Dự án Luật Tương trợ Tư pháp về dân sự: Tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ Tư pháp
Chiều 15/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về 4 dự án: Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ Tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ Tư pháp về hình sự.

Quang cảnh phiên họp chiều 15/4. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)
Lãnh đạo các Bộ liên quan đã trình bày Tờ trình về các dự án Luật. Trong đó, trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự (TTTPDS), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, mục đích xây dựng Luật là hoàn thiện pháp luật TTTPDS theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ quy trình giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) và vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan, tăng cường khả năng thực hiện quyền tiếp cận công lý của người dân; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về TTTPDS.
Dự thảo Luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện TTTPDS và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động này. Dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến hoạt động TTTPDS với Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của QH Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt Báo cáo thẩm tra các dự án Luật trên, nêu rõ quan điểm của Ủy ban đối với một số nội dung cụ thể của 4 dự thảo Luật.
Thảo luận về các dự án Luật, trong đó có Luật Dẫn độ, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần nêu rõ các nguyên tắc dẫn độ/không dẫn độ công dân Việt Nam, các trường hợp từ chối dẫn độ, bảo đảm an ninh quốc gia. Đồng thời, cần quy định chặt chẽ các biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền tiếp cận pháp lý, không bị tra tấn đối xử vô nhân đạo, bảo đảm tuân thủ các cam kết quốc tế về quyền con người; xem xét kỹ trình tự, thủ tục dẫn độ, minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu các thủ tục không cần thiết…
Sáng cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của QH về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030 thì số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Đây sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó giúp tạo công ăn việc làm cho người nông dân, cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững; thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Lê Minh Hoan nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Qua khảo sát thực tế tại một số vùng nông thôn, Phó Chủ tịch QH cho biết, tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang vẫn diễn ra, việc miễn thuế tràn lan có thể không tạo động lực sử dụng đất hiệu quả và gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Ông đề nghị nghiên cứu giải pháp miễn thuế có mục tiêu, ưu tiên đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, đồng thời có biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững theo Hiến pháp và Luật Đất đai. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính, với vai trò cơ quan tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để vừa tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất, vừa khắc phục tình trạng bỏ hoang đất.