Dự án xây dựng Đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột: Cảnh báo đỏ cho nhà thầu

Nếu trước ngày 10/12/2024, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn không có chuyển biến, chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột sẽ phải có giải pháp xử lý để đảm bảo tiến độ chung toàn Dự án.

Thi công bê trễ

Sự quyết liệt là điều có thể nhận thấy trong Công văn hỏa tốc số 12943/BGTVT-CQLXD vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban Quản lý dự án) để thúc tiến độ Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng còn lại cho nhà thầu; làm việc cụ thể với chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) để nắm bắt tiến độ, kịp thời báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ GTVT các khó khăn, vướng mắc để đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ.

Đối với những đoạn không vướng mặt bằng, Ban Quản lý dự án phải chỉ đạo Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công khẩn trương rà soát, lập lại tiến độ thi công tổng thể, chi tiết của từng gói thầu, từng nhà thầu, kèm theo giải pháp tổ chức thi công, có cam kết của các nhà thầu về việc đáp ứng tiến độ hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Theo chủ trương đầu tư được duyệt, tiến độ thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là từ năm 2020 - 2023.

Năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đề xuất Bộ GTVT và được chấp thuận hoàn thành toàn bộ Dự án trong năm 2024 và hoàn thiện thủ tục bàn giao công trình trước ngày 30/6/2025. Tháng 11/2024, Ban này xin điều chỉnh hoàn thành toàn bộ Dự án trước ngày 31/12/2025.

Trên cơ sở biểu tiến độ lập lại, Ban Quản lý dự án theo dõi chặt chẽ khối lượng thi công hàng ngày của các nhà thầu và quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc để xảy ra chậm trễ (nếu có). Trường hợp nhà thầu vẫn không có chuyển biến tích cực, Ban Quản lý dự án căn cứ quy định của hợp đồng và quy định pháp luật có liên quan để xem xét và kiên quyết xử lý nhà thầu vi phạm theo quy định.

“Đối với Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn - nhà thầu thi công cả 2 gói thầu xây lắp của Dự án, nếu trước ngày 10/12/2024 không có chuyển biến, Ban Quản lý dự án phải có giải pháp xử lý để đảm bảo tiến độ chung toàn Dự án”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đang là một trong những công trình giao thông sử dụng vốn đầu tư công có tiến độ triển khai bê trễ nhất hiện nay.

Mặc dù có quy mô không lớn (tổng mức đầu tư khoảng 1.840 tỷ đồng, chiều dài đoạn tuyến khoảng 40 km), nhưng dự án này thi công suốt 3 năm qua mà mới chỉ đạt khoảng 60% giá trị hợp đồng. Tiến độ như vậy khiến Dự án khó hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2024 và hoàn thiện thủ tục bàn giao công trình trước ngày 30/6/2025 như yêu cầu của Bộ GTVT.

Cảnh báo chất lượng

Có 3 nguyên nhân dẫn tới công tác tổ chức thi công tại Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột không đáp ứng yêu cầu đề ra, đó là: vướng mắc về mặt bằng; năng lực tổ chức thi công của một số nhà thầu yếu kém và sự non tay trong công tác điều hành, quản lý của Ban Quản lý dự án.

Đến cuối tháng 11/2024, tức là sau gần 4 năm triển khai, UBND tỉnh Đắk Lắk mới bàn giao mặt bằng 37,909/39,61 km (95,72%); còn lại 1,7 km chưa GPMB. Ngoài ra, đối với các đoạn đã bàn giao mặt bằng, vẫn còn một số hộ dân không đồng thuận với phương án đền bù, chưa nhận tiền bồi thường và vướng trụ điện cao thế T20 thuộc Dự án Trạm biến áp 220 kV Krông Ana nằm trên tuyến tại Km32+600 chưa được di dời.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), nguyên nhân khiến Dự án bị vỡ tiến độ nhiều lần một phần do công tác GPMB triển khai chậm, nhưng cũng có phần do lỗi chủ quan của nhà thầu thi công, trong đó “điểm đen” chính là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn.

Hiện phần khối lượng công việc do công ty này thực hiện trên cả 2 gói thầu xây lắp của Dự án còn lại rất lớn, tiến độ thi công của nhà thầu rất chậm và khó có thể hoàn thành toàn bộ công việc theo hợp đồng (đối với phạm vi đã bàn giao mặt bằng) trước ngày 31/12/2024 như tiến độ đã được gia hạn.

Cụ thể, tại Gói thầu số 3 (Km0+00 ÷ Km20+500), Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn đạt giá trị sản lượng/giải ngân/giá trị hợp đồng khoảng 149,26/132,21/183,58 tỷ đồng (đạt 81,3%, giá trị chưa thanh toán khoảng 17 tỷ đồng).

Tại Gói thầu số 4 (Km20+500 ÷ Km39+606,7), Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn đạt giá trị sản lượng/giải ngân/giá trị hợp đồng khoảng 64,91/50,7/267,23 tỷ đồng (đạt 24,3%, giá trị chưa thanh toán khoảng 14,3 tỷ đồng).

Điều đáng nói là, qua kiểm tra thực tế trên tuyến đoạn Km9+450 ÷ Km9+900 do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn thi công, Cục Quản lý đầu tư xây dựng phát hiện một số vị trí bị hư hỏng, bong bật mặt đường bê tông nhựa hạt thô, cần có sự kiểm tra, đánh giá cụ thể nguyên nhân và có giải pháp sửa chữa, khắc phục triệt để các hư hỏng trên tuyến.

“Do khu vực Tây Nguyên hiện nay đã kết thúc mùa mưa, thời tiết khu vực đã thuận lợi, phải tập trung, tranh thủ tổ chức thi công để đẩy nhanh tiến độ Dự án. Vì vậy, chủ đầu tư cần yêu cầu nhà thầu có cam kết, theo dõi chặt chẽ tiến độ thi công, có giải pháp quyết liệt theo quy định trong hợp đồng và quy định của pháp luật nhằm hoàn thành hợp đồng theo đúng tiến độ chung của Dự án”, ông Nguyễn Bách Tùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề xuất.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-an-xay-dung-doan-tranh-phia-dong-tp-buon-ma-thuot-canh-bao-do-cho-nha-thau-d231469.html
Zalo