Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku cần áp dụng 9 cơ chế chính sách đặc thù

Cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đề xuất đầu tư công hơn 43.000 tỷ đồng, kỳ vọng là trục kết nối chiến lược giữa Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Sáng 19/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra, đưa ra loạt khuyến nghị về cơ chế tài chính và cách thức tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư công.

Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: VPQH

Đề xuất đầu tư công hơn 43.000 tỷ đồng cho dự án trục ngang quan trọng

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có vai trò đặc biệt quan trọng, là trục giao thông huyết mạch kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, góp phần hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, phát triển không gian liên kết vùng, tăng cường quốc phòng, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Dự án có chiều dài khoảng 125 km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Định khoảng 40 km, đoạn qua tỉnh Gia Lai khoảng 85 km. Tuyến đường quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 43.734 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2030. Hình thức đầu tư công, thời gian thực hiện từ năm 2025 đến năm 2029.

Để đảm bảo hiệu quả triển khai, tiến độ và tính đồng bộ, Chính phủ đề xuất áp dụng 9 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đây là những cơ chế đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các dự án quan trọng quốc gia như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Việc đề xuất các cơ chế chính sách này nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và phân cấp, phân quyền đầu tư hiệu quả hơn cho địa phương.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Ảnh: VPQH

Cụ thể, các nhóm cơ chế, chính sách bao gồm: Phân cấp thẩm quyền cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng rừng đối với diện tích tăng thêm của dự án mà không phải điều chỉnh nội dung đã được Quốc hội phê duyệt; cho phép tách giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập; áp dụng cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ giải phóng mặt bằng; áp dụng chỉ định thầu trong một số trường hợp đặc biệt nhằm đảm bảo tiến độ; và một số chính sách đặc thù khác liên quan đến giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư, kiểm soát tải trọng, đầu tư hệ thống giao thông thông minh, thu phí tự động không dừng.

Về mặt tổ chức thực hiện, dự án được đề xuất phân chia thành 2 dự án thành phần: Đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Định do UBND tỉnh Bình Định là cơ quan chủ quản và đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Gia Lai do UBND tỉnh Gia Lai là cơ quan chủ quản. Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội chấp thuận chuyển mục đích sử dụng khoảng 257,35 ha đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án, trong đó có 94 ha là rừng phòng hộ đầu nguồn.

Ủy ban thẩm tra yêu cầu thẩm định rõ nguồn vốn, cân đối tài chính

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi khẳng định, dự án cơ bản đáp ứng các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo Điều 8 của Luật Đầu tư công. Hồ sơ dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu tại Điều 21 của Luật Đầu tư công.

Tuy nhiên, về việc phân chia các dự án thành phần, Báo cáo thẩm tra lưu ý: Thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, dự kiến tỉnh Bình Định và Gia Lai sẽ sáp nhập. Khi đó, dự án sẽ nằm trọn trong một tỉnh. Vì vậy, cần nghiên cứu lại phương án phân chia thành phần phù hợp với chủ trương sáp nhập, năng lực quản lý của địa phương và yêu cầu kỹ thuật của dự án nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.

Về nguồn vốn, Chính phủ đề xuất dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, theo Quy định số 189-QĐ/TW ngày 8/10/2024 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW ngày 28/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, việc quyết định chủ trương đầu tư không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là hành vi có dấu hiệu tiêu cực. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề nghị làm rõ thêm một số chính sách đặc thù. Cụ thể, đối với chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Chính phủ đề xuất áp dụng cho cả các tiểu dự án giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, các dự án trước đây chỉ áp dụng cho hạng mục xây dựng chính. Do đó, cần thuyết minh rõ hơn về sự điều chỉnh này để đảm bảo tính minh bạch, hợp lý.

Báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh, dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia, do đó phải được báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội theo đúng Quy chế số 01-QC/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, báo cáo bổ sung các nội dung còn thiếu, sớm trình cấp có thẩm quyền để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục pháp lý, đồng thời sớm triển khai dự án nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực và cả nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó xác định “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông” là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-an-cao-toc-quy-nhon-pleiku-can-ap-dung-9-co-che-chinh-sach-dac-thu-388197.html
Zalo