Dự kiến số lượng cơ quan chuyên môn của Quốc hội sau sắp xếp, tinh gọn

Dự kiến sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban.

Tiếp tục chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 6/2, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự án luật và các dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Về số lượng, cơ cấu tổ chức, theo ông Tùng, đa số ý kiến tán thành với việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Theo đó, sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng các cơ quan chuyên môn của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội về số lượng, tên gọi các ủy ban của Quốc hội để bảo đảm địa vị pháp lý của các cơ quan; nên sử dụng cụm từ “cơ quan của Quốc hội” thay vì cụm từ “cơ quan chuyên môn của Quốc hội”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ban soạn thảo thấy rằng, trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước và yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, việc không quy định cứng số lượng, tên gọi các cơ quan của Quốc hội trong luật là phù hợp và thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện sắp xếp, điều chỉnh, bảo đảm hài hòa về cơ cấu tổ chức với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan.

“Vấn đề này cũng đã được Bộ Chính trị tán thành khi cho ý kiến về các dự án luật về tổ chức bộ máy. Việc sử dụng cụm từ 'cơ quan chuyên môn của Quốc hội' là phù hợp với chức năng, tính chất hoạt động của các cơ quan này”, ông Tùng cho hay.

Giữ ổn định, không gây xáo trộn quá nhiều

Liên quan đến việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trong quá trình thảo luận, các cơ quan đều tán thành với nguyên tắc và nội dung phân định thẩm quyền của Hội đồng, Ủy ban như dự thảo Nghị quyết.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực tôn giáo, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị cân nhắc giao Hội đồng Dân tộc phụ trách lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng để bảo đảm tính cân đối, hài hòa trong nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan và tập trung cơ quan đầu mối.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục giao lĩnh vực này cho Ủy ban Văn hóa và Xã hội như trước khi thực hiện sắp xếp.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị giao lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng cho Hội đồng Dân tộc. Vì Hội đồng này lâu nay phụ trách ít luật, chỉ tăng cường công tác giám sát. Ngoài ra, Chính phủ đã có Bộ Dân tộc và Tôn giáo, nên giao lĩnh vực này cho Hội đồng Dân tộc để cân đối hài hòa giữa các ủy ban.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, đều nhắc lại quan điểm nên tiếp tục giao phụ trách lĩnh vực này cho Ủy ban Văn hóa và Xã hội như trước đây.

“Lĩnh vực tôn giáo không chỉ liên quan đến văn hóa, xã hội, mà còn liên quan nhiều đến các ủy ban khác, trong đó có cả quốc phòng an ninh, hội đồng dân tộc… Tuy nhiên, lĩnh vực tôn giáo xét ở góc độ văn hóa thì phù hợp, xã hội càng phù hợp”, bà Nguyễn Thúy Anh nêu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh quan điểm, trong quá trình sắp xếp bộ máy, cố gắng giữ ổn định, không gây xáo trộn quá nhiều. Do vậy, lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng không nên chuyển sang Hội đồng Dân tộc, vì như thế “anh em sẽ vất vả”, trong khi về chuyên môn, lâu nay Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách lĩnh vực này.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, đề xuất này được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18, đảm bảo hài hòa trong nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan… "Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thế nào, chúng tôi cũng vui vẻ chấp hành, bởi tăng thêm nhiệm vụ thì tăng thêm thách thức", ông nói.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, với các vụ chuyên môn sẽ giữ nguyên như trước đây. Tương tự về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, vẫn giữ nguyên ở Ủy ban Văn hóa như lâu nay. “Trước thế nào, giờ giữ như thế”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-kien-so-luong-co-quan-chuyen-mon-cua-quoc-hoi-sau-sap-xep-tinh-gon-post1714838.tpo
Zalo