Du khách 'sống ảo' bị UNESCO nhắc nhở

UNESCO lo ngại xu hướng 'du lịch tự sướng' khiến du khách chỉ mải mê 'sống ảo' mà quên đi cốt lõi của việc du lịch, đó là tìm hiểu văn hóa, di sản địa phương.

 Khách du lịch check in tại Manarola (Italy) tháng 6/2024. Ảnh: @feng_yaomeng.

Khách du lịch check in tại Manarola (Italy) tháng 6/2024. Ảnh: @feng_yaomeng.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) định nghĩa "du lịch tự sướng" là xu hướng du khách đến các địa điểm du lịch để chụp và chia sẻ ảnh của chính mình. Đó thường là các địa danh nổi tiếng hoặc có phong cảnh tuyệt đẹp.

Khác với những bức ảnh du lịch truyền thống, ví dụ như một gia đình chụp trước tháp Eiffel, "du lịch tự sướng" khiến du khách lựa chọn điểm đến chỉ vì nơi đó "trông đẹp" và bắt mắt trên mạng xã hội, theo The Mirror.

"Trước đây mọi người vẫn thường chụp ảnh khi đi du lịch. Tuy nhiên, trọng tâm đã chuyển từ việc lưu giữ kỷ niệm sang tạo ra khoảnh khắc có lượng tương tác cao, thu hút lượt thích, người theo dõi và sự nổi tiếng trên mạng xã hội", một phát ngôn viên của UNESCO chia sẻ với báo chí.

Sự gia tăng của xu hướng này khiến một số thành phố và khu vực trở nên quá tải, gây tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân địa phương. Mức độ ảnh hưởng sẽ còn tùy thuộc vào từng điểm đến.

"Trong nhiều trường hợp, điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại các địa danh cụ thể, tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng địa phương và làm giảm chất lượng trải nghiệm của du khách. Rõ ràng, một số điểm đến trước đây ít người biết đến đã bất ngờ trở thành tâm điểm trên toàn cầu nhờ mạng xã hội. Từ đó dẫn đến lượng khách du lịch tăng vọt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cộng đồng địa phương", phát ngôn viên UNESCO cho biết.

 Du lịch tự sướng chỉ chú trọng vào việc viral trên mạng xã hội mà không dành thời gian tìm hiểu giá trị lịch sử. Ảnh: @explorefordays.

Du lịch tự sướng chỉ chú trọng vào việc viral trên mạng xã hội mà không dành thời gian tìm hiểu giá trị lịch sử. Ảnh: @explorefordays.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải không phải là vấn đề duy nhất. Việc tập trung để chụp một bức ảnh hoàn hảo đôi khi dẫn đến hành vi thiếu tôn trọng hoặc gây hại, như xâm phạm trái phép, phá hoại, hoặc thậm chí là tai nạn.

Những điểm đến trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội cũng gặp khó khăn trong việc quản lý lượng khách du lịch đổ về và triển khai các biện pháp an toàn bảo vệ. Tình trạng này dẫn đến "hao mòn các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và cơ sở hạ tầng".

Một mối lo ngại lớn khác của UNESCO là việc "mất đi giá trị cốt lõi, điều tối quan trọng đối với sự tồn tại của một địa danh văn hóa hoặc thiên nhiên", khi du khách chỉ tập trung chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội thay vì tìm hiểu và trải nghiệm những ý nghĩa, lịch sử của nơi đó.

UNESCO đang hy vọng triển khai các chiến lược nhằm thúc đẩy du lịch bền vững và ngăn chặn tình trạng du lịch quá mức. Một số biện pháp được cân nhắc là giới hạn số lượng du khách, áp dụng vé vào cửa theo khung giờ hoặc thậm chí hạn chế hoàn toàn việc tiếp cận một số khu vực nhất định.

Ngoài ra, những người có sức ảnh hưởng (influencers) sẽ góp phần giáo dục cho cộng đồng về hành vi đúng đắn khi đến các địa điểm lịch sử.

"UNESCO kêu gọi du khách đến những địa điểm này với sự tôn trọng và tò mò, khuyến khích dành thời gian để trải nghiệm nền văn hóa, di sản độc đáo của điểm đến. Và nhớ rằng hành động của du khách có ảnh hưởng đến việc bảo tồn cũng như sự thịnh vượng của cộng đồng xung quanh", phát ngôn viên UNESCO chia sẻ thêm.

Minh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/du-khach-song-ao-bi-unesco-nhac-nho-post1495903.html
Zalo