Dự án Luật Nhà giáo: Xã hội đặc biệt quan tâm đến các chuẩn mực của nhà giáo

Cuối tuần qua, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Việc làm (sửa đổi); nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Nhà giáo, đồng thời thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật này.

Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). (Nguồn ảnh: quochoi.vn).

Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). (Nguồn ảnh: quochoi.vn).

Chính sách thu hút nhà giáo là cần thiết

Góp ý vào dự án Luật Nhà giáo, về cơ bản, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, chính sách thu hút nhà giáo là cần thiết. Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) chỉ rõ, nội dung tại Điều 29 còn chung chung, chưa có đột phá để tạo sức hấp dẫn, chưa đủ sức thuyết phục để thu hút người có trình độ cao, người có tài và người về công tác tại những vùng đặc biệt khó khăn khi chỉ được hưởng ưu tiên về tuyển dụng và chế độ phụ cấp, trợ cấp thu hút mà chưa rõ phụ cấp, trợ cấp thu hút ở mức độ nào hay chế độ lương, đãi ngộ được hưởng như thế nào?

“Nếu không có chính sách cụ thể, rõ ràng thì việc thu hút nhà giáo như mục tiêu, mong muốn của dự thảo Luật khi đề ra quy định này sẽ rất khó thực hiện”, ĐB Phạm Trọng Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng chưa làm rõ như thế nào gọi là người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt. Do đó, ĐB đề nghị quy định rõ về các đối tượng này để tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế.

Về các quy định cấm trong dự thảo Luật, ĐBQH Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) bày tỏ tán thành vì cho rằng, xã hội đặc biệt quan tâm đến các chuẩn mực của nhà giáo, từ đạo đức, phong cách cho đến quy tắc ứng xử… Do đó, cần phải nghiêm túc trong quá trình triển khai thực hiện nội dung này; đối với những giáo viên đã vượt ra khỏi ranh giới của đạo đức, của quy tắc ứng xử thì cần được xử lý thấu đáo và triệt để.

Cần làm rõ đối tượng ưu tiên vay vốn

Thảo luận về Luật Việc làm (sửa đổi), ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) cho biết, tại điểm a khoản 2 Điều 8 quy định: “… doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, liên hợp hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động…”. Theo quy định này thì hộ kinh doanh sử dụng bao nhiêu lao động sẽ được xem là nhiều lao động? Để tạo thuận lợi trong thực tiễn áp dụng, ĐB đề nghị lượng hóa quy định này.

Về chính sách cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 11, Điều 12 dự thảo), ĐB Bố Thị Xuân Linh rất đồng tình ủng hộ và đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã bổ sung quy định mới này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri cũng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ĐB thấy rằng, thực tế có một số trường hợp người lao động vay vốn tại các tổ chức tín dụng để đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Nhưng vì một số lý do khách quan, bất khả kháng như dịch bệnh, chiến tranh, người lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng và về nước trước thời hạn, dẫn đến khi về nước không có việc làm, không có thu nhập để trả nợ cho khoản vay trước đó.

Để giải quyết thực trạng trên, ĐB đề nghị bổ sung điều khoản quy định theo hướng: đối với trường hợp lao động buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động và về nước trước thời hạn thì cần có chính sách hỗ trợ như giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất… cho các khoản vay trước đó để đi lao động ở nước ngoài; hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong nước để có nguồn thu trả nợ.

Quan tâm tới đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Điều 8 dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân (Đoàn TP HCM) nêu vấn đề, cụm từ “các đối tượng ưu tiên vay vốn” được lặp lại nhiều lần nhưng lại chưa được làm rõ trong dự thảo Luật, chưa có quy định cụ thể đối tượng nào được ưu tiên. Do đó, cần xác định rõ các đối tượng ưu tiên vay vốn, có danh mục cụ thể nhằm thực hiện thống nhất.

Tại điểm b và điểm d khoản 1 Điều 64 dự thảo Luật quy định về trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân nhận thấy, quy định này chưa phù hợp với chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay. Quy định này cũng giới hạn, thu hẹp đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn so với Luật hiện hành. Do đó, ĐB đề nghị, cần tách biệt giữa trường hợp người lao động chịu hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức với việc người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Cũng vào cuối tuần qua, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định, QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, tố tụng và xét xử một số vụ án hình sự. Đa số các ĐBQH tán thành việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình tố tụng hình sự nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

T.Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/du-an-luat-nha-giao-xa-hoi-dac-biet-quan-tam-den-cac-chuan-muc-cua-nha-giao-post531486.html
Zalo