Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 2,5 (đoạn từ đầm Hồng đến quốc lộ 1A): Nhiều 'nút thắt' cần sớm tháo gỡ

Đã hơn 10 năm kể từ ngày khởi công, đến nay, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 quận Hoàng Mai thực hiện theo Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) mới hoàn thành 95% khối lượng.

Đáng nói, đến thời điểm này, nhà đầu tư vẫn chưa được UBND thành phố Hà Nội cho phép triển khai dự án đối ứng để thu hồi vốn theo hợp đồng, dù dự án đã cắm mốc tại thực địa, cơ bản hoàn thành thủ tục đầu tư... Đây là “nút thắt” khó khăn khiến dự án BT chậm tiến độ.

10 năm vẫn… dở dang!

Tìm hiểu được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường 2,5 (đoạn từ đầm Hồng đến quốc lộ 1A) quận Hoàng Mai được thực hiện dựa trên các điều khoản ký kết tại Hợp đồng BT số 01/2014/HĐBT (tháng 1-2014) và Phụ lục hợp đồng ký năm 2017 giữa bên A - UBND thành phố Hà Nội với bên B - liên danh Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (gọi là nhà đầu tư).

Dù vẫn dở dang, Dự án đầu tư xây dựng đường 2,5 quận Hoàng Mai đã được đưa vào sử dụng và bị chiếm dụng để đỗ xe, gây mất mỹ qua đô thị. Ảnh: Đỗ Ngọc

Dù vẫn dở dang, Dự án đầu tư xây dựng đường 2,5 quận Hoàng Mai đã được đưa vào sử dụng và bị chiếm dụng để đỗ xe, gây mất mỹ qua đô thị. Ảnh: Đỗ Ngọc

Theo hợp đồng, nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường 2,5 quận Hoàng Mai (Dự án BT), dài 2.061m, tổng mức đầu tư là 1.317 tỷ đồng.

Phía UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm giao cho nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh dự án khác (dự án đối ứng) - Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công (quận Hoàng Mai). Việc thanh toán được thực hiện thông qua nguyên tắc bù trừ giữa giá trị Dự án BT và Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công.

Ngày 19-3-2014, Dự án BT được khởi công trong niềm phấn khởi của đông đảo người dân sống trong khu vực. Tuy nhiên, đã 10 năm trôi qua, dự án vẫn dang dở.

Nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, người dân có đơn thư khiếu kiện. Ngoài ra, việc xác minh nguồn gốc đất gặp khó khăn do tình trạng mua bán, chuyển nhượng qua nhiều chủ; dự án phải điều chỉnh thiết kế để phù hợp quy hoạch… cũng là nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ. Được biết, dự án đã được gia hạn thi công đến ngày 30-6-2018, nhưng đến nay vẫn… dở dang.

Ngày 17-9, thực tế của phóng viên Báo Hànôịmới tại Dự án đường 2,5 quận Hoàng Mai cho thấy, dù các đoạn đường thuộc dự án chưa hoàn thành nhưng đã được người dân sử dụng lưu thông từ nhiều năm nay. Đi dọc công trình, có nhiều máy móc, thiết bị... của nhà đầu tư dự án vẫn đang “đắp chiếu”. Một số đoạn vẫn quây tôn, hoặc bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe ô tô, bãi tập kết rác thải khiến tuyến đường thuộc dự án trở nên nhếch nhác.

Nhiều phương tiện, máy móc của nhà đầu tư "đắp chiếu" im lìm... chờ ngày được thi công trở lại. Ảnh: Đỗ Ngọc

Nhiều phương tiện, máy móc của nhà đầu tư "đắp chiếu" im lìm... chờ ngày được thi công trở lại. Ảnh: Đỗ Ngọc

Bà Phùng Thị Ngà sống ở Khu đô thị mới Định Công (quận Hoàng Mai) giáp dự án cho biết: Dự án chậm tiến độ nhiều năm, trong khi dân số khu vực này đông khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Bà mong dự án sớm hoàn thành, góp phần giảm ùn tắc trong khu vực.

Mong dự án sớm hoàn thành

Nói về tiến độ triển khai Dự án BT, đại diện liên danh nhà đầu tư - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà Hoàng Xuân Biên cho biết: “Từ năm 2014 đến năm 2019, nhà đầu tư đã triển khai thi công ở tất cả các vị trí đủ điều kiện thi công. Tính đến cuối năm 2019, dự án đã thực hiện được khoảng 95% khối lượng, tổng số tiền đã giải ngân trên 573,516 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu là 171,868 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động). Các hạng mục còn lại của dự án chưa thi công do vướng mặt bằng. Từ đầu năm 2020 đến nay, dự án phải dừng thi công”.

Được biết, để giải quyết dứt điểm tồn tại trong giải phóng mặt bằng và đơn thư liên quan đến Dự án BT kể trên, những năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành thành phố phối hợp UBND quận Hoàng Mai, nhà đầu tư tập trung tháo gỡ. Sau nhiều nỗ lực, đến tháng 2-2024, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành.

Một phần diện tích thuộc dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chưa bàn giao để nhà đầu tư triển khai thi công, hoàn thành dự án. Ảnh: Đỗ Ngọc

Một phần diện tích thuộc dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chưa bàn giao để nhà đầu tư triển khai thi công, hoàn thành dự án. Ảnh: Đỗ Ngọc

Lý giải vì sao mặt bằng đã giải phóng xong mà dự án vẫn “án binh bất động”, ông Hoàng Xuân Biên thông tin: Đến nay, quận Hoàng Mai chưa bàn giao nốt diện tích còn lại thuộc dự án để nhà đầu tư thi công, hoàn thành. Mặt khác, UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa xem xét, gia hạn thời gian thực hiện Hợp đồng BT nên nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai dự án.

“Nếu UBND thành phố Hà Nội sớm gia hạn Hợp đồng BT và bàn giao nốt diện tích còn lại, chúng tôi sẽ tập trung nhân lực, phương tiện, máy móc hiện có để tổ chức thi công, phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025, nhằm đấu nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với các tuyến đường trong khu vực, góp phần giảm ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố”, ông Biên cam kết.

Cũng theo đại diện nhà đầu tư, đến nay, Dự án BT đã hoàn thành 95% khối lượng, trên 573,516 tỷ đồng đã được giải ngân nhưng nhà đầu tư vẫn chưa được thành phố giao dự án đối ứng - Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công để triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo hợp đồng đã ký, gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư trong việc huy động vốn.

Trong khi đó, từ ngày 3-1-2014, trong Văn bản số 04/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Dự án xây dựng đường 2,5 quận Hoàng Mai theo hình thức Hợp đồng BT, Thủ tướng đã đồng ý việc UBND thành phố Hà Nội giao dự án khác (là dự án do nhà đầu tư thỏa thuận trong Hợp đồng BT) để nhà đầu tư thực hiện đồng thời với Dự án xây dựng đường 2,5 quận Hoàng Mai theo hình thức Hợp đồng BT. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, UBND thành phố đã có Văn bản số 403/UBND-QHXDGT ngày 20-1-2014 về việc triển khai dự án khác để hoàn vốn Dự án BT, đồng ý giao dự án khác để nhà đầu tư thực hiện đồng thời với Dự án BT.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi được UBND thành phố đồng ý giao dự án đối ứng - Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công, nhà đầu tư đã triển khai các bước theo quy định. Ngày 26-11-2018, UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Khu đô thị mới Đại Kim - Định Công, tỷ lệ 1/500. Năm 2020, nhà đầu tư đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức công bố quy hoạch theo quy định; phối hợp tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ hồ sơ cắm mốc giới; cắm mốc giới và bàn giao 3.418 mốc giới trên thực địa theo đồ án…

Dù đến nay cấp có thẩm quyền chưa cho phép đầu tư nhưng từ thực tế trên có thể khẳng định, liên danh Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công.

Liên quan đến thông tin phản ánh, nhà đầu tư Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng góp vốn hợp tác đầu tư, ông Hoàng Xuân Biên khẳng định: “Nhà đầu tư không lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng như phản ánh. Việc huy động vốn để đầu tư xây dựng dự án được thực hiện theo đúng Hợp đồng BT đã ký kết. Liên quan đến thư phản ánh, năm 2023, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an thành phố Hà Nội) đã điều tra, xác minh và có văn bản trả lời, quan hệ hợp tác đầu tư giữa các đối tác với đại diện nhà đầu tư - Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà là quan hệ dân sự. Trong quá trình triển khai, khi phát sinh vướng mắc có thể bàn bạc, trao đổi; nếu không thống nhất có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền”.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án theo Hợp đồng BT, đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng đường 2,5 quận Hoàng Mai, rất mong UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận Hoàng Mai khẩn trương vào cuộc giải quyết những tồn tại, vướng mắc hiện hữu. Có như vậy mới bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư, góp phần ổn định tình hình địa phương, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu kiện kéo dài.

Đỗ Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/du-an-dau-tu-xay-dung-vanh-dai-2-5-doan-tu-dam-hong-den-quoc-lo-1a-nhieu-nut-that-can-som-thao-go-679062.html
Zalo