Dự án Đại học Quốc gia TP.HCM nỗ lực hoàn thiện hạ tầng, giải phóng mặt bằng
Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM đang thay đổi từng ngày cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các đơn vị thi công.
Thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG) được TP Thủ Đức và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) phối hợp thực hiện một cách quyết liệt. Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Công tác giải phóng mặt bằng được nỗ lực triển khai
Nỗ lực hoàn thiện hạ tầng
Ghi nhận của PLO vào ngày 23-5, tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM) và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), hàng loạt công trình nhà ở, hàng quán và dãy trọ từng tồn tại xung quanh khu vực chợ Nhân Văn - gần Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - đã được giải tỏa.
Nhiều máy móc, thiết bị được tập kết tại hiện trường để phá dỡ các kết cấu tường gạch, bê tông, từng bước trả lại mặt bằng cho dự án theo quy hoạch tổng thể.

Nhiều mặt bằng được hoàn trả tại khu Đại học Quốc gia.

Công nhân tất bật thi công.

Nhiều bảng thông báo được dựng lên.
Song song với công tác giải phóng mặt bằng, khu đô thị cũng đang đẩy mạnh việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Trong đó, nổi bật là việc thi công các tuyến đường huyết mạch như đường Isaac Newton, đường Quảng Trường Sáng Tạo, đường Galileo Galile, đại lộ Đại học - góp phần kết nối đồng bộ giữa các phân khu chức năng trong khu đô thị đại học theo thiết kế hiện đại bậc nhất cả nước.

Nhiều tuyến đường mới trong khu Đại học Quốc gia thành hình.

Chia sẻ về sự thay đổi này, chị Trần Thị Yến – sinh viên năm 3 Trường Đại học KHXH&NV – bày tỏ sự hào hứng: “Thấy khu đô thị mỗi ngày một đổi mới, tôi rất vui và hy vọng nơi đây sẽ tạo nên một môi trường học tập hiện đại, tiện nghi hàng đầu cho sinh viên”.
Năm 2030 sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng toàn dự án
Đại học Quốc gia TP.HCM là một trong những dự án trọng điểm quốc gia nhằm phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng cao và hội nhập quốc tế.
Tổng diện tích quy hoạch của dự án là 643,7 ha, trải dài trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Bình Dương, trong đó phần diện tích thuộc TP Thủ Đức khoảng 121,7 ha, tỉnh Bình Dương 522 ha.

Các khu vực chờ giải tỏa.

Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng, từ đó có điều kiện để phát triển không gian hiện đại, đồng bộ theo hướng thân thiện với môi trường.
Cụ thể, phát triển các dự án về khu công viên - cây xanh - mặt nước, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, xây dựng hoàn chỉnh đường sá trên cơ sở ưu tiên các tuyến cửa ngõ chính kết nối với giao thông chung của TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Đồng thời, xây dựng và đưa vào sử dụng các cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Còn theo Ban Bồi thường, tính đến nay, công tác đo đạc, kiểm đếm và xác minh pháp lý phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và quản lý đất đai tại các phường Linh Trung, Linh Xuân đã cơ bản hoàn tất. Trong đó, có 434/1464 hồ sơ được phê duyệt phương án bồi thường, 381 trường hợp đã bàn giao mặt bằng với diện tích 41,65 ha trên tổng số 69,09 ha, đạt tỉ lệ 60,2%.

TP Thủ Đức đang nỗ lực giải phóng mặt bằng còn lại. Ảnh: Nguyễn Tiến
“Dự án Đại học Quốc gia TP.HCM được triển khai với mục tiêu xây dựng một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trọng điểm quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam và cả nước.
Trong quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, phần lớn người dân đã hợp tác tích cực, song vẫn còn một bộ phận nhỏ chưa đồng thuận với phương án bồi thường, gây khó khăn cho dự án, ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được triển khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân” - đại diện Ban Bồi thường thông tin.
Dự án Đại học Quốc gia TP.HCM có tổng diện tích 643,7ha thuộc địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM) và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), được xây dựng theo mô hình đô thị đại học hiện đại.
Trong đó bao gồm các khu trung tâm điều hành, trung tâm dịch vụ công cộng, các trường đại học thành viên, các viện và trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm giáo dục quốc phòng, trung tâm thể dục thể thao, ký túc xá, nhà công vụ, công viên khoa học...
Trước đó, ngày 21-3, gói thầu dự án Phát triển các Đại học Quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án Đại học Quốc gia TP.HCM đã chính thức được khởi công. Đây là công trình có quy mô tương đối lớn được khởi công sau nhiều năm không có công trình xây dựng mới nào do vướng các thủ tục pháp lý. Dự kiến thời gian hoàn thành là tháng 12-2025.
Quy mô Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và Đổi mới sáng tạo dự kiến khi hình thành. Ảnh:ĐHQG
Hồi cuối năm 2024, ĐHQG TP.HCM cũng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến và Đổi mới sáng tạo.
Theo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức, những năm qua, nhiều hạng mục dự án quan trọng trong khu đô thị ĐHQG đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như Khu Công nghệ phần mềm tại phường Linh Trung; dự án Thư viện - Nhà làm việc của Đại học Quốc gia đến nay có 15,1671 ha (tương đương 93,6%) đã được bàn giao.