Dự án đường vành đai 3 TP.HCM chậm vì thiếu cát và mặt bằng

Trong dự thảo báo cáo Quốc hội, Bộ GTVT cho biết dự án đường vành đai 3 TP.HCM vẫn chậm vì thiếu cát và mặt bằng.

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo báo cáo Quốc hội về tiến độ đường vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, bộ này khẳng định công tác giải phóng mặt bằng và thiếu vật liệu xây dựng vẫn là điểm nghẽn của dự án.

Vào cuộc sớm nhưng vẫn chưa xong mặt bằng

Theo Bộ GTVT, ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM, các địa phương khẩn trương thực hiện bước giải phóng 611 ha mặt bằng dự án.

Tuy nhiên, hiện nay các tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Long An vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng như yêu cầu của Chính phủ, đáng chú ý là Đồng Nai mới bàn giao được 80% diện tích mặt bằng.

Về các khu tái định cư, TP.HCM và Bình Dương hiện có sẵn 18 khu tái định cư đủ điều kiện bố trí các hộ dân vào ở. Còn Đồng Nai và Long An vẫn đang tiến hành xây dựng 3 khu tái định cư.

 Dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: H.GIANG

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: H.GIANG

Đối với công tác xây dựng, hiện tất cả các gói thầu của dự án đường vành đai 3 TP.HCM đã khởi công. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn cung cấp cát đắp nền đường nên sản lượng thi công đến nay mới đạt khoảng 16% giá trị hợp đồng (4.081 tỉ đồng). Trong đó, khối lượng hoàn thành chủ yếu thuộc các hạng mục kết cấu.

Theo Bộ GTVT, thực tế dự án vành đai 3 TP.HCM cần khoảng 1,9 triệu m3 đất đắp; hơn 9 triệu m3 cát đắp nền đường; cát xây dựng cần khoảng 0,9 triệu m3; đá xây dựng các loại khoảng 4,3 triệu m3.

Chính quyền TP.HCM với vai trò tổng thể đã thành lập tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án; các đơn vị đã phối hợp tổ chức khảo sát thực tế tại các địa phương. Kết quả khảo sát đến nay nhu cầu vật liệu đá, cát xây dựng đủ cung cấp cho dự án, còn cát đắp nền đường gặp khó khăn.

Để bảo đảm nguồn cung cấp cát, Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre thực hiện các thủ tục cấp phép 16 mỏ cát san lấp trên địa bàn với tổng khối lượng khoảng 10 triệu m3 cung cấp cho dự án. Đến nay, các địa phương đã cấp phép 1/16 mỏ, những mỏ còn lại sẽ hoàn thành thủ tục và cấp cát cho dự án trong năm 2024.

“Thêm vào đó, các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong tìm kiếm các nguồn cát đắp khác và huy động về công trường…” - Bộ GTVT cho hay.

Có đất nhưng thủ tục triển khai chậm

Đối với vật liệu đất đắp, Bộ GTVT cho biết các dự án thành phần trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương và Long An cơ bản đáp ứng nhu cầu dự án. Riêng địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gặp khó khăn do chưa hoàn thành thủ tục pháp lý các mỏ trên địa bàn để khai thác.

Với những khó khăn trên, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, thường xuyên giám sát tình hình thực hiện dự án. Có ý kiến với đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua và các tỉnh có nguồn vật liệu cát đắp, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội có ý kiến với UBND các tỉnh, thành tập trung giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là nguồn cung cấp vật liệu xây dựng nhằm đáp ứng tiến độ thi công các dự án thành phần.

Thêm vào đó, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu; tăng cường công tác phòng ngừa vi phạm, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực.

Rút ngắn thời gian khởi công dự án gần 2 năm

Theo Bộ GTVT, dự án đường vành đai 3 TP.HCM được Quốc hội cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù. Vì vậy, thời gian thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư từ rút ngắn 1,5 -2 năm so với các dự án đường bộ cao tốc trước đây.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/du-an-duong-vanh-dai-3-tphcm-cham-vi-thieu-cat-va-mat-bang-post812573.html
Zalo