Du học sinh Việt Nam ra sao trước sóng thu hồi cả nghìn visa tại Mỹ?
Chỉ sau khoảng một tháng, gần 1.000 sinh viên quốc tế tại Mỹ bị thu hồi visa. Sự leo thang này đặt ra nhiều lo ngại về tương lai của các du học sinh đang theo học tại nước này.

Gần 1.000 sinh viên quốc tế tại Mỹ đã bị chính quyền Tổng thống Trump hủy thị thực. Ảnh: Siasat.
Tháng 9 tới, Đ.D. (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) sẽ đến Mỹ du học ngành Kinh tế và Môi trường. Hiện tại, D. đang trong giai đoạn làm visa (thị thực). Song, cách đây vài ngày, em và gia đình nắm được thông các du học sinh tại Mỹ bị thu hồi visa dù đang học năm 3, năm 4.
"Bản thân em và bố mẹ khá lo lắng. Bố mẹ dặn em cần phải cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ, bình luận các bài viết trên mạng để không ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị visa đi du học", D. chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Hàng trăm du học sinh Mỹ bất ngờ bị hủy visa
Làn sóng tước visa du học bắt đầu từ cuối tháng trước, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đã thu hồi hơn 300 visa sinh viên trong 3 tuần triển khai chương trình "Bắt và Thu hồi".
Chương trình này sử dụng AI để quét mạng xã hội, xác định và hủy thị thực của những người nước ngoài có dấu hiệu ủng hộ Hamas hoặc các tổ chức khủng bố.
Dữ liệu do Inside Higher Ed thu thập cho thấy tính ngày 12/4, hơn 170 trường cao đẳng và đại học xác nhận có hơn 950 trường hợp sinh viên bị chính quyền Trump thay đổi tình trạng nhập cư. Các cơ sở này cho biết sinh viên của họ đã mất thị thực sinh viên F-1 hoặc J-1.
Một số trường hợp này liên quan đến hoạt động và sự tham gia của họ trong các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo phản đối chiến tranh ở Gaza. Tuy nhiên, một trường hợp khác lại do “tội nhẹ” như vi phạm giao thông.
Inside Higher Ed cho biết phần lớn trường nói rằng họ không chắc tại sao du học sinh lại bị thu hồi thị thực hoặc vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về những thay đổi. Hầu hết vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin liên lạc nào từ cơ quan quản lý nhập cư.
Các trường cũng ghi nhận nhiều du học sinh bị tước bỏ tư cách cư trú hợp pháp một cách lặng lẽ. Sự việc chỉ được biết đến khi các bên tiến hành rà soát cơ sở dữ liệu của Bộ An ninh nội địa.
Cùng với việc thu hồi visa, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gia tăng áp lực với các đại học, thể hiện sự không khoan nhượng đối với các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine và phản đối chiến tranh ở Gaza diễn ra trong khuôn viên trường.
Nhiều trường, trong đó có các trường danh tiếng Harvard và Columbia, đã bị đe dọa cắt tiền tài trợ.
Tình hình bất ổn trên khiến không ít du học sinh hoặc học sinh Việt Nam vừa trúng tuyển đại học Mỹ, đang trong quá trình làm visa, hoang mang.
Đ.D. nhìn nhận việc Chính phủ Mỹ thu hồi visa đến từ nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, việc tham gia bình luận vào các bài viết liên quan đến chính trị trên mạng cũng có thể là nguyên nhân, dù chỉ vô tình.
Do vậy, từ giờ đến lúc sang Mỹ, nam sinh nói phải đề phòng và cẩn trọng hơn trong hành vi của mình.
Tương tự, đang trong quá trình làm visa để sang Mỹ du học vào tháng 8, T.L. (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) cũng bày tỏ sự lo lắng.
Tuy nhiên, L. bình tĩnh hơn sau khi tìm hiểu thông tin từ bạn bè, giáo viên. Em cho biết đã được giải thích chưa có trường hợp sinh viên học tốt, chấp hành pháp luật nghiêm túc mà bị tước visa.
“Trong cộng đồng nhỏ mà em tham gia, gồm có những anh/chị đang du học ở Mỹ, may mắn chưa ai gặp vấn đề gì liên quan đến thu hồi visa”, T.L. cho biết.

Thống kê các trường đại học Mỹ có du học sinh bị tước visa, tính tới ngày 12/4. Ảnh: Inside Higher Ed.
Du học sinh Việt nên cẩn trọng, song không nên quá hoang mang
Hiện tại, trong khoảng 1,1 triệu du học sinh quốc tế tại Mỹ, Việt Nam có hơn 20.000 sinh viên đang theo học ở các bậc học khác nhau, thuộc nhóm quốc gia có số lượng du học sinh lớn nhất ở quốc gia này.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Trần Phương Hoa, Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, cho biết nhiều phụ huynh, sinh viên Việt Nam lo lắng trước thông tin nhiều du học sinh tại Mỹ bị hủy visa.
Bên cạnh đó, một số đại học Mỹ gửi thông báo khuyên du học sinh đang theo học nếu chưa có việc khẩn cấp cần rời Mỹ thì nên hạn chế đi lại trong thời gian này để tránh những rủi ro thị thực.
Tuy nhiên, theo bà Hoa, du học sinh Việt Nam không cần quá lo lắng vì các trường hợp bị hủy visa thường là do không tuân thủ pháp luật Mỹ hay bị nghi ngờ mang lại rủi ro an ninh cho Mỹ.
Nếu sinh viên Việt Nam đang học tập tốt, nhân thân tốt và tuân thủ pháp luật, visa sẽ không bị ảnh hưởng. Việt Nam cũng không nằm trong nhóm quốc gia chịu các kiểm soát chặt hay giới hạn về visa của Mỹ.
“Các sinh viên Việt Nam đang học tập bình thường, không vi phạm pháp luật thì không cần quá hoang mang”, bà Hoa nói.
Trên các nhóm học sinh phụ huynh, rất nhiều sinh viên Việt Nam chia sẻ rằng mới về thăm nhà gần đây và đã được gia hạn visa bình thường.
Tuy nhiên, bà Hoa cũng khuyên du học sinh nên cẩn thận trong việc đi lại, đặc biệt khi đang chuyển diện visa.
Ví dụ, một số du học sinh quay lại Việt Nam để xin chuyển diện/gia hạn visa với thời gian ngắn chỉ một vài tuần. Trong quá trình này, chẳng may giấy tờ bị thất lạc hay vướng mắc về thủ tục hành chính có thể khiến việc quay lại Mỹ nhập học, làm việc bị chậm trễ, bỏ lỡ các cơ hội quan trọng.
Ngoài ra, trước khi rời trường, du học sinh cũng nên cẩn thận gặp gỡ đại diện hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường để nhờ kiểm tra các giấy tờ, trạng thái visa đã chính xác hay chưa.
Du học sinh cần tìm hiểu kỹ các quy định về thời gian làm việc cho phép, số tín chỉ cần thiết để duy trì visa, không dùng các chất cấm... Cùng với đó, các em cần tuân thủ pháp luật, trung thực khi kê khai hồ sơ, tránh trường hợp bị từ chối hay tước visa.
Cắt giảm tài trợ, bậc cử nhân ít ảnh hưởng trực tiếp hơn
Chia sẻ thêm về việc Chính phủ Mỹ cắt giảm ngân sách tài trợ nghiên cứu của các trường đại học, bà Hoa nhận định điều này chỉ ảnh hưởng tới một số trường/khoa/ngành, một số đối tượng hay một số dự án nhất định trong một trường, chứ không phải tất cả.
Để thận trọng và cắt giảm chi tiêu, trong ngắn hạn, một số trường đại học có thể tạm ngưng nhận thêm nghiên cứu sinh mới, hoặc nhận nhưng không cấp học bổng, hay tạm ngưng việc tuyển dụng nhân sự nói chung.
Tuy nhiên, các trường thường có lĩnh vực ưu tiên, không cắt đột ngột đồng loạt nhiều ngành mà có thể điều tiết lại ngân sách bằng các cách khác nhau sau một thời gian.
Bên cạnh đó, các trường đại học lớn và uy tín của Mỹ cũng thường có nhiều nguồn hoặc quỹ tài chính tích lũy từ nhiều năm, tiền tài trợ từ các cá nhân và tổ chức tư nhân, chứ không chỉ dựa vào các dự án tài trợ từ chính phủ.
Nếu chính phủ cắt giảm, các đại học này thường sẽ nỗ lực tìm tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, kêu gọi cựu sinh viên đóng góp để bù đắp lại một phần ngân quỹ.
Như vậy, việc cắt giảm có thể gây khó khăn nhất định cho một số trường đại học, nhưng mang tính tạm thời, không ảnh hưởng đến đến tất cả đối tượng và vẫn có thể được điều chỉnh khắc phục sau một thời gian.
Theo đó, nước Mỹ cũng đề cao nghiên cứu và sự tiên phong, đổi mới trong nhiều lĩnh vực, vốn rất cần thiết cho phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, có thể việc cắt giảm của chính phủ cũng chỉ là tạm thời chứ không thể kéo dài quá lâu, do nguy cơ “tụt hậu” so với các quốc gia khác về đổi mới, sáng tạo.
Sinh viên bậc cử nhân thường sẽ ít bị ảnh hưởng trực tiếp hơn nghiên cứu sinh. Vì vậy, du học sinh cũng không cần quá lo lắng mà cần tìm hiểu kỹ hơn các thông tin chính thống từ các trường/khoa/tổ chức mình đang quan tâm.