Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo sẽ điều kiện cho đất nước phát triển

'Nếu làm được đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam này với vốn đầu tư khái toán là khoảng 67 tỷ USD, đất nước chúng ta sẽ có điều kiện phát triển', Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.

Ngay sau khi kết thúc ngày làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, chiều tối nay, 6/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; Cho ý kiến về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94 của Quốc hội.

Sẽ trình Quốc hội Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại kỳ họp thứ 8

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tóm tắt tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Tiến độ thực hiện dự án, dự kiến hoàn thành công tác lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế năm 2025-2026; triển khai GPMB, khởi công dự án năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

"Nếu làm được đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam này với vốn đầu tư khái toán là khoảng 67 tỷ USD, đất nước chúng ta sẽ có điều kiện phát triển. Không phải là làm ngay liền mà hoàn thành giai đoạn 2025, năm 2035. Nếu rút ngắn sớm hơn nữa thì càng tốt. Hiện nay nước ngoài có những dự án lớn gấp mấy lần dự án này mà người ta triển khai thi công trong thời gian chưa tới 3 năm. Đối với mình thì tôi nghĩ rằng, cải cách hành chính thì cũng là chính mình, thủ tục hành chính cũng chính mình đặt ra. Vậy phải làm như thế nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra cũng như báo cáo giải trình của Chính phủ, kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường bộ thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa có tiền lệ thực hiện đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và đây cũng là dự án tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế -xã hội đến tài chính, ngân sách nợ công trong điều kiện Việt Nam chưa có công nghệ, chưa có nguồn nhân lực, chưa chủ động được về nguồn vốn so với thực trạng ngân sách như hiện nay thì vốn đầu tư dự án trễ chủ yếu từ nguồn vốn vay.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát để tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm hiệu quả, bổ sung thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ, đánh giá thêm về diện tích trồng lúa, diện tích rừng phải chuyển đổi và các giải pháp để đảm bảo các chỉ tiêu về đất trồng lúa, tỷ lệ che phủ rừng, cấp thẩm quyền đã quyết định; đánh giá tác động của dự án đến môi trường nghiên cứu thêm về việc bố trí số lượng ga, đánh giá kỹ tác động yếu tố tác động đến tiến độ thực hiện dự án để có giải pháp phấn đấu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành toàn tuyến; lưu ý việc thu hồi đất đền bù, hỗ trợ, tái định cư; việc lựa chọn nhà đầu tư, việc áp đáp ứng công nghệ nhân lực, vật liệu, nhu cầu điện trong quá trình xây dựng và triển khai khai thác dự án.

Về nguồn vốn thực hiện dự án tổng vốn đầu tư cho dự án đặc biệt lớn, kể cả về chi phí xây dựng mà chi phí vận hành khai thác. Do đó, để đảm bảo khả thi, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia cần đánh giá kỹ lưỡng hơn, đặt trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cấp thiết, cấp bách trên lĩnh vực giao thông vận, tải năng lượng để có giải pháp kiểm soát rủi ro, đặc biệt là tránh rủi ro do không hoàn thành đưa vào sử dụng do thiếu vốn, rủi do mất cân đối ngân sách trong trung hạn khi các khoản nợ đến hạn trả và trả lại lớn; rủi ro phụ thuộc quá lớn vào nợ vay nước ngoài, ảnh hưởng đến sự chủ động về tài chính, ngân sách của quốc gia.

Ủy ban Thường vụ thống nhất cần có những chính sách vượt trội đặc biệt để thực hiện dự án. Tuy nhiên, để đảm bảo khả thi và tăng tính thuyết phục, đề nghị Chính phủ rà soát lại 19 chính sách thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, chỉ đưa vào Nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết tác động tiêu cực, ít đảm bảo được cơ chế phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, đơn vị, cơ chế kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát lãng phí, tiêu cực, lưu ý đến các chính sách, cơ quan thẩm tra, đề nghị không nên quy định chỉnh sửa hoặc đánh giá kỹ tác động khi quy định.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được cử tri, nhân dân rất mong đợi

Về dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94 của Quốc hội. Theo tờ trình của Chính phủ, sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo lập trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1, triển khai thiết kế đấu thầu thi công hoàn thành, dự kiến đưa vào khai thác năm 2025.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp 1 số khó khăn bao gồm cả chủ quan và khách quan, dẫn tới phải điều chỉnh thời gian hoàn thành của Dự án giai đoạn 1. Nguyên nhân trước hết là do thời gian thi tuyển kiến trúc chuẩn bị, khi lập chủ trương đầu tư và làm báo cáo tiền khả thi, luật có thay đổi nên phải thi tuyển kiến trúc. Bên cạnh đó là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm chậm tiến độ, đặc biệt là trong việc huy động chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam. Do đó Chính phủ trình UBTV xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Thẩm tra nội dung điều chỉnh Về quy mô đầu tư giai đoạn 1, Thường trực UBKT cho rằng, chi phí đầu tư đường cất hạ cánh số 3 khoảng 3.304 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn tiết kiệm sau đấu thầu và dự phòng, tuy nhiên chi phí dự phòng được sử dụng cho khối lượng, công việc phát sinh và trượt giá của Dự án đang trong quá trình thực hiện, do đó việc sử dụng chi phí này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Dự án, vì vậy đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ.

Về thời gian thực hiện giai đoạn 1, Thường trực UBKT đề nghị làm rõ nguyên nhân do chậm tiến độ Dự án nên mới đề xuất bổ sung đầu tư đường cất hạ cánh số 3; đề nghị làm rõ trách nhiệm và rút bài học kinh nghiệm để khắc phục trong thời gian tới cũng như trong tổ chức thực hiện các dự án quan trọng quốc gia khác.

Về trình tự, thủ tục Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, tại bước chủ trương đầu tư Dự án, do Dự án có quy mô rất lớn, tính chất phức tạp, lần đầu tiên thực hiện, chưa xác định được phương án đầu tư phù hợp, do đó để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn Chính phủ nỗ lực về đích sớm trước 6 tháng kế hoạch giai đoạn 1, bởi đây là dự án được cử tri, nhân dân rất mong đợi. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải với các đơn vị đã hoàn thành thủ tục để trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời đề nghị Chính phủ cần sớm hoàn thiện hố sơ gửi các ĐBQH nghiên cứu trước khi cho ý kiến thông qua theo đúng quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Kết luận nôi dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành tại kỳ họp thứ 8; đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, lưu ý làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ giai đoạn 1 của dự án, việc phải điều chỉnh đường cất hạ cánh số 3 từ giai đoạn 3 sang giai đoạn 1.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đảm bảo chất lượng của dự án, đảm bảo nguồn vốn thực hiện như đề xuất, không để phát sinh dẫn đến phải thực hiện thủ tục điều chỉnh ảnh hưởng đến tiến độ; tiếp tục có giải pháp để ổn định đời sống sinh kế việc làm cho người dân có đất bị thu hồi cũng như trong vùng ảnh hưởng của dự án; tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung khác trong Nghị quyết của Quốc hội về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Lê Tuyết/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-tao-se-dieu-kien-cho-dat-nuoc-phat-trien-post1133672.vov
Zalo