Dự án 'khoác áo bê tông' cho núi Van Cà Vãi (Quảng Ngãi): Nên di dời 5 hộ dân hay chi hàng chục tỷ đồng chống sạt lở?
Núi Van Cà Vãi ở tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) liên tiếp sạt lở, đe dọa 5 ngôi nhà dân với 24 nhân khẩu dưới chân núi. Để chống sạt lở, UBND huyện đã chi cả chục tỷ đồng phủ bê tông cả quả đồi.
Chi gần 17 tỷ đồng để chống sạt lở ngọn núi
Khu dân cư Van Cà Vãi nằm dưới một ngọn đồi bát úp, có 5 hộ với tổng cộng 24 khẩu.
Mối nguy sạt lở tại đây được phát hiện từ 2013. Đầu 2021, núi Van Cà Vãi bị sạt lở, nên đến tháng 6/2021, chính quyền huyện đã đầu tư 3 tỷ đồng để thi công khẩn cấp chống sạt lở. Dự án thi công từ 19/6/2021 - 30/10/2022, do Phòng NN&PTNT huyện làm chủ đầu tư. Ngày 4/9/2023, công trình được UBND huyện phê duyệt quyết toán hoàn thành. Cuối 2023, Chủ tịch UBND huyện có quyết định bàn giao công trình thi công khẩn cấp chống sạt lở núi Van Cà Vãi cho UBND thị trấn Di Lăng quản lý.
Thế nhưng, tình trạng sạt lở vẫn diễn ra vào mùa mưa 2023, đe dọa cuộc sống của các hộ dân. Huyện tiếp tục đầu tư gần 14 tỷ đồng thi công khẩn cấp chống sạt lở từ nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 1,2 tỷ đồng; chi phí xây dựng gần 11 tỷ đồng.
Dự án khởi công ngày 15/7, dự kiến hoàn thành trước 31/10/2024. nhà thầu thi công là Liên danh Cty TNHH Thương mại Xây dựng Minh Quân - Cty TNHH Thành Nghĩa. Dự án được giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng & Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà (BQL) làm chủ đầu tư.
Theo UBND huyện, mục tiêu đầu tư dự án nhằm khắc phục tình trạng sạt lở gây nguy hiểm tại khu vực núi Van Cà Vãi. Đây là dự án thuộc nhóm C, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV. Theo đó, sẽ bạt mái taluy giảm tải phía trên đỉnh đồi; xây tường chắn rọ đá dưới chân; làm rãnh thu nước…
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang đã kiểm tra công trình chống sạt lở trên, tiến độ thi công chỉ đạt 23,28% khối lượng. Trong khi mùa mưa đã đến, nên tiến độ trên bị xem là chậm.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, việc chi gần 14 tỷ đồng để thực hiện dự án chống sạt lở cho khu dân cư chỉ gồm 5 hộ dân bằng phương pháp kè như trên là không hợp lý. Theo luồng quan điểm này, nếu tổ chức di dời 5 hộ dân đến định cư ở nơi an toàn sẽ đơn giản hơn nhiều so với việc thực hiện dự án như vậy.
Phó Chủ tịch UBND huyện nói “chưa dám khẳng định điều gì”
Lý giải về việc thi công kè chống sạt lở núi Van Cà Vãi, Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Anh Quang thông tin có nhiều nguyên nhân.
Theo đó, từ chủ trương của UBND tỉnh là tái định cư và xử lý chống sạt lở núi Van Cà Vãi, huyện lên phương án xử lý chống sạt lở và chọn vị trí tái định cư. Sau đó lãnh đạo huyện và thị trấn Di Lăng gặp dân, lấy ý kiến. Nhưng qua 8 - 10 lần xin ý kiến, người dân vẫn không thống nhất, không chịu di dời về nơi tái định cư, mà xác định ở lại, mùa mưa tự di chuyển, tự chịu trách nhiệm. Nguyên nhân, khi về ở nơi tái định cư chỉ có 100m2 đất, trong khi diện di dời do sạt lở thì không được đền bù về nhà, đất.
Ngoài ra, trên đỉnh đồi còn có trụ điện 110kV nằm trong bán kính xử lý sạt lở, nhưng chưa có biện pháp di dời. Mới đây, Cục Quản lý Đê điều & Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) về kiểm tra tại điểm sạt lở trên, nghe trình bày về giải pháp thiết kế, yêu cầu phải di dời trụ điện nói trên để gia cố sạt lở.
Qua nhiều cuộc họp, huyện báo cáo và được tỉnh cho chủ trương không thực hiện tái định cư, chỉ thực hiện gia cố chống sạt lở núi Van Cà Vãi. Nhưng do địa hình, địa chất nơi đây phức tạp, các đơn vị tư vấn thiết kế không tham gia. Sau đó, địa phương nhờ một giảng viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đi kiểm tra lại hiện trường, xem thiết kế, tìm hiểu về địa hình, địa chất núi Van Cà Vãi, phát hiện các vị trí đất yếu, đất cứng không đồng nhất… Đến khi bắt đầu thi công, phải thay đổi toàn bộ thiết kế, từ tái định cư kết hợp chống sạt lở, chuyển sang gia cố mạnh, chống sạt lở. Công tác tư vấn kéo dài, mất thời gian. Nhiều khó khăn dẫn đến chậm trễ thi công dự án.
Về việc vì sao phải “cạo trọc” sườn núi Van Cà Vãi để thi công gia cố chống sạt lở núi, ông Quang thông tin, mục tiêu chính của dự án là an toàn cho các hộ dân sau khi thi công. Vì vậy, phương án kỹ thuật phải “giật cơ” thành 9 cấp, bóc hết lớp đất đá yếu với khoảng 40.000m3 cho đến khi xuất hiện lớp đất sỏi đá bên trong, cùng biện pháp kỹ thuật chống thấm nước để không xói lở. Theo đó, trên các mặt cơ (như mặt tam cấp) sẽ bê tông chống thấm nước dày 15cm.
Theo thống kê, đến nay dự án đạt gần 25%, nhưng phần gia cố chống sạt lở núi Van Cà Vãi đạt hơn 80%. Trả lời câu hỏi liệu người dân đã an toàn, an tâm sau khi dự án được gia cố, khắc phục sạt lở, ông Quang cho rằng, việc khắc phục sạt lở núi là phương án tối ưu, “nhưng do địa hình, địa chất phức tạp nên chưa dám khẳng định điều gì và đó vẫn là điều lo âu của địa phương”.