Dự báo thị trường M&A Việt Nam sẽ 'nở hoa' trong năm 2025

Thị trường M&A Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ 'nở hoa' đạt con số ấn tượng với nhiều ngành sẽ trở lại như tài chính, giáo dục, y tế sẽ nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư

Đây là dự báo của ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam tại Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2024 (M&A Vietnam Forum 2024) lần thứ 16 do Báo Đầu tư tổ chức chiều 27/11, tại TP.HCM.

Theo số liệu công bố của KPMG Việt Nam, thị trường M&A tại châu Á và Đông Nam Á vẫn ảm đạm trong 9 tháng năm 2024, khi khối lượng và giá trị giao dịch trong khu vực vẫn ở mức thấp.

Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam ghi nhận sự cải thiện đáng kể về giá trị giao dịch M&A, với mức tăng trưởng 46% (so với mức giảm 11,3% trong tổng giá trị giao dịch của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines) dù khối lượng giao dịch ghi nhận mức giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam trình bày tham luận tại Diễn đàn M&A 2024. Ảnh: Lê Toàn

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam trình bày tham luận tại Diễn đàn M&A 2024. Ảnh: Lê Toàn

Trong 9 tháng năm 2024, nhà đầu tư trong nước dẫn đầu các hoạt động tại thị trường M&A Việt Nam. Thương vụ lớn nhất trong năm cho đến nay với giá trị 982 triệu USD là giao dịch giữa nhóm công ty có trụ sở tại Việt Nam mua lại 55% cổ phần của Công ty Phát triển đầu tư và thương mại SDI, một công ty con của Vingroup sở hữu gián tiếp 41,5% cổ phần tại Vincom Retail.

Lĩnh vực bất động sản đóng góp thương vụ lớn thứ hai khi Becamex IDC chuyển nhượng một dự án nhà ở trị giá 553 triệu USD tại Bình Dương cho Sycamore Limited, công ty con của CapitaLand Group từ Singapore.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, một thương vụ đáng kể là Bain Capital của Mỹ đầu tư 255 triệu USD vào Masan Group qua hình thức phát hành riêng lẻ. Ngoài ra, Masan Group cũng mua lại cổ phần trị giá 200 triệu USD tại VinCommerce từ SK South-East Asia Investment.

Hoạt động giao dịch M&A trong 9 tháng 2024 chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực bất động sản (53%); tiêu dùng thiết yếu (14%), và công nghiệp (21%), chiếm tổng cộng 88% giá trị giao dịch và nằm trong top 5 thương vụ M&A lớn nhất.

Trong 9 tháng năm 2024, các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam khi chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố, gần gấp đôi tổng giá trị đóng góp của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại.

Ông Nguyễn Công Ái cho biết, so với năm trước về giá trị giao dịch, ngành tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp đã thay thế dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe là những ngành đóng góp lớn nhất, trong khi bất động sản tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu năm nay.

Có những ngành biến mất trên thị trường M&A như ngành năng lượng, dịch vụ đã chiếm lĩnh thị trường M&A năm 2022 nhưng gần đây không xuất hiện 2 ngành này. Điều đó cho thấy đã có sự chuyển dịch ngành hàng trong thu hút trong M&A.

Theo nhận định của ông Nguyễn Công Ái, thị trường M&A Việt Nam trong năm 2025 dự báo sẽ "nở hoa" đạt con số ấn tượng. Các lĩnh vực chủ chốt như bất động sản, sản xuất, công nghệ thông tin và tiêu dùng vẫn cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm từ cả các nhà đầu tư chiến lược.

"Dự báo số lượng thương vụ M&A dự kiến sẽ tăng lên trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ và bất động sản nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ như Al và các dịch vụ có ứng dụng công nghệ, nhóm ngành dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng đáng kể trong các giao dịch M&A từ 2025" ông Nguyễn Công Ái dự báo.

Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, vốn từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam, dự kiến sẽ quay trở lại từ 2025 và các năm tới.

Lý giải cho nhận định của mình, Phó tổng giám đốc KPMG cho rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam là nền tảng phát triển cho thị trường M&A. Với tăng trưởng GDP ổn định, lạm phát được kiểm soát và thu nhập ngày càng gia tăng, Việt Nam là điểm sáng trong các thị trường M&A, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư khu vực và thế giới.

Đối với thách thức ảnh hưởng đến thị trường M&A năm 2025, sẽ là vấn đề căng thẳng địa chính trị, việc áp thuế nhiều nước của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ đắc cử Donald Trump, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, quỹ đầu tư khó khăn hơn trong việc luân chuyển vốn ra nước ngoài.

Với nhiều thách thức trong M&A năm 2025, ông Nguyễn Công Ái khuyến cáo, doanh nghiệp khi M&A cần tiếp cận thẩm định đa chiều, toàn diện để xác định rủi ro cũng như đánh giá tiềm năng tăng trưởng của công ty.

Các yếu tố tài chính, thương mại, pháp lý và ESG (môi trường -xã hội -quản trị), cần được cân nhắc để đảm bảo thương vụ phù hợp với yêu cầu đa chiều của bên mua và tạo ra giá trị lâu dài cho các bên.

Lê Quân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-bao-thi-truong-ma-viet-nam-se-no-hoa-trong-nam-2025-d231079.html
Zalo