Dự kiến bỏ các tổng cục sau hợp nhất Bộ Tài chính và Kế hoạch Đầu tư
Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư sau hợp nhất dự kiến giảm hơn 31% số đầu mối và không duy trì mô hình tổng cục.
Tại hội nghị tổng kết ngành tài chính ngày 31/12, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết trong khuôn khổ kế hoạch tái cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính sẽ được hợp nhất.
Đơn vị mới dự kiến mang tên Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, đảm nhận vai trò quản lý Nhà nước về các lĩnh vực như kế hoạch, đầu tư công, ngân sách và tài sản công.
Theo Bộ trưởng, việc hợp nhất sẽ giảm trên 2.650 đầu mối (tương đương 31,4%) và dự kiến không duy trình mô hình tổng cục.
Hiện hai bộ có 56 đầu mối (mỗi bộ 28 đơn vị) bao gồm 6 tổng cục, 14 cục, 27 vụ, văn phòng, thanh tra và 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Các tổng cục lớn như Thuế, Hải quan, Thống kê, Dự trữ, Kho bạc Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán sẽ được tái cấu trúc trong quá trình này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng bộ máy mới đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ sẽ được đào tạo với tiêu chí "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm".
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu sắp xếp tổ chức phải thực hiện sớm, quyết liệt, không bàn lùi, với tinh thần "tư tưởng thông, thống nhất nội bộ" để chọn ra nhân sự có tâm huyết, trách nhiệm cao.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng cho biết năm 2024 ngành tài chính đã đạt được kết quả vượt mong đợi, với thu ngân sách lần đầu vượt 2 triệu tỷ đồng, cao hơn dự toán 324.400 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ.
Hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM dẫn đầu với tổng thu hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 26% thu ngân sách cả nước.
Chi ngân sách năm 2024 đạt 1,83 triệu tỷ đồng, bằng 86% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 78%. Nợ công duy trì ở mức an toàn, khoảng 36-37% GDP, thấp hơn nhiều so với ngưỡng cho phép.
Năm 2025, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ thu ngân sách vượt 10% so với năm 2024, tiết kiệm 10% chi thường xuyên và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.