Du lịch chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch khẳng định, biến đổi khí hậu, nước biển dâng hay mưa lũ, thời tiết cực đoan vẫn có thể trở thành các sản phẩm du lịch nếu áp dụng hợp lý, cân nhắc tính khả thi trong quá trình thực hiện, triển khai.

Thay đổi tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng, việc thay đổi tư duy tiếp cận tài nguyên du lịch có ý nghĩa rất quan trọng. Theo Giám đốc Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, với các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, xâm nhập mặn, hạn hán và cháy rừng ngày càng gia tăng. Những tác động này đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, tài nguyên du lịch và an toàn của du khách.

Trước hiện trạng đó, theo ông Đạt, ngành du lịch vẫn chưa có biện pháp thích ứng đầy đủ với biến đổi khí hậu. Nhiều điểm du lịch như vịnh Hạ Long, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên đều đang gặp phải các vấn đề như hư hỏng cơ sở vật chất, sạt lở đất, thiếu nước… do tác động của biến đổi khí hậu; điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có những giải pháp thích ứng và ứng phó kịp thời.

 Du khách tham quan, trải nghiệm kênh rạch ở Cần Thơ

Du khách tham quan, trải nghiệm kênh rạch ở Cần Thơ

Trên thực tế, đã có nhiều địa phương và doanh nghiệp bắt đầu có các sáng kiến du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu. Điển hình có tour du lịch trải nghiệm những nơi đã và đang chịu sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu như: tình trạng sạt lở, mất rừng phòng hộ ở huyện Thạnh Phú; xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt ở chợ Lách, các huyện Ba Tri, Bình Đại... tỉnh Bến Tre. Hay dự án "Phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu" triển khai năm 2018 kết nối và phát triển du lịch 13 tỉnh, thành nhằm bảo tồn và nuôi dưỡng các tài nguyên văn hóa then chốt ở khu vực này như chợ nổi, các cộng đồng bên sông và văn hóa sống địa phương.

Các sản phẩm du lịch đột phá đã từng công bố những năm gần đây của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) như du lịch mưa, bão, lụt miền Trung, du lịch gió Bạc Liêu, du lịch Corona… cũng nhằm giải quyết các thách thức lớn nhất của ngành, trong đó có vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Chủ tịch STDe Nguyễn Thu Hạnh cho biết, đây là các sản phẩm được hình thành từ các dự án về thay đổi tư duy ứng xử với biến đổi khí hậu. Thay cho trốn chạy và chống lại các yếu tố thời tiết bất lợi, các dự án đề xuất giải pháp để du lịch sống chung và tìm kiếm cơ hội từ chính những yếu tố bất lợi đó.

Quy hoạch hợp lý, linh hoạt và cân nhắc tính khả thi

Đề xuất giải pháp phát triển du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng có thể quy hoạch kiến trúc và hạ tầng du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu; quy hoạch chuỗi đảo thích ứng linh hoạt với hệ sinh thái ngập nước ven sông, tạo kênh rạch, hồ điều hòa, hồ tích nước mưa; giải pháp kiến trúc công trình tiến tới xây dựng nhà trên cột, nhà trên cây, nhà trên phao, nhà trên bè, nhà di động, nhà nổi; giải pháp năng lượng thúc đẩy sử dụng điện mặt trời, điện gió; giải pháp vật liệu hướng tới vật liệu xốp thấm nước, cây xanh lợp mái trong tương lai…

Đơn cử, với sản phẩm du lịch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là vùng châu thổ, đâu cũng là sông nước, nên du khách đến các địa phương dễ có cảm giác trùng lặp. Tuy nhiên, xét về bản chất sông nước của các tỉnh có sự khác biệt. Cần Thơ mang bản chất đô thị; An Giang mang chất tâm linh; Kiên Giang có lợi thế biển đảo; Cà Mau lại gắn với rừng ngập mặn, rừng tràm... Điều quan trọng các tỉnh cần hướng tới hiện nay là từ những sự khác biệt đó, xây dựng sản phẩm đặc thù, tạo điểm nhấn cho địa phương và thích ứng với nguy cơ biến đổi khí hậu mà vùng đất đang phải đối mặt.

CEO Công ty AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, phát triển sản phẩm du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu cần lưu ý tính khả thi, như chi phí đầu tư hợp lý, phù hợp, không quá tốn kém, để có thể triển khai và duy trì hiệu quả. Các sản phẩm cần có tính sáng tạo, độ bền vững cao để tránh bị bắt chước hoặc nhanh chóng lạc hậu so với xu hướng thị trường. Các ý tưởng, sản phẩm du lịch mới cần được xem xét kỹ lưỡng về khả năng thực hiện, bảo đảm tuân thủ các quy định, quy hoạch và không vi phạm pháp luật; có khả năng tạo doanh thu và lợi ích kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu của cộng đồng địa phương.

“Như thực tế cơn bão Yagi vừa qua gây thiệt hại lớn cho nhiều tỉnh, thành miền Bắc, các khách sạn, tàu bè, làng chài ở biển, khu du lịch ven biển, nhà hàng… tưởng đã xây rất chắc chắn song đều bị tàn phá nghiêm trọng, không tính trước được, theo đó khó có thể hoạt động du lịch trong thời gian này. Hoặc vấn đề khai thác, phát triển sản phẩm du lịch tại những nơi chịu sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, sạt lở, hạn hán tại Tây Nguyên không bảo đảm an toàn cho người tham gia, càng khó có thể mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng. Việc nghiên cứu và áp dụng hợp lý các giải pháp sẽ giúp ngành du lịch chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên du lịch và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch”, ông Đạt nhấn mạnh.

Hồng Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-lich-chu-dong-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-post403968.html
Zalo