Du lịch canh nông Đà Lạt đem đến cho du khách những cảm xúc mới lạ

Du lịch canh nông đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ, có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau.

Ngày 17-10, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả đạt được và các khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tỉnh đầu tiên phát triển du lịch canh nông

Theo báo cáo, sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách như bộ tiêu chí công nhận mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “Điểm du lịch canh nông”.

 Bà Trần Thị Vũ Loan - Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Bà Trần Thị Vũ Loan - Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn thẩm định và ra quyết định công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông” cho 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 14 đơn vị ngưng hoạt động.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thì sản phẩm du lịch canh nông đã từng bước phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông.

Tổng lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay đạt hơn 7 triệu lượt khách.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, loại hình du lịch canh nông đã giúp cho nông sản được sản xuất và tiêu thụ tại chỗ, góp phần xây dựng thương hiệu, đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần giữ gìn và nâng cao các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Du lịch canh nông còn đem lại cho du khách những cảm xúc mới lạ, có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau. Sản phẩm du lịch canh nông rất phong phú, du khách khi tham gia loại hình này được hòa mình, gần gũi với thiên nhiên; được tham quan, thưởng lãm và tìm hiểu quy trình canh tác, sản xuất, thu hoạch, chế biến và thưởng thức sản phẩm nông nghiệp tại các trang trại, nhà vườn tại chỗ.

 Chủ một cơ sở du lịch canh nông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VÕ TÙNG

Chủ một cơ sở du lịch canh nông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VÕ TÙNG

Tuy nhiên, vì Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình này nên vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó đặc biệt cần các tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỉ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp...

Bên cạnh đó, một số mô hình còn gặp khó khăn trong phương pháp vận hành; chưa liên kết các sản phẩm, dịch vụ thành quy trình khép kín; sản phẩm du lịch chưa rõ tính đặc trưng và thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành cộng tác để đưa khách đến tham quan.

Cần nâng cao nhận thức về du lịch canh nông

Theo Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thì tính độc đáo, khác biệt, chất lượng của sản phẩm du lịch canh nông là những yếu tố quyết định sức hút của loại hình này trong thời gian qua.

Điều này có được là nhờ sự vào cuộc, tinh thần trách nhiệm và sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo đại diện UBND TP Đà Lạt, bên cạnh những kết quả khả quan thì hiện nay, du lịch canh nông còn gặp một số khó khăn, hạn chế.

Đó là các mô hình còn thiếu các điều kiện về trang thiết bị, khu vực phục vụ cho du khách như nhà đón tiếp khách, bãi đậu đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn, tủ thuốc/túi thuốc y tế nhằm ứng phó trong những trường hợp khẩn cấp. Hạ tầng giao thông đấu nối đến các điểm du lịch canh nông chưa thuận lợi.

 Hội nghị đánh giá kết quả đạt được và các khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VÕ TÙNG

Hội nghị đánh giá kết quả đạt được và các khó khăn, vướng mắc trong phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VÕ TÙNG

Ngoài ra, sản phẩm cho khách du lịch tham quan ở một số mô hình du lịch canh nông còn trùng lặp, chưa tạo ra sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách.

Trong khi đó, du lịch canh nông là mô hình du lịch mới, chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, để du lịch canh nông phát triển cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các chính sách về phát triển du lịch canh nông.

Trong đó, cần thiết phải đa dạng hóa và đổi mới hình thức nội dung tuyên truyền về du lịch nông thôn; đẩy mạnh gắn kết và khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng xã hội (Youtube, Zalo, Facebook, TikTok…) giới thiệu các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch canh nông gắn với quá trình chuyển đổi số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch canh nông ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

 Tiến sĩ Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng định hướng một số nội dung phát triển du lịch canh nông. Ảnh: VÕ TÙNG

Tiến sĩ Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng định hướng một số nội dung phát triển du lịch canh nông. Ảnh: VÕ TÙNG

Cũng theo lãnh đạo sở này, việc nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về phát triển du lịch canh nông là hết sức quan trọng.

Trong đó việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch; khuyến khích doanh nghiệp, hộ kinh doanh đổi mới, sáng tạo.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách về du lịch canh nông như xây dựng định hướng phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, bổ sung trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch nông thôn; thúc đẩy liên kết giữa nông thôn và đô thị trong phát triển du lịch. Xây dựng, hướng dẫn và triển khai thực hiện bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về công nhận điểm du lịch nông thôn.

Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch canh nông

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, để du lịch canh nông phát triển cần lồng ghép nguồn lực thực hiện chương trình du lịch nông thôn với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan, đặc biệt các nội dung thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức, đầu tư của doanh nghiệp, Hợp tác xã, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, đóng góp của cộng đồng (tài chính, sức lao động…) và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch canh nông.

Khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch canh nông, môi trường khác nhau theo các quy định của pháp luật nhằm tạo ra nguồn thu ổn định từ hoạt động du lịch để đầu tư trở lại cho các công tác bảo vệ tài nguyên du lịch.

Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động tại các điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.

VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/du-lich-canh-nong-da-lat-dem-lai-cho-du-khach-nhung-cam-xuc-moi-la-post815389.html
Zalo