-in tại những toa tàu cổ mang phong cách Đông Dương.

Trên "Hành trình đêm Đà Lạt", ngoài việc được thưởng thức âm nhạc, du khách còn có thể thưởng thức tiệc tối theo yêu cầu.

 Du khách check in tại ga Đà Lạt. (Ảnh: NGỌC TIẾN)

Du khách check in tại ga Đà Lạt. (Ảnh: NGỌC TIẾN)

Chị Nguyễn Thị Trang, du khách TP Hồ Chí Minh cho biết: "Khi trải nghiệm chuyến tàu du lịch Đà Lạt-Trại Mát gợi cho tôi về một thời kỳ lịch sử, được nghe những bản nhạc ca ngợi về xứ hoa đào rất thơ mộng, thưởng thức ẩm thực độc đáo mang lại cho tôi cảm giác thú vị".

Chị Trương Thị Như Quỳnh, du khách Cần Thơ cho biết: "Ga Đà Lạt còn hơn cả chữ đẹp, chị mong muốn những dịch vụ như thế sẽ tiếp tục được nhiều du khách trải nghiệm để cảm nhận vẻ đẹp của đất nước mình".

Hành trình đêm Đà Lạt là một sản phẩm du lịch mà ngành đường sắt đưa vào khai thác nhằm tiếp tục mang đến cho hành khách những trải nghiệm mới, cảm nhận vẻ đẹp của Đà Lạt về đêm, góp phần đa dạng dịch vụ và phát triển du lịch địa phương.

 Nghệ sĩ biểu diễn trên chuyến tàu "Hành trình đêm Đà Lạt". (Ảnh: NGỌC TIẾN)

Nghệ sĩ biểu diễn trên chuyến tàu "Hành trình đêm Đà Lạt". (Ảnh: NGỌC TIẾN)

Bà Trần Thị Vũ Loan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Ga Đà Lạt gắn với một câu chuyện lịch sử, hệ thống nhà ga xe lửa của thành phố Đà Lạt hiện đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, đây chính là đòn bẩy và là tiền đề góp phần vào sự phát triển kinh tế của thành phố, đúng với chủ trương của Tỉnh ủy và Thành ủy trong phát triển du lịch chất lượng cao".

Đoàn tàu kết nối di sản miền trung

Nếu như "Hành trình đêm Đà Lạt" du khách sẽ được tham quan thành phố Đà Lạt bằng tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam thì chuyến tàu du lịch nối Huế-Đà Nẵng mang tên "Kết nối di sản miền trung" giúp du khách có thêm trải nghiệm thú vị trên hành trình tham quan, trải nghiệm những điểm đến di sản, điểm du lịch ở miền trung.

Đoàn tàu "Kết nối di sản miền trung" được đưa vào khai thác ngày 26/3/2024, đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Thừa Thiên Huế. Đây là sản phẩm kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, lịch sử và văn hóa.

Với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ, đoàn tàu sẽ đưa du khách đi qua đèo Hải Vân - nơi được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" để đến với Đà Nẵng - thành phố sở hữu nhiều bãi biển đẹp.

Chuyến tàu mang số hiệu HĐ1 gồm 10 toa xe, trong đó có 2 toa xe cộng đồng phục vụ ẩm thực xứ Huế và ca Huế. Hai toa xe được Đường sắt Việt Nam trang trí theo lối truyền thống cung đình xưa.

Tàu được trang bị ghế mềm điều hòa, đặt cạnh những ô cửa sổ để tiện cho du khách ngắm cảnh dọc tuyến đường sắt được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam nối Huế-Đà Nẵng.

Các nghệ sĩ biểu diễn trên chuyến tàu "Kết nối di sản miền trung".

Các nghệ sĩ biểu diễn trên chuyến tàu "Kết nối di sản miền trung".

Trên chuyến tàu này, các nghệ sĩ biểu diễn ca Huế sẽ trình diễn những bản Nam Bình, Phủ Lục, Cổ Bản… phục vụ du khách. Cạnh toa xe này là toa xe ẩm thực, với hàng loạt món bánh trái xứ Huế như: bánh ít, chả lụa, nem Huế… cùng các loại thức uống để du khách thoải mái lựa chọn trên chuyến hành trình di sản này.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, việc đưa chuyến tàu du lịch nối Huế-Đà Nẵng vào hoạt động nhằm đưa thêm một loại hình vận tải du lịch thú vị vào khai thác, giúp sự nối kết du lịch giữa hai địa phương Huế và Đà Nẵng thêm bền chặt: "Với chuyến tàu này, chúng tôi hy vọng du khách khi đến Huế và Đà Nẵng sẽ có thêm một trải nghiệm thú vị trên hành trình tham quan, trải nghiệm những điểm đến di sản, điểm du lịch ở miền trung".

Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết: "Tính từ thời điểm khai trương đoàn tàu kết nối di sản miền trung (ngày 26/3/2024) đến nay đã đón 225.037 lượt hành khách (trong đó có 33.075 khách nước ngoài); hiện lượng khách tham gia trải nghiệm đôi tàu này đang có chiều hướng rất tích cực, lượng hành khách nước ngoài đã chiếm khoảng gần 50% lượng khách đi tàu.

Hiện công ty đang chuẩn bị khai trương đoàn tàu Hoa phượng đỏ trên tuyến Hà Nội-Hải Phòng đúng dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng thành phố Hải Phòng".

Đường sắt không phải của riêng ngành đường sắt mà là của cộng đồng, của đất nước

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: "Việc đưa vào khai thác các đoàn tàu kết nối di sản là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch của các địa phương. Chúng tôi cho rằng đường sắt không phải của riêng ngành đường sắt mà là của cộng đồng, của người dân, của địa phương, của đất nước, thậm chí của cả nhân loại. Vì vậy, chúng ta phải đưa giá trị đó để phục vụ cộng đồng, phục vụ người dân, phục vụ địa phương, phục vụ đất nước".

Ông Võ Quang Liên Kha, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết: "Trước đây ngành đường sắt luôn cho rằng việc vận hành chậm đó là một yếu thế của ngành, tuy nhiên theo tôi đó là nét riêng để ngành đường sắt trở thành phương tiện giúp ngành trải nghiệm văn hóa".

Ông Kha cho rằng: "Việc hợp tác với ngành đường sắt sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo. Chúng tôi cùng với đường sắt đưa ra một kế hoạch dài hơi không chỉ từng tuyến, từng đoạn mà là trên toàn bộ tuyến đường sắt từ bắc vào nam, đâu đâu cũng là câu chuyện về lịch sử và đưa du khách trải qua hành trình tìm về với các giá trị văn hóa và lịch sử thông qua những chuyến tàu hành trình di sản".

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Ông Đặng Sỹ Mạnh cũng cho biết, việc kết hợp với các địa phương, các công ty lữ hành để mang đến cho hành khách những trải nghiệm du lịch độc đáo, giúp du khách có thêm trải nghiệm lịch sử, văn hóa của mỗi vùng đất là sứ mệnh của ngành đường sắt, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

"Chức năng của đường sắt là ngoài vận tải hàng hóa còn là vận tải hành khách kết hợp du lịch. Vì vậy thời gian tới chúng tôi xác định là phải vận hành khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện hữu song hành cùng việc xây dựng tuyến đường sắt mới.

Chúng tôi cũng ý thức được những điểm nghẽn cần tháo gỡ đối với hạ tầng đường sắt, người Pháp xây dựng từ năm 1881 đến nay đã 144 năm, đường đơn, khổ hẹp, ray có mối nối, đường ngang qua đường sắt nhiều đặc biệt các lối đi tự mở, và nguy cơ bão lũ… từ những điểm nghẽn hạ tầng chúng tôi có đề xuất nhiều dự án cải tạo, nâng cấp bảo đảm an toàn, thông suốt bên cạnh việc đầu tư các phương tiện mới, chất lượng để phục vụ du khách có những trải nghiệm ý nghĩa".

THU HÀ - XUÂN THẮNG - NGỌC TÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-lich-duong-sat-hanh-trinh-ket-noi-cac-vung-di-san-post869487.html
Zalo