Dự báo của Fed đã thay đổi
Sau khi mạnh tay hạ lãi suất 0,5 điểm %, Fed phát đi tín hiệu về một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong 3 năm tới.
Rạng sáng nay 19/9 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố cắt giảm 0,5 điểm % lãi suất quỹ liên bang, đưa lãi suất vay tiêu chuẩn xuống mức 4,75-5%/năm.
Quyết định hạ lãi suất của Fed được các chuyên gia đánh giá là pha trộn giữa lạc quan và thận trọng. Bởi dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững chắc, nhưng một vài chỉ số chính như thị trường việc làm vẫn gây lo ngại.
Những thay đổi của Fed trong dự báo mới
Dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đã chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng nhẹ, dù vẫn ở mức thấp theo tiêu chuẩn Fed đặt ra.
Trong khi đó, lạm phát đã hạ nhiệt khi dần hướng về mục tiêu dài hạn tăng 2% hàng năm của Fed. Tuy nhiên, lạm phát còn khá cao, đặc biệt là lạm phát cốt lõi (loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng). Fed vẫn cảnh giác về mặt này.
Việc cắt giảm 0,5 điểm % lãi suất của Fed nhằm tạo sự cân bằng giữa việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và quản lý rủi ro lạm phát. Bằng cách hạ chi phí đi vay, cơ quan này hy vọng sẽ làm chậm lại các hoạt động đầu tư và chi tiêu, đồng thời theo dõi áp lực lạm phát.
Biểu đồ dot plot - công cụ thể hiện triển vọng lãi suất của các quan chức Fed - cho thấy cơ quan này có thể cắt giảm chi phí đi vay xuống mức 4,4%/năm vào cuối năm nay. Đến năm 2025, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ hạ lãi suất xuống 3,4%/năm và đến năm 2026, lãi suất dự kiến còn 2,9%/năm.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed còn dự đoán mức lãi suất trung lập trong dài hạn sẽ ở 2,9%. Con số này cao hơn 0,1 điểm % so với ước tính hồi tháng 6.
Cũng trong dự báo mới nhất của Fed, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng nhẹ lên mức 4,4% vào cuối năm, báo hiệu rằng tăng trưởng việc làm có thể chậm lại. Dù vậy, cơ quan này kỳ vọng thị trường lao động sẽ ổn định mà không có sự gián đoạn đáng kể nào.
Fed dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ thực tế sẽ rơi vào khoảng 2% cho cả năm 2024 và 2025. Đây là mức tăng trưởng ổn định, mặc dù không ngoạn mục. Điều này phù hợp với mục tiêu dài hạn mà Fed đặt ra là phát triển kinh tế ổn định chứ không quá "nóng".
Đến cuối năm nay, Fed ước tính chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của cơ quan này - sẽ ổn định ở mức 2,3% và lạm phát lõi xuống 2,6%. So với dự báo tháng 6, lạm phát toàn phần đã được Fed điều chỉnh giảm 0,3 điểm % và lạm phát lõi hạ 0,2 điểm %.
Sẵn sàng điều chỉnh theo các dữ liệu kinh tế
Theo dự báo kinh tế của Fed, có thể thấy cơ quan này đang kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục giảm, cho phép nới lỏng chính sách khi điều kiện ổn định hơn.
Tuy nhiên, con đường phía trước của Fed sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các dữ liệu kinh tế. Như Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhấn mạnh sau cuộc họp: “Bất kỳ điều chỉnh bổ sung nào đối với chính sách tiền tệ sẽ được đánh giá cẩn thận dựa trên dữ liệu đầu vào liên quan đến việc làm, lạm phát và diễn biến tài chính”.
Fed cũng tuyên bố rõ ràng rằng họ đã sẵn sàng điều chỉnh lập trường chính sách nếu có rủi ro phát sinh làm chệch hướng mục tiêu đã đặt ra.
Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục chạy theo đúng quỹ đạo, với lạm phát giảm và việc làm ổn định, mục tiêu trung hạn 4,4% của Fed vào cuối năm nay có vẻ khả thi. Điều này sẽ báo hiệu sự trở lại của chính sách tiền tệ trung lập hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững mà không gây ra lạm phát.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn và Fed sẽ vẫn linh hoạt trong cách tiếp cận của mình, sẵn sàng điều chỉnh nếu lạm phát "vẫn cứng đầu", hoặc nếu điều kiện thị trường việc làm xấu đi.
Nhìn về phía trước, Fed cho biết sẽ tiếp tục theo dõi các chỉ số quan trọng và điều chỉnh chính sách cho phù hợp, với mục tiêu dài hạn là lạm phát ổn định và việc làm ở mức tối đa.
Điểm mấu chốt duy nhất là Fed cam kết đảm bảo lạm phát trở lại mục tiêu 2% và có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất nếu điều kiện kinh tế hỗ trợ.