Dự kiến chi 20.000 tỷ đồng xóa 'điểm đen' giao thông tại Đồng Nai

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với đơn vị tư vấn để nghe báo cáo các phương án đầu tư xây dựng các nút giao tại ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 (thuộc địa bàn TP Biên Hòa). Dự toán xây dựng hai nút giao thông này cần khoảng 20.000 tỷ đồng.

Phối cảnh nút giao Vũng Tàu. Nguồn: TEDI.

Phối cảnh nút giao Vũng Tàu. Nguồn: TEDI.

Tại buổi làm việc, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) đã trình bày các phương án đầu tư xây dựng nút giao ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11.

Với nút giao ngã tư Vũng Tàu, đơn vị tư vấn đưa ra 2 phương án đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư đối với phương án 1 là gần 2.900 tỷ đồng và phương án 2 là gần 9.000 tỷ đồng.

Phương án 1, xây dựng nút giao dạng bóng đèn với các hạng mục cầu vượt trực thông trên tầng 3 theo hướng quốc lộ 51 đi cầu Hóa An và các nhánh rẽ trái gián tiếp từ cầu An Hảo đi Tam Hiệp, từ cầu Đồng Nai về cầu An Hảo và từ Tam Hiệp về Vũng Tàu. Đồng thời, xây dựng cầu vượt cho xe máy chạy dọc theo quốc lộ 1 hiện hữu.

Phương án 2, xây dựng nút giao dạng hoa thị hoàn chỉnh, mở rộng cầu vượt hiện hữu để đáp ứng lượng xe đi thẳng trên quốc lộ 1 và các dòng rẽ theo nhánh hoa thị. Xây dựng 14 công trình bán hầm, tổ chức giao thông dạng ô bàn cờ giúp cho xe máy và xe đạp lưu thông tách riêng với ô tô.

Đối với nút giao Cổng 11, đơn vị tư vấn cũng đưa ra 2 phương án đầu tư xây dựng gồm:

Phương án 1, sẽ xây dựng nút giao hoa thị hoàn chỉnh tại nút giao ngã tư giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường Bùi Văn Hòa. Toàn bộ xe ô tô sẽ lưu thông trên tầng 2, tầng 3 và kết nối 2 tầng bằng các nhánh hoa thị còn thấp dưới đất ưu tiên cho xe máy.

Phối cảnh nút giao Cổng 11. Nguồn: TEDI.

Phối cảnh nút giao Cổng 11. Nguồn: TEDI.

Phương án 2, sẽ xây dựng nút giao liên thông hoàn chỉnh với các hạng mục cầu vượt trực thông dọc theo đường Võ Nguyên Giáp. Trong đó, trên tầng 2 và cầu vượt trực thông theo đường Bùi Văn Hòa và thông Quốc lộ 51 trên tầng 3 kèm theo các nhánh rẽ, riêng phần dưới đất cũng ưu tiên xe máy.

Tổng mức đầu tư đối với phương án 1 là hơn 8.400 tỷ đồng và phương án 2 hơn 11.000 tỷ đồng.

Sau khi nghe báo cáo từ đơn vị tư vấn, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, các nút giao ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 là các cửa ngõ quan trọng của tỉnh và TP Biên Hòa.

Toàn cảnh cuộc họp. Nguồn: UBND tỉnh Đồng Nai.

Toàn cảnh cuộc họp. Nguồn: UBND tỉnh Đồng Nai.

"Vì vậy, đơn vị tư vấn nghiên cứu đề xuất thêm các phương án, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 5 để tìm ra phương án tốt nhất. Từ đó, UBND tỉnh sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy trước khi thống nhất lựa chọn phương án chính thức để làm việc với Bộ Giao thông vận tải," ông Võ Tấn Đức chỉ đạo.

Ngày 10/4 vừa qua, trong chương trình làm việc tại tỉnh Đồng Nai, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiểm tra thực tế các giao lộ trọng điểm trên tuyến quốc lộ 51 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai gồm ngã tư Vũng Tàu, cụm nút giao Cổng 11 (tại TP Biên Hòa) và nút giao giữa quốc lộ 51 với đường dẫn lên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (huyện Long Thành).

Theo các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, đây là những giao lộ có tình hình giao thông phức tạp, là cửa ngõ kết nối quốc lộ 1, quốc lộ 51 với những khu vực đông dân cư, các khu công nghiệp và đường cao tốc.

Do lưu lượng giao thông lớn dẫn tới tình trạng các nút giao này thường xuyên ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Trong năm 2022 và 2023, các giao lộ này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Trước đó, cuối năm 2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư, cải tạo cụm nút giao Cổng 11 và ngã tư Vũng Tàu thành các nút giao khác mức, hoàn chỉnh (cầu vượt hoặc hầm chui).

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/du-kien-chi-20000-ty-dong-xoa-diem-den-giao-thong-tai-dong-nai-post34483.html
Zalo