Dự kiến 'phủ sóng' 616 km đường sắt đô thị, Hà Nội sẽ lấy nguồn vốn ở đâu để triển khai?

Đường sắt đô thị là một trong những mục tiêu trọng điểm và dài hạn của TP Hà Nội nhằm giải bài toán ùn tắc giao thông. Để hoàn thành mục tiêu TP cần những cơ chế đặc thù cùng nguồn vốn 'khổng lồ' hàng chục tỷ USD.

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo về mục tiêu xây dựng và hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian tới.

Mục tiêu có thêm hơn 616 km đường sắt đô thị

Hệ thống đường sắt đô thị đối với Hà Nội, TP.HCM và các đô thị hiện đại khác là loại hình vận tải hành khách công cộng cực kì quan trọng do vận tải khối lượng khách lớn, tốc độ cao, trở thành “xương sống” trong giao thông mỗi đô thị và liên kết vùng.

Riêng tại Hà Nội, những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ tạo điều kiện của Quốc hội, Chính Phủ, các bộ ngành, cùng với sự nỗ lực cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị TP Hà Nội, việc triển khai thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nói chung, trong đó đặc biệt là phát triển hệ thống đường sắt đô thị nói riêng đã đạt được những kết quả ban đầu.

Hà Nội dự kiến làm 15 dự án đường sắt đô thị, tổng chiều dài hơn 616 km.

Hà Nội dự kiến làm 15 dự án đường sắt đô thị, tổng chiều dài hơn 616 km.

Cụ thể, Hà Nội đã đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội. Qua 2 năm đi vào vận hành (từ ngày 6/11/2021) đến nay, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn, ổn định, chất lượng phục vụ tốt, kết quả bước đầu đã chứng minh ưu thế của một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, hiện đại.

Mới nhất, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) cũng được đưa vào khai thác (từ ngày 08/8/2024), nhận được sự đánh giá rất cao, đón nhận của hành khách, người dân Thủ đô. Minh chứng là chỉ trong tuần đầu tiên, tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đã chạy tổng cộng 1.370 chuyến, vận chuyển an toàn 393.168 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển 100.515 hành khách.

Hiện nay, Thành phố đang tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị: Tuyến số 2.1 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Tuyến số 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), Tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), Tuyến số 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai)…

Với những kết quả ban đầu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội có 10 tuyến với hơn 410 km.

Vừa qua, Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 có bổ sung phát triển thêm 5 tuyến, nâng tổng số đường sắt đô thị Hà Nội lên 15 tuyến với tổng số chiều dài 616,9 km.

Cần cơ chế đặc thù và nguồn vốn trên 55 tỷ USD

Để đạt được mục tiêu đề ra, TP đã, đang và sẽ chủ động xây dựng, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô cùng với TP.HCM theo chỉ đạo của Chính phủ triển khai theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023.

Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2035, hoàn thành đầu tư xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài trên 410,8 km.

Như vậy, giai đoạn 2024-2030, xây dựng 96,8km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,6 tỷ USD; giai đoạn 2031-2035 xây dựng 301 km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,5 tỷ USD. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 cần khoảng 37,2 tỷ USD.

Để hoàn thành mục tiêu, Hà Nội cần nguồn vốn hơn 55 tỷ USD và các cơ chế đặc thù.

Để hoàn thành mục tiêu, Hà Nội cần nguồn vốn hơn 55 tỷ USD và các cơ chế đặc thù.

Đến năm 2045, đầu tư xây dựng hoàn thành 5 tuyến còn lại với tổng chiều dài 201 km, nâng tổng thể hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô lên 15 tuyến, tổng chiều dài khoảng 616,9 km. Nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng khoảng 18,252 tỷ USD.

Như vậy, theo đề án đến năm 2045, Hà Nội sẽ hoàn thành hơn 661 km đường sắt đô thị, với tổng số vốn hơn 55 tỷ USD.

Để thu xếp được nguồn vốn “khổng lồ” này, Hà Nội dự kiến thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công. Bao gồm, vốn ngân sách, vốn vay trái phiếu, vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành.

Cụ thể, giai đoạn 2024-2030, với mục tiêu xây dựng 96,8 km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 14,6 tỷ USD; giai đoạn 2031-2035 xây dựng 301 km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,5 tỷ USD. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 cần khoảng 37,2 tỷ USD.

Qua rà soát các nguồn vốn đầu tư công, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động khác của TP đến năm 2035 là khoảng 28,56 tỷ USD. Như vậy, đến năm 2035 TP cần Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 8,6 tỷ USD.

Cùng với việc bố trí vốn, UBND TP Hà Nội cũng đề xuất 23 nhóm cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện đề án. Trong đó, có nhóm chính sách về quy hoạch; nhóm chính sách về thu hồi đất, đền bù tái định cư; nhóm chính sách về huy động nguồn vốn, hoặc quản lý, khai thác...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, TP. Hà Nội quyết tâm và đưa ra các giải pháp đột phá để phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Trong đó, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, cụ thể hóa các cơ chế chính sách đã được định hướng trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trong khuyến khích đầu tư nhằm thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giảm áp lực ngân sách, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt .

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án tổng thể tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô báo cáo cấp có thẩm quyền trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù làm cơ sở triển khai thực hiện.

Tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.

Nam Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/du-kien-phu-song-616-km-duong-sat-do-thi-ha-noi-se-lay-nguon-von-o-dau-de-trien-khai-1101782.html
Zalo