DRC đẩy nhanh tiến độ dự án nhà máy sản xuất lốp PCR và TBR

Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC) - thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ đánh giá khả thi, đẩy nhanh tiến độ dự án nhà máy sản xuất lốp PCR và TBR.

Công nhân vận hành hệ thống sản xuất lốp xe tải tại Nhà máy DRC. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Công nhân vận hành hệ thống sản xuất lốp xe tải tại Nhà máy DRC. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Đây là dự án nhà máy sản xuất 4 triệu lốp xe ô tô tải nhẹ và xe con PCR/năm và 1 triệu lốp xe tải đường dài TBR/năm. Suất đầu tư dự kiến sẽ không đáng kể do Công ty có thể tận dụng nhà máy có sẵn từ dây chuyền Radial.

Trước đó, năm 2024, Cao su Đà Nẵng đã vận hành giai đoạn 3 của Nhà máy lốp xe Radial công suất 1 triệu lốp/năm, tăng thêm tới 67% công suất so với trước đây. Mảng lốp Radial hiện đang đóng góp tới 70% lợi nhuận gộp của Cao su Đà Nẵng và được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn dắt lợi nhuận của Công ty trong giai đoạn 2024 - 2026. Hiện nay thị trường trong nước đang có xu hướng chuyển dịch từ lốp Bias (lốp mành vải hay lốp bố nylon) sang lốp Radial (lốp sợi mành thép), đồng thời nhu cầu lốp Radial tại các thị trường xuất khẩu cũng duy trì ở mức tốt.

Theo đánh giá của lãnh đạo Cao su Đà Nẵng, 2025 vẫn là năm nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa hồi phục rõ nét. Trong khi đó, giá nguyên liệu tiếp tục biến động mạnh và cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước gay gắt, nhất là với lốp giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam.

Các sản phẩm lốp xe tải chuẩn bị xuất xưởng tại Nhà máy DRC. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Các sản phẩm lốp xe tải chuẩn bị xuất xưởng tại Nhà máy DRC. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Để vượt qua các khó khăn này, Cao su Đà Nẵng tiếp tục cải tiến công nghệ, giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất và kiểm soát chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, Cao su Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh tiêu thụ lốp xe máy điện, xe đạp điện và lốp ô tô điện, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất lốp mới nhằm gia tăng sản lượng trong các năm tới.

Ngoài ra, Cao su Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện hệ thống kênh phân phối sản phẩm tại thị trường nội địa và xuất khẩu; kiện toàn đội ngũ bán hàng, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của hội nhập toàn cầu và chiến lược đầu tư phát triển của Công ty; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình quảng cáo và truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng; tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và chính sách thuế chống bán phá của các quốc gia để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, DRC đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2025 đạt 4.880 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2024; xuất khẩu đạt 132,2 triệu USD, tăng 9%. Dù sản lượng tiêu thụ nhiều mặt hàng được kỳ vọng tăng trưởng, đặc biệt là nhóm lốp ô tô và máy kéo, với lốp bias tăng 1%, lốp radial tăng 8% và lốp radial cho xe tải hạng nhẹ (LTR) gần gấp đôi, lợi nhuận sau thuế kế hoạch chỉ ngang năm ngoái với 228 tỷ đồng, giảm 1,7% so với năm 2024.

Về kế hoạch tăng vốn, Cao su Đà Nẵng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 30%, tương ứng phát hành thêm 35,6 triệu cổ phiếu và dự kiến thực hiện trong quý III-IV/2025. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Cao su Đà Nẵng sẽ tăng từ 1.187,9 tỷ đồng lên 1.544,3 tỷ đồng.

Về diễn biến cổ phiếu, cổ phiếu DRC trải qua 4 phiên giảm sàn từ ngày 3-9/4, sau đó phục hồi trong phiên ngày 10/4 và giảm trở lại trong 3 phiên tiếp theo. Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua 15/4, cổ phiếu DRC giảm 3,29% và đóng cửa ở mức 20.600 đồng/cổ phiếu. Tính chung từ đầu năm đến nay, thị giá DRC giảm 27,72%, trong đó giá đóng cửa cao nhất là 29.050 đồng/cổ phiếu (ngày 20/02/2025) và giá đóng cửa thấp nhất là 20.000 đồng/cổ phiếu (ngày 09/04/2025).

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/drc-day-nhanh-tien-do-du-an-nha-may-san-xuat-lop-pcr-va-tbr/370237.html
Zalo