Dự án cầu Đại Ngãi nâng cao năng lực vận tải các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL

Dự kiến trong tháng 10/2023, Dự án cầu Đại Ngãi kết nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng sẽ khởi công. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của khu vực.

Khi dự án hoàn thành, sẽ nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, góp phần nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với nhau và với TP Hồ Chí Minh, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải, mở rộng giao thương hàng hóa và bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1A.

Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng được bao quanh bởi sông Hậu, vì vậy, lâu nay, để đi tới các địa phương lân cận bà con phải qua phà, mất khá nhiều thời gian. Đặc biệt, thế cô lập này đã kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội, tiềm năng, lợi thế của địa phương chưa được khai thác đúng như kỳ vọng. Vì vậy, khi Dự án cầu Đại Ngãi sắp được khởi công, vui nhất có lẽ là bà con nơi đây, bởi với dự án này, sẽ giúp người dân địa phương thoát cảnh lụy đò, đặc biệt, xóa thế cô lập của huyện, giúp kết nối giao thông, vực dậy những tiềm năng lợi thế của địa phương, giúp huyện Cù Lao Dung sớm phát triển. Do vậy, người dân đồng tình ủng hộ giao mặt bằng để sớm triển khai dự án.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, nối Trà Vinh qua Cù lao Dung với Sóc Trăng (Ảnh: Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải)

Phối cảnh cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, nối Trà Vinh qua Cù lao Dung với Sóc Trăng (Ảnh: Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông Vận tải)

Ông Võ Đức Anh ở xã An Thạnh Tây chia sẻ: “Dự án Cầu Đại Ngãi khi mà hoàn thành thì vấn đề giao thông sẽ thuận tiện cho người dân từ Cù Lao Dung về các tỉnh hoặc là lên thành phố sẽ rút ngắn thời gian rất là dài, không phải tốn thời gian chờ phà, qua phà lâu nữa. Thêm nữa là khi cầu Đại Ngãi hoàn thành, tôi nghĩ là điều kiện để thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển hơn nữa. Ví dụ như ở đây có thế mạnh là nuôi trồng thủy sản khi có cầu thì việc vận chuyển sẽ nhanh hơn và giá có thể sẽ tốt hơn”.

Còn tại tỉnh Trà Vinh, hơn nửa tháng nay mặc dù trên địa bàn tỉnh mưa lớn liên tục, đầu ra nông sản gặp khó khăn vì kinh tế suy giảm, nhưng vẫn không thể ngăn được niềm vui của người dân địa phương, khi công trình cầu Đại Ngãi – cây cầu cuối cùng kết nối với các tỉnh ven biển ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh sắp hình thành.

Ông Nguyễn Văn Tắc ở xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, cho biết, xã Hùng Hòa trước đây là căn cứ cách mạng, giao thông tuy thông suốt nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, để đến được các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ người dân gặp không ít khó khăn. Do vậy, cầu Đại Ngãi sắp khởi công, Quốc lộ 60 đoạn qua Trà Vinh được nâng cấp mở rộng bà con ai cũng mừng.

“Được cầu Đại Ngãi đi qua thì bản thân tôi cùng với nhân dân ở đây đều rất phấn khởi, cùng chung tay và chờ đón một ngày dự án được khởi công. Tôi cám ơn Đảng, Nhà nước xây dựng được cây cầu Đại Ngãi đi qua tỉnh Trà Vinh” - ông Nguyễn Văn Tắc nói.

Người dân ở xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú cũng phấn khởi không kém, vì khu vực ven sông Hậu bao đời nay là nơi bưng biền, hẻo lánh. Khi có cầu Đại Ngãi và tuyến Quốc lộ đi qua sẽ giúp người dân nơi đây thoát cảnh “qua sông lụy đò”, sản phẩm của của bà con làm ra chắc chắn sẽ được mang đi tiêu thụ dễ dàng hơn.

Ông Trương Chí Vững, năm nay đã ngoài 60 cho biết có được cầu lớn qua sông Hậu là mong ước bao đời nay của bàn con nơi đây: “Bà con nông dân mong sao có cây cầu đi qua sớm, nhanh chừng nào tốt chừng nấy. Kể cả những người mua bán cũng thuận tiện hơn khi được vận chuyển bằng đường xe lúc trời giông bão, nhiều khi cũng rất nguy hiểm và trở ngại cả đường đi. Cho nên bà con rất mong làm sao cây cầu sớm được thi công và sớm được hoàn thành”.

Mất khoảng 1 giờ 30 phút để các phương tiện lưu thông qua vượt sông Hậu bằng phà hiện hữu

Mất khoảng 1 giờ 30 phút để các phương tiện lưu thông qua vượt sông Hậu bằng phà hiện hữu

Quốc lộ 60 là tuyến trục dọc ven biển kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh duyên hải đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các cảng biển và khu kinh tế ven biển. Tuyến đường có ý nghĩa quan trọng phục vụ việc phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng cho khu vực ven biển phía Nam.

Những năm vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến Quốc lộ này với nhiều công trình lớn như cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên. Tuy nhiên, do trên tuyến Quốc lộ 60 chưa được thông suốt hoàn toàn mà tại vị trí vượt sông Hậu thuộc địa bàn 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng còn phải sử dụng phà nên làm giảm năng lực vận tải trên toàn tuyến, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội không chỉ của 2 tỉnh này mà còn của cả khu vực Nam bộ. Vì vậy mà việc đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi là hết sức cần thiết và cấp bách.

Với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, dự án Cầu Đại Ngiã có chiều dài toàn tuyến hơn 15km, trong đó, có 2 cầu vượt chính là cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2. Dự án nằm trên quốc lộ 60, nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng với điểm đầu giao quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao quốc lộ Nam sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Đây công trình chiến lược, là trục giao thông quan trọng ven biển kết nối với các tỉnh ĐBSCL. Sau khoảng hơn 7 tháng nhận bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, đến nay, hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án 85, chủ đầu tư dự án.

Với tiến độ bàn giao mặt bằng như hiện nay, dự án dự kiến sẽ khởi công vào tháng 10 này, theo đó, triển khai thi công hoàn thành cầu Đại Ngãi 2 kết nối huyện Cù Lao Dung với các khu vực còn lại của tỉnh Sóc Trăng, xóa thế cô lập của huyện này trong năm 2025; hoàn thành cầu Đại Ngãi 1 kết nối 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và về đích dự án theo đúng tiến độ yêu của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.

Phà Đại Ngãi vượt sông Hậu nối liền 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng

Phà Đại Ngãi vượt sông Hậu nối liền 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc điều hành Dự án Cầu Đại Ngãi (Ban Quản lý Dự án 85), cho biết: “Mặt bằng đã được bàn giao sạch gần như 100% và chuẩn bị sẵn sàng cho khởi công dự án. Có thể nói đây là một dự án điểm, một dự án mà về công tác giải phóng mặt bằng hiện nay được đánh giá là tốt nhất của Ban Dự án 85 cũng như của Bộ Giao thông Vận tải trước khi khởi công. Cũng mong trong triển khi dự án tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo 2 tỉnh cũng như sự ủng hộ của bà con để Dự án được khởi công, thi công đảm bảo được tiến độ và chất lượng”.

Công trình cầu Đại Ngãi trên tuyến Quốc lộ 60 là niềm mong ước của người dân hai 2 tỉnh Trà Vinh – Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL nói chung. Sau khi công trình hoàn thành không chỉ xóa toàn bộ các điểm phà vượt sông đi qua các tỉnh ven biển ĐBSCL từ Cà Mau đến TP. Hồ Chí Minh mà còn mở ra động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, phát huy được những tiềm năng lợi thế, đặc biệt là các tỉnh ven biển, khi hạ tầng giao thông hoàn chỉnh sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư cho các khu, cụm công nghiệp…

Tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, Dự án sẽ đi qua địa bàn có chiều dài tuyến 5,1km. Với mục tiêu của dự án, sau khi hoàn thành sẽ phát huy và khơi dậy được những tiềm năng lợi thế của địa phương. Đặc biệt, sẽ đánh thức các tiềm năng về du lịch, phát triển kinh tế về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thương mại dịch vụ... Vì vậy mà ngành chức năng huyện đã nỗ lực “vượt nắng, thắng mưa” giải phóng mặt bằng sớm bàn giao cho chủ đầu tư.

Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: “Xác định đây là công trình trọng điểm, quan trọng, khi được triển khai sẽ kết nối và thông tuyến với quốc lộ 60 và tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Do đó, các bước khâu triển khai rất là nhanh chóng, người dân rất là đồng thuận bởi sẽ kết nối không còn cách trở giữa cù lao với các địa phương lân cận do đó trong thời gian triển khai có nhiều điều kiện thuận lợi theo như kế hoạch và tiến độ đề ra”.

Tỉnh Trà Vinh được kết nối với 3 tuyến Quốc lộ, gồm QL60, QL53 và QL54. Tuy nhiên Trà Vinh vẫn được ví như một tỉnh “ngõ cụt”, vì QL53 và 54 nhỏ hẹp và xuống cấp trầm trọng, trong khi QL60 qua sông Hậu vẫn di chuyển bằng phương tiện phà. Với hệ thống giao thông kết nối yếu kém, dù được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu Kinh tế Định An rộng hơn 39.000 ha, là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước từ năm 2011; có bến cảng tổng hợp cấp khu vực nhưng Khu kinh tế Định An vẫn ít được nhà đầu tư quan tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, chia sẻ, dự án cầu Đại Ngãi mang nhiều cơ hội phát triển cho Trà Vinh. Không chỉ vậy, khi dự án hoàn thành sẽ mở ra động lực phát triển mới cho các địa phương ven biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực. Trà Vinh cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để nhà thầu có thể hoàn thành công trình vào năm 2026 như dự kiến.

Thạch Hồng, Sa Oanh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/du-an-cau-dai-ngai-nang-cao-nang-luc-van-tai-cac-tinh-ven-bien-khu-vuc-dbscl-post1050424.vov
Zalo