Dự kiến làm đường ven sông Sài Gòn trước 2030
UBND TP.HCM dự kiến đầu tư đường ven sông Sài Gòn trước năm 2030 để tăng cường kết nối giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.

TP.HCM chú trọng phát triển hành lang bờ sông Sài Gòn. Ảnh: Quỳnh Danh.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, hiện đường ven sông Sài Gòn đã được thể hiện trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Quy hoạch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Bên cạnh đó, đường ven sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (ĐT789) đang được đầu tư, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2025.
UBND TP.HCM dự kiến đầu tư đường ven sông Sài Gòn trước năm 2030.
Thời gian tới, UBND TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch và quy chế phối hợp triển khai đầu tư đường ven sông Sài Gòn trong giai đoạn 2025-2030 để tăng cường kết nối giao thông, giảm ùn tắc giao thông, đồng thời phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch sinh thái giữa các địa phương.
Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt đầu từ Bình Phước, sau đó qua Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM. Theo UBND TP.HCM, đường ven sông Sài Gòn kết nối với các tuyến Vành đai 2, 3, 4 và các tuyến cao tốc khác của phía Nam sẽ góp phần tăng cường liên kết giữa các địa phương, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên vùng phía Nam.
TP.HCM ưu tiên đầu tư đường ven sông kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ, qua đó mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông, phát triển kinh tế ven sông.
Đồng thời, các địa phương khai thác những quỹ đất dọc sông Sài Gòn, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách phục vụ tái đầu tư, phát triển.
Mới đây, tỉnh Bình Dương cũng đã thống nhất triển khai đề án xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn đi qua các TP Thuận An, Thủ Dầu Một, Bến Cát và huyện Dầu Tiếng.
Theo đề án, tổng chiều dài toàn tuyến đường ven sông Sài Gòn khoảng 98,2 km, kết nối với đường song hành Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, ĐT.744 và một số dự án đang triển khai trong hành lang đường ven sông như Cụm cảng An Sơn, cảng An Tây, cảng Phú Cường Thịnh.
Hồi tháng 10/2024, trong văn bản gửi UBND TP.HCM để đóng góp ý kiến liên quan Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, CTCP Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) đề xuất TP.HCM làm tuyến đường giao thông ven sông Sài Gòn 8-10 làn xe thay vì 3-4 làn theo đồ án hiện tại, đồng thời kết nối TP.HCM với Bình Dương và Tây Ninh bám theo sông Sài Gòn, tạo liên kết sâu rộng với các tỉnh Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề xuất triển khai tuyến đường sắt nhẹ (LRT) chạy dọc theo tuyến đường ven sông Sài Gòn, kết nối thẳng tới Tây Ninh với chiều dài gần 100 km, tạo hành lang phát triển du lịch xuyên suốt, thúc đẩy kinh tế, xã hội của toàn vùng Đông Nam Bộ phát triển xứng với tiềm năng.
Sun Group cam kết chịu toàn bộ chi phí nghiên cứu, khảo sát các dự án này. Tập đoàn cũng đóng góp thêm ý kiến về quy hoạch các khu đô thị dọc sông Sài Gòn ở huyện Củ Chi, Hóc Môn theo từng phân khu.
Thời điểm đó, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết đã làm việc với Sun Group và hướng dẫn tập đoàn thực hiện đề xuất đầu tư theo quy định.