Du khách Hàn Quốc vẫn là 'mỏ vàng' cần ưu tiên của du lịch Việt

Sau khi để Trung Quốc vượt qua về số lượng khách đến trong tháng 5, tháng 6 vừa qua Hàn Quốc đã lấy lại vị trí dẫn đầu nguồn khách quốc tế của Việt Nam với 329.617 lượt khách (so với 286.165 khách Trung Quốc)...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tính chung nửa đầu năm, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với 2,2 triệu lượt (chiếm 25,8%), Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,8 triệu lượt (chiếm 21,4%). Riêng hai thị trường này đóng góp 47,2% tổng số khách quốc tế đến trong 6 tháng qua. Đồng thời, nếu xét về mức độ hồi phục so với trước đại dịch, thị trường Hàn Quốc cũng dẫn đầu, đạt 110%, trong khi thị trường Trung Quốc mới phục hồi ở mức 76%.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG “ĐUA” ĐÓN KHÁCH HÀN QUỐC

Tháng 12/2022, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (khi đó là Tổng cục Du lịch - VNAT) và Cơ quan Du lịch quốc gia Hàn Quốc (KTO) đã ký bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến du lịch Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2023 - 2024, tạo cơ sở để hai bên đẩy mạnh hợp tác du lịch, trao đổi khách.

Ngay sau đó, năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có 3,6 triệu lượt khách Hàn Quốc, đứng đầu trong các thị trường khách nước ngoài tới Việt Nam. Điều này cho thấy Hàn Quốc luôn là một thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam và còn nhiều tiềm năng, dư địa để khai thác.

Là thị trường quốc tế có lượng khách đến Việt Nam đông nhất, Hàn Quốc trở thành mảnh “đất vàng” đầy tiềm năng mà ngành du lịch nhiều địa phương mong muốn khai thác hiệu quả. Tại Quảng Bình, từ cuối năm 2023 đến nay, lượng khách Hàn Quốc đến tham quan, trải nghiệm bắt đầu đông dần. Là đơn vị chuyên khai thác thị trường khách Hàn Quốc, từ tháng 5/2023, Công ty TNHH Du lịch Quốc tế Spero (Hội An, Quảng Nam) bắt đầu nhận tour đưa khách về Quảng Bình. Đến nay, số khách Hàn Quốc mà Spero đưa về Quảng Bình là gần 600 khách.

Năm 2023, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách Hàn Quốc, đứng đầu trong các thị trường khách nước ngoài tới Việt Nam.

Năm 2023, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách Hàn Quốc, đứng đầu trong các thị trường khách nước ngoài tới Việt Nam.

Theo anh Lê Bá Nuyến, hướng dẫn viên chuyên dẫn khách Hàn Quốc, khách Hàn có nhu cầu du lịch rất cao, mức sống và sức chi tiêu tốt bởi người Hàn Quốc chuộng phong cách du lịch hưởng thụ. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên kênh truyền hình MBC và nền tảng trực tuyến Naver của Hàn Quốc liên tiếp phát sóng các video clip quảng bá du lịch Quảng Bình, nhất là hang Sơn Đoòng, chính điều này đã kích thích một lượng khách Hàn Quốc tham gia vào các tour khám phá Quảng Bình.

Park Woo Sung, một blogger người Hàn, thì cho biết Phú Quốc đã gây chú ý với khách Hàn cách đây 7 - 8 năm, khi nhiều người đến hòn đảo này du lịch và review trên Naver - trang tìm kiếm của Hàn Quốc. Khi tìm kiếm từ khóa "Phú Quốc" hoặc tên một resort trên đảo kết quả hàng đầu là hình ảnh du khách Hàn check in. Trên Naver, thông tin du lịch Phú Quốc cũng được cung cấp đầy đủ với các dữ liệu về thời tiết, tỷ giá, yêu cầu thị thực, hướng dẫn đặt phòng và gợi ý các điểm vui chơi ăn uống.

Woo Sung nhận định người Hàn yêu thích Phú Quốc vì chi phí rẻ hơn so với du lịch Hàn, nhiều loại hải sản tươi ngon, biển xanh cát trắng và nhiều khu nghỉ dưỡng tiện nghi với đủ dịch vụ thư giãn như massage, tắm bùn. Các hoạt động như tour khám phá đảo, lặn biển, câu mực cũng được nhiều người Hàn đánh giá nên trải nghiệm. Ông Jun Gyu Eom, Giám đốc kinh doanh và truyền thông khu nghỉ dưỡng Pullman Phú Quốc cho hay khách Hàn luôn nằm trong top 3 nhóm khách nước ngoài lưu trú nhiều nhất ở resort kể từ khi có chuyến bay thẳng Seoul - Phú Quốc vào tháng 6/2022.

Tương tự, lâu nay Hàn Quốc cũng là thị trường truyền thống của Đà Nẵng. Là một trong những doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường khách Hàn Quốc, ông Trần Văn Lăng, Giám đốc Công ty Seven Star Hà Nội, cho rằng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng hiện nay rất nhiều, chiếm khoảng 45%, dẫn đầu các thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng.

Hàn Quốc trở thành mảnh “đất vàng” đầy tiềm năng mà ngành du lịch nhiều địa phương mong muốn khai thác hiệu quả.

Hàn Quốc trở thành mảnh “đất vàng” đầy tiềm năng mà ngành du lịch nhiều địa phương mong muốn khai thác hiệu quả.

Để thu hút khách từ thị trường Hàn Quốc, tháng 7 tới đây, ngành du lịch thành phố sẽ có chương trình giới thiệu các sản phẩm mới của Đà Nẵng, chương trình xúc tiến thu hút đoàn khách MICE đến Đà Nẵng… tại Seoul, Busan (Hàn Quốc); đón các đoàn famtrip lữ hành Hàn Quốc đến khảo sát sản phẩm dịch vụ...

THÚC ĐẨY TRAO ĐỔI KHÁCH HAI CHIỀU

Hiện tại, Lễ hội xúc tiến du lịch - văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2024 đang diễn ra từ ngày 29/6 đến ngày 3/7 tại Hàn Quốc. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, gặp gỡ doanh nghiệp với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nước ta; không gian quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa du lịch; tiệc giao thương; biểu diễn nghệ thuật...

Đây là dịp để Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp du lịch giới thiệu chính sách, điểm đến, sản phẩm hấp dẫn, là cơ hội cho doanh nghiệp thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh, thu hút khách du lịch Hàn Quốc đến nước ta. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là điểm đến hàng đầu của Hàn Quốc. Năm 2023, tổng trao đổi khách hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 4 triệu lượt, phục hồi 83% so với trước đại dịch Covid-19.

Nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch hai bên, thu hút du khách Hàn Quốc tới Việt Nam trong thời gian tới, ông Park Jong Kyung, Tham tán công sứ, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, đề xuất ngành du lịch Việt Nam cần cung cấp các biển báo có tiếng Hàn; lập đường dây nóng hỗ trợ du khách 24/7; ban hành chính sách hỗ trợ du khách Hàn Quốc và du khách quốc tế trong trường hợp mất hộ chiếu, cải thiện quy trình cấp lại hộ chiếu cho du khách…

Năm 2023, tổng trao đổi khách hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 4 triệu lượt, phục hồi 83% so với trước đại dịch Covid-19.

Năm 2023, tổng trao đổi khách hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 4 triệu lượt, phục hồi 83% so với trước đại dịch Covid-19.

Từ phía Việt Nam, các chuyên gia du lịch cho rằng, để khách du lịch Hàn Quốc quay trở lại Việt Nam nhiều lần, chỉ sản phẩm du lịch hấp dẫn là chưa đủ. Ngành du lịch cần đầu tư một cách có chiến lược, chăm chút khâu vận hành sản phẩm để có thể tạo ra sự nhất quán, hiệu ứng cộng hưởng làm đòn bẩy gia tăng sức hút cho điểm đến.

Ví dụ, vấn đề dịch vụ văn minh, lịch sự, thân thiện cần phải được “nâng cấp”. Hay phân khúc dịch vụ cần đa dạng, theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp nhiều đối tượng khác nhau. Đặc biệt, Việt Nam cần đầu tư cho những mô hình du lịch độc đáo, mới lạ gắn liền với văn hóa bản địa và thiên nhiên môi trường.

Ngoài ra, theo ông Park Jong Kyung, Hiệp định song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam về việc công nhận Giấy phép lái xe quốc tế (IDP) được hai bên ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã có hiệu lực. Đây là yếu tố tạo thuận lợi cho du khách hai bên đi du lịch lẫn nhau.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường nguồn khách hàng đầu của Hàn Quốc trong khu vực Đông Nam Á với khoảng 420.000 lượt khách. Ngày 27/6, Bộ Tư pháp Hàn Quốc công bố thí điểm tiếp hai năm chế độ mở rộng cấp thị thực (visa) du lịch theo đoàn cho công dân ba nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia. Đối tượng cấp visa theo đoàn là "khách đoàn du lịch khen thưởng của doanh nghiệp và du lịch tham quan thực tế trên 5 người" được đổi thành "khách đoàn du lịch thông thường trên 3 người".

Tường Bách

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/du-khach-han-quoc-van-la-mo-vang-can-uu-tien-cua-du-lich-viet.htm
Zalo