Dự báo chính sách của Tổng thống Trump (kỳ cuối): Tâm điểm châu Á-Thái Bình Dương và 'biến số' cạnh tranh Mỹ-Trung
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định cạnh tranh Mỹ-Trung dưới Chính quyền Trump 2.0 sẽ tiếp tục leo thang và định hình lại cục diện toàn cầu, tuy nhiên, Trung Quốc đã lớn mạnh và không dễ bị 'bắt nạt'.
Với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh căng thẳng ở các khu vực khác chưa hạ nhiệt, liệu chính quyền Trump 2.0 sẽ đối diện với những kịch bản nào? Khu vực này sẽ chịu tác động ra sao trước các quyết sách của chính quyền mới?
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là tâm điểm trong chiến lược đối ngoại của chính quyền Trump 2.0, đặc biệt khi cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng và các điểm nóng địa - chính trị gia tăng áp lực. Chính quyền Trump 2.0 có thể đối diện với 3 kịch bản chính cùng những tác động quan trọng đối với cấu trúc quyền lực khu vực.
Kịch bản thứ nhất: Leo thang cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Trung Quốc được xem là thách thức chiến lược lớn nhất với Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Chính quyền Trump 2.0 nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng các biện pháp nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, bao gồm cấm vận công nghệ, tăng thuế quan, và hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông và Eo biển Đài Loan, thông qua các hoạt động tuần tra tự do hàng hải hoặc tập trận chung với các đồng minh. Các quyết sách này nhằm làm suy yếu vị thế kinh tế, công nghệ và quân sự của Trung Quốc, đồng thời gửi thông điệp răn đe rõ ràng.
Kịch bản thứ hai: Định hình lại quan hệ với các đồng minh.
Chính quyền Trump 2.0 sẽ tiếp tục thúc ép các đồng minh chủ chốt như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia gia tăng chi tiêu quốc phòng và đóng góp nhiều hơn vào an ninh khu vực. Điều này vừa giảm gánh nặng tài chính cho Mỹ, vừa tăng cường khả năng phòng thủ của các đồng minh.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể gây ra căng thẳng trong quan hệ song phương khi các đồng minh cảm thấy áp lực từ những yêu cầu quá mức, thậm chí phi lý của Mỹ.
Đồng thời, Chính quyền Trump 2.0 cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các nước này, đặc biệt trong việc đối phó với các thách thức từ Trung Quốc.
Kịch bản thứ ba: Căng thẳng leo thang tại các điểm nóng khu vực.
Biển Đông, Eo biển Đài Loan và Bán đảo Triều Tiên sẽ tiếp tục là những khu vực bất ổn. Mỹ có thể tiếp tục gia tăng áp lực đối với Triều Tiên bằng các biện pháp cấm vận kinh tế hoặc cô lập ngoại giao, trong khi vẫn để ngỏ khả năng đàm phán nếu Bình Nhưỡng thay đổi lập trường.
Tại Biển Đông, nhiều khả năng Mỹ sẽ mở rộng và tăng cường hợp tác với các nước có tranh chấp với Trung Quốc để ngăn chặn các hành động quân sự hóa Biển Đông. Đối với Eo biển Đài Loan, việc tăng cường bán vũ khí và nâng cấp quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc) có thể làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, đẩy khu vực vào tình trạng đối đầu nguy hiểm.
Những kịch bản đó có thể gây ra nhiều tác động đối với khu vực. Cụ thể:
Đối với các đồng minh
Các đồng minh của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, sẽ phải điều chỉnh chiến lược để thích nghi với môi trường cạnh tranh mới. Yêu cầu của Chính quyền Trump 2.0 về việc tăng cường đóng góp tài chính và tự chủ quốc phòng sẽ buộc các nước này tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời cân nhắc thận trọng hơn trong quan hệ với Washington để tránh bị lôi kéo quá sâu vào cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Đối với ASEAN
Các quốc gia ASEAN sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng trong việc cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính sách của Mỹ có thể mang lại cơ hội kinh tế và an ninh, nhưng cũng đặt ra rủi ro lớn nếu căng thẳng khu vực leo thang. ASEAN sẽ tiếp tục duy trì sự trung lập trong khi thúc đẩy tăng cường hợp tác nội khối để bảo vệ lợi ích chung và tránh bị cuốn vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai siêu cường.
Đối với Trung Quốc
Các biện pháp của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc sẽ không dễ đạt được kết quả nhanh chóng, bởi Bắc Kinh đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với sức ép từ Washington. Trung Quốc có thể tăng cường quan hệ với các đối tác khác như Nga và khối BRICS, đồng thời sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để duy trì vị thế trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ tiếp tục là yếu tố chi phối cấu trúc quyền lực khu vực và đặt ra thách thức lớn cho cả hai bên.
Nhìn chung, Chính quyền Trump 2.0 với tham vọng định hình lại trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho Mỹ, thúc đẩy các ưu tiên là kiềm chế Trung Quốc, củng cố quan hệ đồng minh và tăng cường hiện diện quân sự.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý định và mong muốn từ phía Mỹ. Những hạn chế nội tại, như áp lực ngân sách, sự không đồng thuận trong nước và khả năng thích ứng của các nước đối tác, sẽ đặt ra những thách thức lớn cho Washington.
Hơn nữa, Trung Quốc, với sức mạnh ngày càng lớn, chắc chắn sẽ không “khoanh tay” đứng nhìn Mỹ áp đặt ảnh hưởng trong khu vực. Do vậy, cuộc đối đầu Mỹ-Trung tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là một cuộc chơi lâu dài và khó đoán, đòi hỏi sự khéo léo từ các nước trong khu vực để duy trì ổn định và cân bằng chiến lược.
Cạnh tranh Mỹ-Trung có khả năng leo thang trong nhiệm kỳ tới của ông Trump không, thưa Đại sứ? Sự cạnh tranh nước lớn này sẽ có những biến số nào mới dưới thời chính quyền Trump 2.0, và nó sẽ tác động như thế nào đến cục diện toàn cầu?
Cạnh tranh Mỹ-Trung dưới Chính quyền Trump 2.0 sẽ không chỉ leo thang mà còn mở rộng và sâu sắc hơn trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, công nghệ cho đến địa-chính trị.
Động lực cạnh tranh không đơn thuần xuất phát từ lợi ích quốc gia mà còn phản ánh một cuộc đối đầu ý thức hệ giữa hai cường quốc, nơi Mỹ tìm cách bảo vệ ảnh hưởng và vai trò nước lớn còn Trung Quốc nỗ lực tái định hình trật tự toàn cầu theo hướng có lợi cho mình.
Thuế quan và áp lực kinh tế
Chính quyền Trump dự kiến áp đặt mức thuế 60% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, đánh mạnh vào các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao. Trung Quốc, với nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại và thặng dư xuất khẩu năm 2024 trên 1.000 tỷ USD, sẽ chịu tổn thất nghiêm trọng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, Trung Quốc không còn dễ bị tổn thương như giai đoạn Trump 1.0. Nước này đã mở rộng tiêu dùng nội địa, đa dạng hóa thị trường, và tăng cường liên kết với các quốc gia không thuộc phương Tây để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Dù vậy, thách thức từ thuế quan sẽ gây sức ép lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn tăng trưởng chậm và chưa phục hồi hoàn toàn sau Covid-19. Tăng thuế cũng làm tổn thương doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, nhưng chính quyền Trump có thể coi đây là cái giá cần thiết để buộc các công ty Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, hướng tới các thị trường như Ấn Độ và Đông Nam Á.
Cạnh tranh công nghệ khốc liệt
Công nghệ sẽ là chiến trường quyết liệt nhất trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Ông Trump dự kiến mở rộng lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao cho Trung Quốc, nhắm vào các ngành chiến lược như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, và mạng 5G. Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh chương trình "Made in China 2025", đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ lõi để tự chủ và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Sự cạnh tranh công nghệ không chỉ định hình quan hệ song phương mà còn phân cực toàn cầu, buộc các quốc gia khác phải lựa chọn giữa hệ sinh thái công nghệ Mỹ hoặc Trung Quốc. Đây sẽ là mặt trận dài hơi, nơi Mỹ có lợi thế trong ngắn hạn nhưng Trung Quốc cũng không ngừng gia tăng năng lực.
Địa-chính trị: Căng thẳng lan rộng toàn cầu
Cạnh tranh Mỹ-Trung dưới thời Trump 2.0 sẽ không chỉ giới hạn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà còn mở rộng ra phạm vi toàn cầu.
Ở khu vực châu Á, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông, ủng hộ các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Australia để đối trọng với sự mở rộng ảnh hưởng về mọi mặt của Trung Quốc. Biển Đông nhiều khả năng sẽ trở thành trung tâm cạnh tranh chiến lược, thậm chí xung đột, khi một bên gia tăng các hoạt động quân sự hóa còn bên kia đáp trả bằng các cuộc tập trận tự do hàng hải.
Tại châu Phi và Mỹ Latinh, Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh ảnh hưởng thông qua các dự án đầu tư và viện trợ. Trung Quốc có được lợi thế lớn thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhưng Mỹ, với sự trở lại của ông Trump, sẽ cố gắng tái khẳng định ảnh hưởng bằng các chương trình hợp tác song phương và liên kết quân sự.
Ở châu Âu, Mỹ có thể gia tăng áp lực để các đồng minh NATO đối đầu mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ và thương mại. Tuy nhiên, châu Âu, với sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra lập trường thống nhất.
Biến số và hạn chế nội tại
Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào một số biến số quan trọng. Trước hết, các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với sức ép từ cả hai phía, buộc họ phải cân nhắc kỹ lưỡng trong việc giữ cân bằng giữa lợi ích kinh tế với Trung Quốc và cam kết an ninh với Mỹ.
Thứ hai, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải đối mặt với những thách thức nội tại. Mỹ tiếp tục chịu áp lực từ chia rẽ chính trị và các vấn đề kinh tế như lạm phát và nợ công. Trong khi đó, Trung Quốc, dù đã chuẩn bị kỹ hơn, vẫn phải đối mặt với tăng trưởng chậm, suy giảm nguồn lực và suy thoái dân số.
Tóm lại, cạnh tranh Mỹ-Trung dưới Chính quyền Trump 2.0 sẽ tiếp tục leo thang và định hình lại cục diện toàn cầu. Dù Mỹ có lợi thế về công nghệ và sức mạnh quân sự, nhưng Trung Quốc đã lớn mạnh và không dễ bị “bắt nạt”.
Trật tự quốc tế trong thời gian tới sẽ không còn là cuộc chơi một chiều mà trở thành một chiến trường đa cực, nơi cả hai cường quốc đều phải đối mặt với những giới hạn và thách thức nội tại của chính mình.
Quan hệ Việt-Mỹ trong ba thập kỷ qua là một hành trình đặc biệt, từ bình thường hóa ngoại giao năm 1995 đến nay đã phát triển liên tục, với những bước tiến vượt bậc từ hợp tác kinh tế, giáo dục, ngoại giao, an ninh đến giao lưu nhân dân. Giai đoạn Trump 1.0, quan hệ hai nước không chỉ được củng cố mà còn đạt tầm cao mới, thể hiện qua các cuộc trao đổi cấp cao và sự gia tăng hợp tác thương mại song phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, trong các cuộc điện đàm trước và sau khi ông Trump tái đắc cử, đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu. Cả hai nhà lãnh đạo đã mời nhau thăm chính thức vào thời điểm phù hợp, và nếu một chuyến thăm cấp cao diễn ra trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, thì đây sẽ là một cột mốc quan trọng, không chỉ để khẳng định cam kết của cả hai bên mà còn để định hình tương lai quan hệ song phương.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động, Việt Nam và Mỹ có những lợi ích song trùng, đặc biệt trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Mỹ, với mục tiêu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, tiếp tục coi các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là một đối tác chiến lược quan trọng trong khu vực. Sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ, cũng như dòng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam, sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế song phương.
Về an ninh chiến lược, cả hai nước đều chia sẻ mối quan tâm về việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ đã và sẽ tiếp tục coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chiến lược khu vực của mình. Sự hợp tác trong các lĩnh vực như chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực hàng hải, và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu và thiên tai, đều có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Trong năm 2025, khi hai nước kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ, đây không chỉ là cơ hội để nhìn lại những thành tựu đã đạt được mà còn là thời điểm quan trọng để định hướng tương lai. Việc thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và các sáng kiến hợp tác mới sẽ tạo động lực cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển bền vững, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung trong khu vực.
Mặc dù vẫn còn một số khác biệt về quan điểm và hệ thống chính trị, Việt Nam và Mỹ đã chứng minh rằng thông qua đối thoại cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau, các rào cản có thể được tháo gỡ. Với sự nỗ lực từ cả hai phía, tôi tin rằng quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục không ngừng tiến xa trong thời gian tới, khẳng định vai trò quan trọng của hai nước trong khu vực và trên trường quốc tế.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!