Dự án Phát triển năng lực quản trị bản thân: Cẩm nang của học sinh trung học phổ thông

Tại cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (THPT) năm học 2024 - 2025, dự án 'Phát triển năng lực quản trị bản thân cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn' của nhóm nghiên cứu Trường THPT chuyên Chu Văn An gồm: Phượng Vân Thanavanh lớp 12G1, Trần Tuấn Minh lớp 11D1 dưới sự hướng dẫn của cô Lê Hoài An, giáo viên môn Ngữ Văn đã xuất sắc đoạt giải nhì. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh THPT phát triển tính chủ động, sáng tạo, khả năng vượt qua thử thách để đạt được những mục tiêu dài hạn trong cuộc sống.

Nhóm nghiên cứu Trường THPT chuyên Chu Văn An thảo luận phương pháp triển khai dự án

Nhóm nghiên cứu Trường THPT chuyên Chu Văn An thảo luận phương pháp triển khai dự án

Quản trị bản thân là khả năng điều chỉnh và kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình hiệu quả. Quản trị bản thân giúp học sinh THPT phát triển sự tự tin, chủ động và khả năng đối diện với thử thách, đồng thời nâng cao khả năng đưa ra quyết định và định hướng cho tương lai.

Em Phượng Vân Thanavanh lớp 12G1, Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Qua khảo sát trên 535 học sinh tại 5 trường THPT trên địa bàn tỉnh, những năng lực cơ bản của học sinh như: tự nhận thức, tự quản lý, kiểm soát bản thân đã được hình thành nhưng chưa vững chắc; những năng lực đòi hỏi sự chủ động như tự khẳng định và lãnh đạo phát triển bản thân còn thiếu hụt. Các bạn chưa có thói quen tự kiểm tra tư tưởng, hành động của mình trong quá khứ hay ghi chép nhật ký hằng ngày cũng như lập kế hoạch để vượt qua khó khăn. Chính vì vậy, trong năm 2024, chúng em đã đặt ra mục tiêu và nghiên cứu giải pháp hỗ trợ các bạn phát triển năng lực quản trị bản thân.

Sau khi khảo sát thực trạng quản trị bản thân của học sinh một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, nhóm thực hiện dự án đã đề xuất một số giải pháp đồng bộ gồm: tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; thành lập Câu lạc bộ Zignite; xây dựng hệ sinh thái số nhằm cung cấp mô hình hỗ trợ toàn diện cho học sinh THPT phát triển năng lực quản trị bản thân.

Trong đó, giải pháp quan trọng nhất của dự án là hệ sinh thái số Zignite với ứng dụng App Zignite; web Zignite và Fanpage Zignite chứa nhiều nội dung như: cẩm nang quản trị bản thân; hoạt động trải nghiệm thực tế; thử thách mô phỏng tình huống giả định và trò chơi tương tác giúp rèn luyện kỹ năng quản trị bản thân; thư viện truyền cảm hứng; kết nối với những học sinh đang tích cực triển khai các giải pháp quản trị bản thân; công cụ và tư liệu hỗ trợ học sinh khám phá và phát triển năng lực quản trị bản thân. Hệ sinh thái số Zignite có các bài kiểm tra đánh giá năng lực quản trị bản thân cũng như đánh giá quá trình rèn luyện của học sinh sau một thời gian áp dụng. Qua đó, giúp học sinh THPT áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, tạo nên một môi trường học tập sáng tạo, an toàn, giúp học sinh trưởng thành và làm chủ cuộc sống.

Thực nghiệm trên 176 học sinh cho thấy, sau khi áp dụng đồng bộ các giải pháp, các em đều hiểu được tầm quan trọng của việc quản trị bản thân; tự tìm hiểu, khám phá năng lực của mình để chỉ ra được những điểm mạnh, hạn chế, từ đó xây dựng kế hoạch ngắn hạn để quản lý cảm xúc, quản lý thời gian cũng như lập kế hoạch lâu dài để phát triển bản thân.

Em Nguyễn Mỹ Lan, học sinh lớp 11D2, Trường THPT chuyên Chu Văn An cho biết: Điểm mạnh của em là sự sáng tạo, tư duy logic; hạn chế là hay quên, chủ quan khi thực hiện các nhiệm vụ. Để cải thiện, em đã áp dụng đồng bộ các giải pháp quản lý thời gian, tạo ghi chú để nhắc nhở bản thân, lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người theo hướng dẫn từ dự án. Em cũng đưa ra mục tiêu nghề nghiệp sau này là Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số) và kinh doanh. Vì vậy, ngay tại thời điểm này em đã nghiên cứu sâu về các kỹ năng truyền thông số như: sáng tạo nội dung, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Còn đối với kinh doanh, em mơ ước khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông sáng tạo. Để đạt được mục tiêu, em đã lập kế hoạch tham gia các khóa học trực tuyến, thực hành những dự án nhỏ và học tập từ những người có kinh nghiệm.

Cô Lê Hoài An, giáo viên hướng dẫn nhóm nghiên cứu cho biết: Khó khăn trong quá trình nghiên cứu là các em còn thiếu kiến thức chuyên sâu về quản trị bản thân; chưa nắm được quy trình nghiên cứu nên việc thực hiện dự án mất nhiều thời gian. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Ban Giám hiệu nhà trường, sự tư vấn nhiệt tình của Ban Tư vấn Sở Giáo dục và Đào tạo. Nhờ đó, chúng tôi đã hoàn thành được mục tiêu nghiên cứu, đưa ra những giải pháp hữu ích hỗ trợ học sinh phát triển năng lực quản trị bản thân.

Thời gian tới, nhóm thực hiện dự án sẽ tiếp tục phối hợp với các trường THPT, phổ biến kết quả nghiên cứu để học sinh áp dụng vào thực tiễn; sau mỗi 6 tháng nhóm sẽ tiến hành khảo sát, xin ý kiến từ các chuyên gia để dự án phát huy những giá trị thiết thực đối với học sinh THPT trên địa bàn tỉnh.

HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phat-trien-nang-luc-quan-tri-ban-than-giai-phap-giup-hoc-sinh-thpt-dat-duoc-nhung-muc-tieu-trong-cuoc-song-5042205.html
Zalo