Dự án đường ven biển 2.000 tỷ ngổn ngang vì vướng mặt bằng

Tiến độ dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh chậm trễ, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu chủ đầu tư, các cơ quan liên quan vào cuộc tháo gỡ.

Mặt bằng xôi đỗ

Ghi nhận thực tế tại dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2b, giai đoạn 2a thành phần 1 cho thấy, dọc theo tuyến là hình ảnh công trình thi công dang dở, mặt bằng vướng mắc.

Cầu Châu Me Đông thi công cầm chừng do vướng mặt bằng.

Cầu Châu Me Đông thi công cầm chừng do vướng mặt bằng.

Tại dự án thuộc giai đoạn 2b từ huyện Bình Sơn đến TP Quảng Ngãi và một phần đoạn qua địa bàn huyện Mộ Đức cho thấy một số hạng mục chính như cầu Quang Mỹ đã thi công hoàn thiện đưa vào khai thác, song những vị trí khác như cầu Châu Me Đông và hai đầu cầu nối vào QL24B vẫn trong tình trạng đường chờ mặt bằng.

Trong số các địa phương, vướng mắc lớn nhất nằm trên địa bàn huyện Bình Sơn. Tính đến nay, sau hơn 2 năm huyện Bình Sơn mới hoàn thành công tác bồi thường cho 64/94 hộ dân với tổng diện tích quy hoạch 1,12/3,38 ha.

Tại cầu Châu Me Đông, hiện mặt bằng mới bàn giao cho nhà thầu thi công phạm vi từ mố M1 đến trụ T5 và trụ T8 đến mố M2. Riêng các trụ T6 và T7 còn vướng.

Được biết, cầu Châu Me Đông có chiều dài hơn 300m bắc qua sông Châu Me Đông (xã Bình Châu), đây là một trong số những hạng mục lớn của dự án.

Hạng mục lớn nhất hoàn thành của dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2b là cầu Quang Mỹ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2023.

Hạng mục lớn nhất hoàn thành của dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2b là cầu Quang Mỹ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2023.

Trong khi đó, đoạn qua địa bàn TP Quảng Ngãi và Mộ Đức cũng trong tình trạng mặt bằng "xôi đỗ" khi nhiều đoạn tuyến bị đứt quãng, nhà thầu thi công không liên tục do vướng mặt bằng. Đến nay, tuyến chính qua hai địa phương vẫn còn khoảng 30% mặt bằng chưa được bàn giao.

Được biết, dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2b có chiều dài khoảng 10km, tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng, thời gian thi công giai đoạn 2022-2024.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, vướng mắc lớn nhất về mặt bằng là các địa phương chưa ban hành xong bảng giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Người dân chưa thống nhất nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng vì không đồng ý phương án bồi thường được duyệt khi chỉ bồi thường đất muối, không bồi thường khối lượng đào đắp hồ tôm (người dân chuyển đổi canh tác từ đất quy hoạch làm muối sang nuôi tôm - PV).

Ngoài ra, tại nhiều vị trí người dân không thống nhất với đơn giá bồi thường, nhiều doanh nghiệp trước đây được giao đất cho thuê đất và nhà nước thu hồi, nhưng chưa tháo dọn công trình trên đất để bàn giao mặt bằng…

Vướng mặt bằng tại xã Đức Minh, huyện Mộ Đức (dự án giai đoạn 2b) khiến cho công tác thi công đứt quãng.

Vướng mặt bằng tại xã Đức Minh, huyện Mộ Đức (dự án giai đoạn 2b) khiến cho công tác thi công đứt quãng.

Tại khu vực nuôi trồng thủy sản do Công ty Cổ phần đầu tư nuôi trồng HSCB thuộc địa bàn xã Đức Minh cho thấy, một đoạn tuyến dài khoảng 800m nhà thầu thi công hoàn thiện nền đường, thảm bê tông nhựa, song đoạn tuyến qua khu vực hồ tôm của doanh nghiệp này không thể thông tuyến do mặt bằng bị vướng dù trước đó vào năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hồi đất giao cho dự án.

Tương tự, tại giai đoạn 2a thành phần 1, mặt bằng cũng không liên tục dẫn đến tiến độ xây lắp dự án không đạt như mục tiêu đề ra.

Hiện nay, giá trị xây lắp hạng mục thi công cơ bản hoàn thành lớn nhất trên tuyến là cầu Cửa Lở bắc qua sông Vệ nối hai huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức khi nhà thầu hoàn thành phần cầu, song mố cầu hai bên đầu cầu vẫn dang dở. Cầu Cửa Lở có chiều dài hơn 436m, vốn đầu tư hơn 726 tỷ đồng.

Đi dọc theo tuyến có chiều dài hơn 13km là những vị trí thi công đứt quãng, mặt bằng liên tục bị vướng nhà dân chưa giải tỏa. Thực tế, tại đoạn phía nam cầu Cửa Lở (xã Đức Lợi) là hàng loạt vị trí vướng mắc. Nhà thầu bất lực không thể tiếp tục triển khai máy móc, nhân lực bám công trường được do không thể mở rộng công địa.

Cầu Cửa Lở thi công xong phần cầu, nhưng chưa thể thông tuyến giữa hai bờ sông Vệ do chưa thi công mố cấu.

Cầu Cửa Lở thi công xong phần cầu, nhưng chưa thể thông tuyến giữa hai bờ sông Vệ do chưa thi công mố cấu.

Tại đoạn tuyến qua xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi do mặt bằng không liên tục nên nhà thầu thi công từng đoạn diểm ngắn, khi hoàn thành thì rút đi. Cả công trường dự án nham nhở khi chỗ thi công xong lớp nhựa mặt đường, chỗ vẫn là nhà dân án ngữ.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, đến nay dự án này đã bàn giao mặt bằng khoảng 80%, song phần mặt bằng còn lại chủ yếu là đất ở và nhà nên thuộc diện xương xẩu. Cụ thể, còn 18 hộ chưa nhận tiền bồi thường; 207 hộ/ 2,88ha chưa hoàn thành công tác lập phương án, trong đó có 151 hộ dự kiến được bố trí tái định cư.

Được biết, dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn 2a thành phần 1 có tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện giai đoạn 2019-2024.

Bí thư Quảng Ngãi: Không được để chậm trễ tiến độ dự án

Do mặt bằng "xôi đỗ" và một số nguyên nhân khách quan khác đã tác động lớn đến tiến độ xây lắp chung của cả hai dự án. Đồng thời, tạo điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư đã bố trí.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ từng nút thắt, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ từng nút thắt, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tại giai đoạn 2b, đến nay tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí khoảng 800 tỷ đồng, nhưng giải ngân khoảng trên dưới 550 tỷ đồng. Riêng năm 2024, dự án được bố trí kế hoạch vốn là 290 tỷ đồng đến nay công tác giải ngân chưa đến 7 tỷ đồng.

Cũng trong tình cảnh tiền có nhưng giải ngân thấp nên đến nay giai đoạn 2a thành phần 1 dù tổng nguồn vốn bố trí cho dự án hơn 900 tỷ đồng. Riêng, năm 2024 dự án được bố trí 204 tỷ đồng, song sau 5 tháng mới giải ngân hơn 15 tỷ đồng.

Trước thực tế tiến độ cả hai dự án chậm trễ, vướng mắc mặt bằng nên vừa qua chủ đầu tư kiến nghị đến UBND tỉnh xin giãn tiến độ thực hiện hoàn thành công trình sang năm 2025.

Để gỡ nút thắt mặt bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết, sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc về giá đất. Cụ thể, sẽ yêu cầu các địa phương và đơn vị liên quan xây dựng bảng giá đất cụ thể để làm chủ trương trong thực hiện bồi thường.

Tại buổi làm việc của Ban thường vụ tỉnh ủy với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 29/5, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu chủ đầu tư, các địa phương cùng cơ quan liên quan phải tập trung trong công tác bồi thường, GPMB. Nỗ lực thông mặt bằng toàn tuyến từ huyện Bình Sơn đến huyện Mộ Đức.

Hiện tại, dự án vướng mặt bằng lớn, nên đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, tháo gỡ.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu tập trung giải phóng mặt bằng, thi công dự án.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu tập trung giải phóng mặt bằng, thi công dự án.

"Dự án này thi công hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ sẽ tạo tuyến giao thông rất đẹp và tạo lợi thế lớn trong phát triển kinh tế. Do đó, chủ đầu tư và các bên liên quan phải nỗ lực hơn nữa, yêu cầu đặt ra là không được chậm trễ ở tất cả các khâu để đảm bảo về mặt tiến độ dự án so với chủ trương được duyệt.

Từ đó, đảm bảo giải ngân vốn được giao, vì cả hai dự án này không thiếu vốn", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định.

Lê Đức

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/du-an-duong-ven-bien-2000-ty-ngon-ngang-vi-vuong-mat-bang-19224061018133115.htm
Zalo