Dự kiến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật

Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào thứ Hai, ngày 21/10/2024 và thời gian Đợt 1 là 15 ngày (từ ngày 21/10 đến ngày 8/11/2024); Đợt 2 là 9 ngày, từ ngày 18/11 đến ngày 28/11/2024; Quốc hội làm việc khoảng 24 ngày, bế mạc ngày 28/11/2024 (bố trí dự phòng ngày 29/11/2024).

Chiều 11/7, tại Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề cập về bước đầu chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến về 12 dự án luật khác (Trong trường hợp dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được chuẩn bị tốt, đủ điều kiện thông qua theo quy trình tại một kỳ họp thì tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật và cho ý kiến về 11 dự án luật khác).

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề và các vấn đề quan trọng khác.

 Toàn cảnh Phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, trong trường hợp có dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật khác được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh nội dung Kỳ họp phù hợp. Về một số nội dung khác trong nghị quyết của Quốc hội có yêu cầu phải báo cáo Quốc hội, qua rà soát, Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo và đề xuất hướng xử lý như sau:

Một là, theo quy định tại Nghị quyết số 102/2020/QH14 Phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này (Nghị quyết không quy định thời điểm báo cáo cụ thể trong năm). Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, trên thực tế, kết quả thực hiện Hiệp định nêu trên đã được Chính phủ báo cáo trong Báo cáo về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024, gửi các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Do đó, đề nghị không yêu cầu Chính phủ có báo cáo riêng về nội dung này tại Kỳ họp thứ 8 mà cho phép tổng hợp kết quả thực hiện Hiệp định EVFTA trong Báo cáo tình hình thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế hằng năm của Chính phủ và sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp giữa năm.

 Tổng thư ký Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tổng thư ký Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Hai là, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghi quyết số 103/2020/QH14 Phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA), định kỳ hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Hiệp định. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số quốc gia chưa phê chuẩn Hiệp định. Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chưa đưa nội dung này vào dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 8.

Ba là, theo quy định của Nghị quyết số 36/2021/QH15, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết này tại kỳ họp cuối năm 2024. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đã có Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 36/2021/QH15 trong quá trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị không yêu cầu Chính phủ báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 tại Kỳ họp thứ 8.

 Các Bộ, ngành và khách mời tham dự Phiên họp.

Các Bộ, ngành và khách mời tham dự Phiên họp.

Bốn là, theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện Dự án tại kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên, do Nghị quyết này vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, nên Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chưa báo cáo tình hình thực hiện Dự án tại Kỳ họp thứ 8 mà sẽ bắt đầu báo cáo từ kỳ họp cuối năm 2025.

Năm là, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 104/2023/QH15, Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 8 về việc thực hiện bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất; không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã quy định một số chính sách về thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024 và yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị thực hiện báo cáo theo yêu cầu tại Nghị quyết số 142/2024/QH15.

Sáu là, tại các kỳ họp trước, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có báo cáo Quốc hội về kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, trên thực tế, kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã được Chính phủ lồng ghép báo cáo tại các báo cáo về kinh tế - xã hội; việc thực hiện một số nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn; hoạt động đầu tư, quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vì vậy, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất không đưa nội dung này thành một nội dung báo cáo riêng tại kỳ họp của Quốc hội mà sẽ lồng ghép trong các báo cáo nêu trên.

 Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp.

Về dự kiến thời gian họp, do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 8 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 8 theo 2 đợt họp (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.

Dự kiến, Quốc hội khai mạc vào thứ Hai, ngày 21/10/2024 và thời gian Đợt 1 là 15 ngày (từ ngày 21/10 đến ngày 8/11/2024); Đợt 2 là 9 ngày, từ ngày 18/11 đến ngày 28/11/2024; Quốc hội làm việc khoảng 24 ngày, bế mạc ngày 28/11/2024 (bố trí dự phòng ngày 29/11/2024).

Trường hợp có các dự án luật, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thì thời gian tiến hành Kỳ họp sẽ tăng thêm từ 1 đến 2 ngày, dự kiến bế mạc muộn nhất vào ngày 30/11/2024.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-kien-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-se-xem-xet-thong-qua-11-du-an-luat-post303116.html
Zalo