Du khách phiền lòng, du lịch thất thu
Việc người bán hàng rong, đánh giày quấy nhiễu, 'chặt chém' du khách không chỉ làm ảnh hưởng hình ảnh của điểm đến mà còn làm giảm sức hấp dẫn của du lịch
Nhận được phản ánh của nhiều du khách, phóng viên Báo Người Lao Động đã dành nhiều ngày quan sát và ghi nhận thực trạng người bán hàng rong, đánh giày chèo kéo, làm phiền khách du lịch ở khu vực trung tâm TP HCM. Tình trạng này dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn khá phức tạp.
Khó chịu, ngao ngán
Trước cổng chợ Bến Thành phía đường Phan Bội Châu, quận 1, TP HCM, ông Patrick - du khách đến từ Mỹ - đang trò chuyện cùng người thân thì liên tục bị một người bán hàng rong kéo níu mua kính mát. Dù ông nhiều lần từ chối bằng cách ra hiệu nhưng người bán vẫn bám theo, lần lượt giới thiệu hết chiếc kính này đến chiếc khác.
Chúng tôi nhận thấy gương mặt ông Patrick lộ rõ vẻ khó xử rồi chuyển sang khó chịu. Vài phút sau, khi biết khách không thay đổi ý định, người bán hàng rong mới chịu bỏ đi.
Chia sẻ với phóng viên ngay sau đó, ông Patrick cho biết đây là lần đầu tiên ông đến TP HCM du lịch. "Việc bị mời mua hàng trong tình huống như vậy khiến tôi rất khó xử, cảm thấy phiền lòng" - ông thẳng thắn.
Tại khu vực góc đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trước Trung tâm Thương mại Takashimaya, quận 1, chúng tôi chứng kiến một nhóm khoảng 4 người đánh giày thường xuyên xuất hiện, liên tục gạ gẫm du khách, nhất là người nước ngoài. Theo tìm hiểu, tiền công đánh mỗi đôi giày chỉ 25.000 - 30.000 đồng nhưng khi "bắt" được du khách quốc tế, họ không ngần ngại hét giá "trên trời".
Một du khách nước ngoài vừa kéo vali ngang qua khu vực này, lập tức bị một người trong nhóm đánh giày nêu trên tiếp cận. Anh ta cố gắng kéo tay du khách vào lề đường để mời đánh giày, bất chấp người này liên tục từ chối bằng tiếng Anh: "Tôi không có tiền... Tôi không mang theo tiền". Tuy vậy, người đánh giày vẫn nài nỉ: "Không sao, trả tiền sau cũng được". Sau khoảng vài phút níu kéo mà không đạt được mục đích, người đánh giày mới chịu buông tay du khách.
Tại khu vực này, du khách đi bộ từ Trung tâm Thương mại Takashimaya hướng về chợ Bến Thành thường xuyên phải đối mặt với nhiều thanh niên cầm giỏ đồ nghề đánh giày. Họ ngồi dọc vỉa hè, tìm cách mời chào du khách đánh bóng giày, dán gót, nâng đế... Nhiều du khách tỏ vẻ bất lực, loay hoay tìm cách thoát khỏi những người này nhưng xung quanh không có bóng dáng lực lượng chức năng nào có mặt để xử lý.
Theo ông John - một du khách Mỹ đi cùng gia đình, TP HCM là điểm đến đầu tiên trong hành trình xuyên Việt của họ. Ông cho biết rất khó chịu và lo lắng cho sự an toàn của gia đình sau khi bị một người... tự ý đánh giày rồi đòi 5 USD, dù trước đó ông đã cự tuyệt, không đồng ý. "Để tránh làm gián đoạn chuyến đi, tôi đã trả 2 USD, người đó mới chịu rời đi" - du khách này ngao ngán.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực trung tâm TP HCM như Bưu điện Thành phố, nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chợ Bến Thành... Những địa điểm này vốn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước nhưng thường xuyên xuất hiện lực lượng đánh giày, bán hàng rong hoặc xin ăn. Theo ước tính của chúng tôi, khoảng hơn 20 người thường tập trung quanh các địa điểm này, chủ yếu tiếp cận, chèo kéo du khách quốc tế.
Giá nào cũng "dính"
Trong vai khách du lịch, chúng tôi đến một quán cà phê đông đúc trên đường Phan Chu Trinh, gần chợ Bến Thành. Chỉ trong vòng 10-15 phút, chúng tôi đã chứng kiến hơn chục lượt người bán hàng rong tiếp cận du khách nước ngoài mời mua đồ lưu niệm, quạt tay, thuốc lá... hoặc đề nghị đánh giày.
Tiền công đánh giày với du khách người Việt cao lắm cũng chỉ khoảng 50.000 đồng nhưng với khách nước ngoài thì... "vô giá". Thông thường, du khách nước ngoài phải trả 3-5 USD/đôi nhưng ai dễ dãi, dễ bị "bắt nạt" thì liền bị những người đánh giày "chặt chém" gấp nhiều lần. Chưa kể, khi khách đồng ý đánh giày, những người này lại "vẽ" thêm các khâu như dán gót, lót đế... với mức phí có thể lên đến hàng triệu đồng.
Trong khi đó, người bán hàng rong thường quan sát phản ứng của du khách để đeo bám, ra giá các mặt hàng. Nếu thấy khách thích thú, họ ngay lập tức báo giá rất cao. Chẳng hạn, một gói thuốc lá hoặc chiếc quạt cầm tay mini được hét giá đến 100.000 đồng, khách có thể trả còn 50.000 - 60.000 đồng và giá nào cũng "dính".
Nhân viên một cửa hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 cho biết: "Tôi thường xuyên chứng kiến người đánh giày chèo kéo, "làm giá" với du khách nước ngoài, thậm chí cãi vã vì số tiền phải trả quá cao. Dù cơ quan chức năng vẫn truy quét và xử phạt nhưng sau một thời gian ngắn, những người này tiếp tục quay lại hoạt động như cũ".
Tại khu vực trung tâm TP HCM, chúng tôi cũng thường xuyên bắt gặp những người đàn ông gánh dừa bán dạo. Họ thường hoạt động dọc các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần... (quận 1, quận 3). Không chỉ chèo kéo, nhiều người còn táo tợn đặt gánh dừa lên vai du khách, chặt dừa mời uống rồi nằng nặc đòi giá cao, bất chấp khách có đồng ý hay không.
Nhiều du khách phản ánh họ phải trả tới 150.000 đồng cho 2 trái dừa. Những người đàn ông này còn trắng trợn lục ví lấy tiền, khiến nhiều du khách vừa ngỡ ngàng vừa bức xúc.
Tại khu vực Bưu điện TP HCM, phóng viên ghi nhận cảnh tượng người bán hàng rong thường xuyên chen vào các đoàn du khách quốc tế để mời chào. Dù khách xua tay từ chối, họ vẫn lẽo đẽo đi theo suốt hành trình tham quan. Nhiều du khách có lẽ lần đầu chứng kiến việc này nên tỏ ra ái ngại, lúng túng...
Không dám chi tiêu, hết muốn quay lại
Lãnh đạo một số công ty du lịch cho biết thường xuyên nhận được phản ánh từ du khách quốc tế về tình trạng bị chèo kéo, mời chào mua hàng tại các điểm tham quan. Điều này khiến du khách cảm thấy không thoải mái, khó thể tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm du lịch.
Chị Lê Hòa, một nhân viên du lịch ở quận 1, nhận xét: "Hành vi giằng co, kéo níu, lấy giá quá cao... không chỉ làm ảnh hưởng hình ảnh của TP HCM mà còn làm giảm sức hấp dẫn của du lịch. Nhiều du khách nước ngoài trở nên e dè khi chi tiêu vì lo sợ bị lừa gạt".
Chị Hòa cho biết chị có nhiều bạn bè nước ngoài đến TP HCM du lịch và ai cũng bức xúc về tình trạng này. "Nếu không sớm có biện pháp chế tài, chấn chỉnh, du khách sẽ không còn dám chi tiêu, thậm chí hết muốn quay lại" - chị băn khoăn.
Theo Thanh tra Sở Du lịch TP HCM, phần lớn người bán hàng rong, đánh giày, bán dừa dạo tại khu vực trung tâm thành phố là người nhập cư, tạm trú tại ngoại thành. Bên cạnh những người buôn bán chân chính để mưu sinh vẫn tồn tại một bộ phận lợi dụng hoạt động bán hàng rong, đánh giày để làm phiền, thậm chí chiếm đoạt tài sản của du khách, nhất là khách quốc tế.
Những đối tượng này thường hoạt động có tổ chức, chia thành các nhóm nhỏ. Họ lựa chọn các khung giờ mà cơ quan chức năng ít tuần tra như sáng sớm hoặc tối muộn, tập trung tại những khu vực đông du khách...
(Còn tiếp)
Những vụ việc đáng xấu hổ
Giữa tháng 9-2024, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh YouTuber nổi tiếng IShowSpeed tham quan trung tâm TP HCM. Tại đây, anh bị hét giá thuê ván trượt cân bằng lên tới 1 triệu đồng trong lúc đang livestream với hàng triệu người theo dõi.
Thông tin này lan truyền chóng mặt trên thế giới, trở thành tâm điểm tranh luận của nhiều người trên mạng xã hội. Nhiều người, trong đó có cả người Việt, bày tỏ sự xấu hổ vì hành vi "chặt chém" này.
Trước đó, tháng 10-2023, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh nữ du khách Đài Loan tố chiêu thức "chặt chém" của người bán dừa dạo, khiến cư dân mạng rất bất bình. Nữ TikToker cho hay chị đang ở Bảo tàng TP HCM thì một người bán dừa báo giá 150.000 đồng/trái. Sau khi chị thắc mắc, người bán nhanh chóng hạ giá còn 50.000 đồng!
Chúng tôi cũng thử tiếp cận một người đánh giày tên C. - ngụ tại quận 12, TP HCM - có dáng vẻ lam lũ. C. cho hay anh đã đánh giày lâu năm quanh khu vực quận 1 và quận 3. Theo anh, những người đánh giày hét giá quá cao tại các địa điểm tập trung đông du khách như Saigon Square, chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ... đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng công việc của những người mưu sinh chân chính.
"Nhiều du khách có lẽ đã "nghe tiếng" hoặc từng nếm trải việc bị chèo kéo, "chặt chém" nên khi gặp chúng tôi, họ tỏ vẻ e ngại, thậm chí né tránh" - anh C. nêu thực trạng. Anh tiết lộ chiêu trò của những người đánh giày bất lương: Thường mời chào tiền công tương đối rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng/đôi, sau đó viện đủ lý do - như giày hở mũi, cần lót đế... - để tính phí đến 1-2 triệu đồng.
"Một ngày, họ chỉ cần chèo kéo được 1-2 khách như vậy là có thể sống khỏe, trong khi chúng tôi làm cật lực mà thu nhập chẳng bao nhiêu. Chiêu trò của họ khiến cả nghề đánh giày bị mang tiếng xấu, nhất là làm tổn hại hình ảnh du lịch của thành phố" - anh C. bất bình.