Đu đủ bổ dưỡng những đại kỵ với một số người

Đu đủ nhiều giá trị dinh dưỡng, là bài thuốc tốt cho nhuận tràng, tiêu thực, trị sỏi thận nhưng một số người cần hạn chế sử dụng.

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, phụ nữ có thai không nên ăn đu đủ, ăn nhiều có thể gây đau dạ dày và viêm loét miệng.

Đu đủ còn gọi là phiên qua, má hống (Thái), tên khoa học là Carica papaya, thuộc họ đu đủ. Cây thân gỗ mềm, dễ bị gãy, thường có một ngọn, nếu ngọn chính bị gãy có thể sẽ mọc ra 3-4 ngọn khác. Lá có cuống dài, phiến lá chia nhiều thùy khía sâu. Đu đủ là cây đa tính, cây đực có hoa đực và hoa lưỡng tính, quả kết từ hoa cái hình tròn. Khoảng rỗng trong quả to, thịt mỏng, nhiều hạt. Quả khi còn non màu xanh lục, khi chín màu vàng cam.

Quả đu đủ xanh gồm 91,5% là nước, protein 1%, lipid 0,4%, cellulose 1,5%, tro 2,5-3,5%. Khi chín, lượng nước, protein, lipid trong đu đủ đều giảm trong khi đường tăng đến gần 12%. Ngoài ra, đu đủ có nhiều vitamin như 710 mg vitamin A, 0,03 mg B1, 0,05 mg B2, 0,4 mg P, 73 mg C. Quả cũng dồi dào chất khoáng như calcium 24 mg, phosphor 22 mg, sắt 0,7 mg, natri 4 mg, kali 221 mg, calo 45 mg.

Hoa đu đủ cũng được dùng để làm thuốc, hạt ép lấy dầu thực phẩm, rễ, thân, lá, quá non có thể làm thức ăn gia súc.

Quả đu đủ chín. (Ảnh minh họa: Freepik)

Quả đu đủ chín. (Ảnh minh họa: Freepik)

Trong Đông y, đu đủ chín vị ngọt, tác dụng nhuận tràng, tiêu thực, thông đại tiện. Đu đủ xanh tác dụng làm mềm thịt dai, dễ tiêu. Lá đu đủ có thể tẩy sạch máu mủ, sát trùng vết thương, trị rửa vết thương bị lở loét, tẩy máu mủ dính ở vải sợi. Nhựa đu đủ tác dụng sát khuẩn. Hoa đu đủ chưng chữa ho, sốt. Rễ đu đủ trị rắn cắn.

Bài thuốc từ đu đủ

Trị sỏi: Trái đu đủ xanh (đủ cho một người ăn), cắt đầu đuôi, khoét bỏ hạt, giữ nguyên vỏ, bỏ chút muối vô trong, nấu cách thủy cho chín mềm, để nguội ăn hết cả vỏ. Liệu trình ăn trong 7 ngày. Có thể xào đu đủ ăn hàng ngày để trị sỏi các loại.

Chữa sốt rét: Người bị muỗi Anophene cắn gây bệnh sốt rét, cứ cách ngày hoặc mấy ngày nhất định, đúng giờ là lên cơn sốt. Bài thuốc gồm nhựa đu đủ xanh (7-9 giọt) pha với nước uống.

Nhựa hoa đu đủ còn có thể trị chai chân, bôi 2-3 lần một ngày. Rễ đu đủ thái nhỏ, cô đặc, thêm muối ăn, xoa, bôi, ngâm chân chữa hôi chân, liệu trình 15-20 ngày.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/du-du-bo-duong-nhung-dai-ky-voi-mot-so-nguoi-ar899163.html
Zalo