Dự án Khu du lịch sinh thái gần 300ha chậm tiến độ
Dự án khu du lịch sinh thái Thiên Đàng ở bãi biển Khe Hai, xã Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có diện tích hơn 286,2ha, được đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng và khởi công từ năm 2005, nhưng hiện nay bị bỏ hoang.

Một góc Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng. Ảnh: T.Thành.
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau hơn 18 năm được cấp phép, dự án Khu du lịch sinh thái (DLST) Thiên Đàng vẫn chưa hoàn thành và hiện nay bị bỏ hoang, nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp. Những công trình như nhà nghỉ với kiến trúc khang trang đã bị rêu phong bao phủ. Một phần đất của dự án này còn làm bãi tập kết đất đá với khối lượng lớn.
Người dân sinh sống ở khu vực này cho biết, khi họp dân, chủ dự án đã thông báo sẽ có nhiều công trình du lịch, điểm vui chơi, khách sạn 5 sao hướng ra bãi biển đẹp của địa phương, qua đó tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nói chung và miền Trung nói riêng. Tuy nhiên, dự án chỉ hoạt động vài năm rồi bỏ không, gây lãng phí quỹ đất và khiến người dân thất vọng.
Ông Nguyễn Hải Trường - Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các Khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi cho biết, Dự án Khu DLST Thiên Đàng được đơn vị cấp quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 1/1/2005 do Công ty TNHH Thiên Đàng làm chủ đầu tư, sau đổi thành Công ty CP Thiên Đàng và đến năm 2005 sáp nhập thành Công ty CP đầu tư phát triển Nam Quảng Nam. Dự án được giao đất vào các năm 2007 và 2008, với thời hạn 69 năm.
Theo quyết định 226/2004/QĐ-UB ngày 26/4/2004 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt chi tiết sử dụng đất Khu DLST Thiên Đàng có diện tích hơn 286,2ha. Tuy nhiên, nhà đầu tư triển khai dự án giai đoạn ban đầu trên diện tích hơn 106ha. Sau nhiều lần điều chỉnh, diện tích giai đoạn đầu giảm xuống còn hơn 104ha, gồm: Khu Thiên Đàng bốn mùa; khu Thiên Đàng mùa xuân; khu Thiên Đàng mùa hè; khu Thiên Đàng mùa thu và khu Thiên Đàng mùa đông. Theo Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, giai đoạn 1 của dự án đã triển khai với vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng và đã đưa vào khai thác Khu Thiên Đàng bốn mùa.
Giai đoạn 2 của dự án thực hiện vào năm 2007 nhưng vẫn còn dang dở. Do đó, dự án Khu DTSL Thiên Đàng tiếp tục được điều chỉnh thành 3 khu: Khu Thiên Đàng 1, 2, 3. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, chủ đầu tư dự án chỉ xây dựng một số công trình trên diện tích hơn 74ha, còn lại vẫn chưa triển khai gì thêm như cam kết. Nhà đầu tư cũng có 5 lần cam kết với tỉnh Quảng Ngãi đưa dự án vào sử dụng trong các năm 2012, 2014, 2015, 2017 và 2019. Dự án này cũng đã nhiều lần được điều chỉnh. Tổng vốn đầu tư tăng từ gần 200 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng. Thế nhưng vì nhiều lý do như bão lũ, dịch Covid-19 và nhiều nguyên nhân khác khiến dự án vẫn chưa hoàn thành.
Ông Đinh Văn Nhanh - Chánh văn phòng kiêm bảo vệ an ninh của Công ty CP Đầu tư phát triển Nam Quảng Nam cho biết: Hiện nay công ty đang tiến hành tái khởi động lại với quyết tâm hoàn thành dự án này. Thế nhưng còn có những khó khăn vướng mắc, trong đó có việc Công ty TNHH Lý Tuấn thuê mặt bằng tập kết đất đá về đây với khối lượng lớn và đã quá thời hạn thuê mặt bằng nhưng vật liệu ở đây chưa được chuyển đi.
Về bãi tập kết đất đá tại Khu DLST Thiên Đàng, bà Phạm Thị Minh Lý - Giám đốc Công ty TNHH Lý Tuấn cho biết: Điểm tập kết đất đá ở đây đã thuê của Công ty CP Đầu tư phát triển Nam Quảng Nam khoảng 5ha và được các ngành chức năng cho phép tập kết và vận chuyển đi nơi khác. “Tôi thừa nhận đến nay đã hết thời gian thuê mặt bằng, tuy nhiên, hiện nay chưa thể di chuyển hết được số lượng đất đá này đi nơi khác do chưa có nơi tiêu thụ” - bà Lý nói.
Ông Nguyễn Hải Trường - Phó Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi chia sẻ: Hiện nay Dự án khu DLST Thiên Đàng đang được chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị hợp tác sớm hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 và tiếp tục bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án. Hy vọng thời gian tới chủ đầu tư có kế hoạch triển khai cụ thể, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch biển Quảng Ngãi. Còn về bãi tập kết đất đá ở trong Khu DLST Thiên Đàng đơn vị không quản lý nhưng chủ đầu tư muốn có mặt bằng sạch để tái khởi động dự án đơn vị sẽ phối hợp với các ngành chức năng yêu cầu doanh nghiệp sớm hoàn trả lại mặt bằng.