Dự cảm mùa hè 2025 nắng nóng khó lường

Mới vào hè nhưng nhiều quốc gia châu Á, châu Phi và Trung - Nam Mỹ đã ngột ngạt vì nắng nóng khi phải đương đầu với những đợt sóng nhiệt khắc nghiệt. Nếu như 2024 được coi là năm nóng nhất lịch sử thì mùa hè năm nay cho dù La Nina có xuất hiện thì vẫn được dự báo là khó lường do sự cực đoan của khí hậu và nước các sông hồ lớn tiếp tục cạn kiệt.

Nhánh Rio Negro thuộc sông Amazon cạn trơ đáy.

Nhánh Rio Negro thuộc sông Amazon cạn trơ đáy.

Nắng nóng gay gắt đi cùng sóng nhiệt

Ngay từ nửa cuối tháng 4, nhiệt độ cao nhất trong ngày ở Ấn Độ đã vượt ngưỡng 40 độ C. Theo CNBC, mức nhiệt tại thủ đô Delhi (nơi sinh sống của hơn 16 triệu dân) đã quá 40 độ C ít nhất 3 lần chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 4, cao hơn 5 độ C so với nền nhiệt trung bình cùng thời điểm nhiều năm trước. Vào ngày giữa tháng 4, bang Rajasthan phía tây nước này nhiệt độ lên tới 44 độ C. Cơ quan Khí tượng Ấn Độ đã phải khuyến cáo người dân cần chuẩn bị ứng phó số ngày nắng nóng cao hơn bình thường trong tháng 5.

Ở quốc gia láng giềng Pakistan, cơ quan khí tượng cho biết một số khu vực trải qua mức nhiệt cao hơn 8 độ C so với bình thường. Khoảng giữa tháng 5, nhiệt độ cao nhất ở Balochistan (tây nam Paki-stan) được dự báo có thể lên tới 49 độ C, mức nguy hiểm.

Ấn Độ và Pakistan nằm trong số những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu (BĐKH) với hơn một tỷ người bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau. Theo Tiến sĩ Mehrunissa Ma-lik - chuyên gia về BĐKH và phát triển bền vững tại thủ đô Islamabad (Pakistan), BĐKH có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực, hạn hán, lũ quét do băng tan. Những cộng đồng với điều kiện sống thiếu thốn và phụ thuộc nhiều vào tự nhiên sẽ phải chịu đựng nhiều hơn.

Người dân vùng Bulawayo ở Zimbabwe lấy nước giếng giữa nắng nóng.

Người dân vùng Bulawayo ở Zimbabwe lấy nước giếng giữa nắng nóng.

TS Malik cũng cho rằng, nắng nóng đang thách thức giới hạn sinh tồn của con người nói riêng cũng như động, thực vật nói chung. Riêng Ấn Độ, tới năm 2050 dự báo sẽ là một trong những nơi đầu tiên ghi nhận nhiệt độ có thể vượt giới hạn sống sót.

Ngay từ cuối tháng 3, Nhật Bản đã ghi nhận thời tiết nóng bất thường. Hai tỉnh Miyazaki và Oita lần đầu tiên trong năm nay có nhiệt độ trên 30 độ C, tương đương mức nhiệt độ giữa mùa hè. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết khối áp cao bao trùm nhiều khu vực phía Tây và phía Đông đã đẩy nhiệt độ lên cao.

Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1999, tức là sau 26 năm, Nhật Bản ghi nhận có mức nhiệt tương đương giữa mùa hè ngay trong tháng 3. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo nhiệt độ ở nhiều khu vực có thể tiếp tục cao hơn mức trung bình khoảng từ 8 - 10 độ C trong tháng 5. Người dân cần chuẩn bị các biện pháp chống nắng nóng và đề phòng sốc nhiệt.

Tại Manila (Philippines), ngay đầu tháng 3 hàng loạt trường học đã phải tạm dừng hoạt động trong bối cảnh nhiệt độ và độ ẩm được cảnh báo đang ở mức nguy hiểm. Theo hướng dẫn từ cơ quan giáo dục, 69 trường học đã chuyển sang hình thức học trực tuyến. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết tình trạng thời tiết cực đoan đã tác động đến việc học tập của khoảng 242 triệu trẻ em tại 85 quốc gia trong năm 2024, trong đó có Philippines.

Tuy nhiên, châu Á không phải ngoại lệ. Tại Trung Mỹ, Brazil là quốc gia ghi nhận mức nhiệt bất thường ngay từ đầu tháng 2/2025, với tình trạng nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ lên tới 44 độ C vào ngày 17/2. Chưa hết, vào thời điểm nắng nhất trong ngày 17/2, ở phía tây thành phố Rio de Janeiro nhiệt độ lên tới mức không tưởng là 62,3 độ C, là mức nhiệt cao nhất kể từ khi Alerta Rio bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2014.

Giám đốc Y tế thành phố Rio - ông Daniel Soranz, cảnh báo rằng mùa hè 2025 có thể là mùa hè nóng nhất trong nhiều năm trở lại đây, khi mà trong tháng 2, hơn 3.000 người đã phải nhập viện cấp cứu do nắng nóng cực đoan, chủ yếu gặp các vấn đề như bỏng nắng và mất nước. Trong khi đó, chính quyền thành phố đã đưa ra cảnh báo mức 4 (trong thang 5 cấp) về nắng nóng mùa hè này.

Phụ huynh dùng cặp sách che cho con khỏi ánh nắng khi rời trường ở Manila hồi đầu tháng 3/2025.

Phụ huynh dùng cặp sách che cho con khỏi ánh nắng khi rời trường ở Manila hồi đầu tháng 3/2025.

Hậu quả nghiêm trọng

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 5 trẻ em trên toàn cầu thì có 1 em phải trải qua số ngày nhiệt độ khắc nghiệt mỗi năm vào những mùa hè gần đây. Khu vực Tây và Trung Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 123 triệu trẻ em, chiếm 39% dân số trẻ em trong khu vực. UNICEF chỉ ra, trẻ em dễ bị tổn thưởng bởi tác động của các đợt nắng nóng cao điểm, do thân nhiệt tăng cao và nhanh hơn đáng kể so với người trưởng thành, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh hay sốc nhiệt cao hơn.

Vẫn theo UNICEF, đến năm 2050, nắng nóng cực đoan do BĐKH sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em toàn thế giới. Các đợt nắng nóng ngày càng trở nên thường xuyên, không có dấu hiệu giảm và tần suất được dự báo còn tăng trong những năm tới. Nhiệt độ quá cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, tăng nguy cơ mắc các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết lây lan, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thần kinh và sức khỏe tâm thần.

Thật đáng lo ngại khi kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Queensland và Đại học Quốc gia Australia cho rằng, BĐKH làm gia tăng số ca tử vong liên quan nắng nóng, trong đó người dân khu vực thành thị có nguy cơ tử vong cao hơn. Đối tượng nguy cơ là cư dân đô thị có thu nhập thấp, trình độ học vấn thấp, mắc bệnh tiểu đường và hạn chế tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, nguy cơ tử vong vì nắng nóng cao ở các thành phố là do có nhiều bề mặt hấp thụ nhiệt hơn như đường bộ, các tòa nhà cao tầng.

Người dân cố cứu một con bò sữa trong vụ cháy rừng vùng ngoại ô Athens (Hy Lạp).

Người dân cố cứu một con bò sữa trong vụ cháy rừng vùng ngoại ô Athens (Hy Lạp).

BĐKH đang khiến số lượng các đợt nắng nóng chết người gia tăng trên khắp thế giới, đẩy ngày càng nhiều người vào môi trường khắc nghiệt, nơi cơ thể con người không thể tự làm mát đủ nhanh để tồn tại. Minh chứng rõ nhất là cuộc hành hương Hajj ở Saudi Arabia vào năm 2024, khi nhiệt độ chạm mức 51,8 độ C, khiến hơn 1.300 người thiệt mạng.

Theo tính toán, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C, những đợt nắng nóng cực đoan có thể đe dọa cư dân trên một khu vực rộng tương đương diện tích nước Mỹ (gần 10 triệu km2). Đây là cảnh báo được đưa trong một kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Reviews Earth and Environ-ment. Theo Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015, các quốc gia cam kết giữ khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu thấp hơn nhiều so với ngưỡng 2 độ C, trong đó mục tiêu lý tưởng là 1,5 độ C. Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm gần đây, mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu đều đã vượt qua ngưỡng 1,5 độ C.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Texas tại San Antonio và Đại học bang Pennsylvania đã nhấn mạnh sự gia tăng mạnh mẽ trong 7 năm qua tương thích với các kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu chưa từng có khi tác động của BĐKH trở nên nghiêm trọng hơn. Kết quả nghiên cứu phù hợp với các nghiên cứu toàn cầu cho thấy nhiệt độ tăng do BĐKH gây tử vong ngày càng nhiều. Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), vào năm 2023, thế giới đã trải qua nhiệt độ trung bình nóng nhất kể từ khi bắt đầu được thống kê vào năm 1850.

Khi sự cực đoan của thời tiết không còn hiếm gặp

Theo Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ (NPS), Thung lũng Chết có thể là nơi nóng nhất Trái Đất có người sinh sống. Vào mùa hè năm ngoái, nhiệt độ trung bình 24 giờ tháng 6 - 8 là 40,3 độ C. Con số này vượt qua kỷ lục trước đó là 40,1 độ C, được thiết lập vào năm 2021 và 2018. Trong đó, tháng 7 cao nhất với mức nhiệt lên tới 54 độ C. Mức nhiệt này được ghi nhận tại một trạm thời tiết ở khu vực Furnace Creek của Thung lũng Chết, nơi nhiệt độ cao nhất thế giới được ghi nhận là khoảng 56,8 độ C vào năm 1913. Đáng chú ý, suốt tháng 7/2024, thời tiết nắng nóng gần như không dịu bớt. Chỉ có 7 ngày nhiệt độ không đạt ít nhất 48,9 độ C, trong khi có tới 9 ngày liên tiếp nhiệt độ đạt 51,7 độ C.

Nhiều nhà nghiên cứu khí hậu cho rằng, 2023 là năm nóng nhất kể từ năm 1940 (chưa đối chiếu với những dữ liệu khí tượng từ những năm 1.800 cùng các dữ liệu về nhiệt độ dựa trên phân tích các vòng sinh trưởng của cây). Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học Nature cho rằng, năm 2024, thế giới đã trải qua mùa hè nóng nhất trong vòng 2.000 năm.

Đồng tác giả bài nghiên cứu, TS. Jan Esper- nhà khoa học khí hậu tại Đại học Johannes Gutenberg (Đức), cho biết: "Khi nhìn vào chiều dài lịch sử, chúng ta sẽ thấy vấn đề nóng lên toàn cầu đang nghiêm trọng đến mức nào". Nhận xét đó được Cơ quan theo dõi BĐKH Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu ủng hộ khi cho rằng nhiệt độ trung bình của Trái Đất năm 2024 cao hơn khoảng 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, lượng khí thải nhà kính cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại. TS Samantha Burgess, lãnh đạo chiến lược về khí hậu tại Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu (ECMWF), cho rằng thật đáng lo ngại khi sự cực đoan của thời tiết đang dần trở thành bình thường. Còn theo TS. Gavin Schmidt - giám đốc Viện Nghiên cứu không gian Goddard (GISS) thuộc NASA, nhận định: “Không phải mùa hè năm nào cũng nắng nóng cực đoan nhưng xu hướng dài hạn đã rất rõ, nhất là những đợt sóng nhiệt vô cùng nguy hiểm”.

"Mọi bộ dữ liệu nhiệt độ toàn cầu do quốc tế đưa ra đều cho thấy 2024 là năm nóng nhất kể từ khi quá trình ghi chép bắt đầu vào năm 1850. Nhân loại tự quyết định số phận của mình, nhưng cách chúng ta ứng phó với thách thức khí hậu nên dựa trên các bằng chứng. Tương lai vẫn nằm trong tay chúng ta. Việc hành động nhanh chóng và quyết đoán vẫn có thể thay đổi hướng phát triển của khí hậu trong tương lai" - TS. Carlo Buontempo, Giám đốc C3S chia sẻ.

Nắng nóng khó lường và những lo ngại mùa hè 2025

Mùa hè năm nay sẽ khó dự đoán có nóng như mùa hè 2023 và 2024 hay không. Tuy nhiên, nhiều chỉ dấu cho thấy Nam Á và Trung - Nam Mỹ sẽ là những nơi nền nhiệt cao nhất, trong các tháng từ 5-7. Tiếp đó, mùa hè châu Phi cũng gay gắt. Châu Âu được dự báo một mùa hè “yên ả” hơn, tuy nhiên Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp vẫn sẽ là những quốc gia dẫn đầu nền nhiệt châu lục này.

Điều đáng lo ngại là những cánh rừng vẫn có thể bị bốc cháy, cả ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á do lượng mưa ít. Khu vực Trung Đông, do ít mưa sẽ có thể xuất hiện những trận bão cát mù mịt và kéo dài.

Nắng nóng khiến lượng nước sông hồ trên phạm vi toàn cầu tiếp tục suy kiệt. Điển hình là sông Ama-zon, khô hạn khiến mực nước xuống thấp nhất trong vòng 123 năm. Mực nước con sông này tại cảng thành phố Manaus lớn nhất ở khu vực rừng nhiệt đới Amazon đã xuống mức kỷ lục kể từ năm 1902. Lượng mưa dưới mức trung bình ngay cả trong mùa mưa đã gây ra thảm họa cho Amazon và nhiều vùng ở Nam Mỹ, trong đó có Brazil và Bolivia. Theo trang web của cảng Manaus, mực nước sông Rio Negro đã vượt qua mức thấp nhất mọi thời đại và vẫn đang tiếp tục suy giảm.

Rio Negro là một nhánh chính của sông Amazon - con sông lớn nhất thế giới tính theo thể tích. Nắng nóng khiến nước dòng sông bốc hơi ngày một mạnh hơn. Các nhà khoa học dự đoán mực nước sông Amazon có thể tiếp tục giảm và sẽ không phục hồi được vào năm 2026, kể cả trong trường hợp mùa hè năm nay không quá gay gắt.

Trong khi đó, nghiên cứu công bố trên Tạp chí Science cho thấy các hồ nước lớn nhất thế giới ngày càng nhỏ lại, hơn một nửa số hồ nước và hồ chứa lớn nhất đã mất đi lượng nước đáng kể trong 3 thập kỷ qua. Nguyên nhân chủ yếu do BĐKH và việc con người sử dụng nước quá mức. Mặc dù các hồ nước chỉ chiếm khoảng 3% diện tích hành tinh, nhưng lại là nguồn cung cấp nước uống, phục vụ mục đích thủy lợi và năng lượng thiết yếu, đồng thời là môi trường sống quan trọng cho nhiều loài động, thực vật.

Nhà khoa học Fangfang Yao - người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết, sự thu hẹp của các hồ nước đã ở mức báo động. Khi diện tích các hồ nước co lại sẽ góp phần làm khô cằn lưu vực sông xung quanh, làm tăng sự bốc hơi. “Nếu không được quản lý đúng cách, BĐKH và các hoạt động của con người có thể dẫn đến khô hạn sớm hơn chúng ta nghĩ” - TS Fangfang Yao cảnh báo.

Vì sao con người cảm thấy ít đói khi trời nóng?

Theo giới dinh dưỡng nhiệt độ ảnh hưởng đến sự thèm ăn. "Điều chúng ta biết là những người ở môi trường lạnh hơn sẽ tiêu thụ nhiều calo hơn" - TS. Allison Childress, chuyên gia dinh dưỡng (Đại học Công nghệ Texas, Mỹ) nói và giải thích, có một lý do sinh học dẫn tới điều này. Calo là một đơn vị năng lượng, đốt cháy calo có thể giải phóng nhiệt, giúp con người duy trì thân nhiệt trong thời tiết lạnh. Matt Carter, nhà khoa học thần kinh (Đại học Williams ở Massachusetts, Mỹ) cũng đồng tình với ý kiến này. Theo ông, nhiều biến số - bao gồm hormone, protein và các yếu tố môi trường - tác động đến cách thức, nguyên nhân con người cảm thấy đói, cũng như lý do cảm giác đó giảm khi trời nóng. Cơ thể người luôn cố gắng duy trì ổn định các điều kiện bên trong, gọi là “cân bằng nội môi”. Nhiều quá trình cân bằng nội môi được duy trì nhờ các hormone, chúng hoạt động như "người đưa tin" hóa học trong cơ thể. Hai hormone ghrelin và leptin đóng vai trò lớn trong cảm giác thèm ăn và no. Dạ dày giải phóng ghrelin khi đói. Leptin được các tế bào mỡ tiết ra, giúp thông báo cho não khi cơ thể đã no hay là gây ra cảm giác no. Tuy nhiên, đôi khi con người mất khả năng lắng nghe những tín hiệu cơ thể, ví dụ như ăn vượt mức no hoặc không ăn khi đói.

Phan Quang Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/du-cam-mua-he-2025-nang-nong-kho-luong-10306193.html
Zalo