Dragon Capital: Đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ định hình lại nền kinh tế theo cách chưa từng có

Hệ thống đường sắt cao tốc Bắc- Nam giúp giải quyết vấn đề quan trọng mà nền kinh tế đang đương đầu, đó là chi phí vận tải (logistics) quá cao.

Tại sự kiện Investor Day được tổ chức bởi Dragon Capital hôm nay (12-7), ông Lê Anh Tuấn, giám đốc khối đầu tư Dragon Capital đã phân tích về tác động của đường sắt cao tốc Bắc- Nam với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

 Ông Lê Anh Tuấn, giám đốc khối đầu tư Dragon Capital. Ảnh: NGỌC DIỆP

Ông Lê Anh Tuấn, giám đốc khối đầu tư Dragon Capital. Ảnh: NGỌC DIỆP

Giúp giải quyết “điểm nghẽn” của nền kinh tế

Chuyên gia của Dragon Capital cho rằng có thể tin tưởng vào hiệu ứng kinh tế rất lớn từ hệ thống đường sắt cao tốc Bắc- Nam. Dẫn chứng về đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải, ông cho hay từ khi hoàn thành đến nay đã đóng góp khoảng 900 tỉ USD cho GDP Trung Quốc, giúp gia tăng 22% doanh thu du lịch và tăng từ 3- 13% giá trị bất động sản trong phạm vi 1km tính từ nhà ga, tỉ suất hoàn vốn nội tại nền kinh tế (EIRR) đạt khoảng 8%.

Trong trường hợp Việt Nam, chuyên gia Dragon Capital cho rằng hệ thống đường sắt Bắc- Nam một khi hoàn thành có thể mang lại những hiệu ứng kinh tế rất lớn, giúp định hình lại nền kinh tế theo cách chưa từng có.

Trước tiên, ở giai đoạn xây dựng, việc xây dựng tuyến đường sắt này có thể mang lại 1% tăng trưởng GDP, tạo ra thêm hơn 200 nghìn việc làm và giá trị cho ngành xây dựng tăng thêm 33 tỉ USD.

Đồng thời, hệ thống đường sắt cao tốc Bắc- Nam có thể thay đổi toàn bộ cấu trúc vành đai đô thị, đồng thời mang lại nhiều khác biệt tại miền Nam và miền Bắc. Ở miền Bắc, hệ thống đường sắt cao tốc có thể giúp hình thành các cụm kinh tế - khu công nghiệp với thời gian di chuyển bằng tàu ước tính khoảng 1 tiếng.

Còn ở miền Nam, hệ thống đường sắt cao tốc sẽ giúp hình thành các cụm du lịch với thời gian di chuyển bằng tàu ước tính khoảng 2 tiếng.

 Đường sắt cao tốc Bắc - Nam giúp giải quyết vấn đề chi phí logistics quá cao. Nguồn: Dragon Capital

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam giúp giải quyết vấn đề chi phí logistics quá cao. Nguồn: Dragon Capital

Thứ hai, hệ thống đường sắt cao tốc Bắc- Nam giúp giải quyết vấn đề quan trọng mà nền kinh tế đang đương đầu, đó là chi phí vận tải (logistics) quá cao. Chi phí logistics hiện đang là một vấn đề rất lớn mà nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang gặp khó và là một trong những "điểm nghẽn" lớn nhất.

Số liệu của Dragon Capital cho thấy chi phí logistics tại Việt Nam hiện đang tiêu tốn mỗi năm đến 18% GDP, tỉ lệ này quá cao nếu so với Nhật Bản (8%), Singapore (8%) hoặc Thái Lan (13,9%) và Trung Quốc (14,4%).

Nhìn từ câu chuyện Trung Quốc, khi tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thượng Hải được hoàn thành, chi phí logistics đã giảm rất sâu, điều này mở ra thêm rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế.

Động lực tăng trưởng kinh tế thực sự nằm ở nội tại

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối Đầu tư Dragon Capital, động lực tăng trưởng kinh tế luôn nằm ở kinh tế nội tại và nền kinh tế tư nhân trong nước, trong khi cán cân đối ngoại là yếu tố cân bằng vĩ mô.

Điển hình như số liệu năm 2011-2012 của Việt Nam, nền kinh tế không tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp phá sản. Ngược lại, xuất khẩu lại khởi sắc, tăng trưởng mạnh 35%-40% so với cùng kỳ.

Thêm vào đó, chuyên gia Dragon Capital chỉ ra một vấn đề khác cần lưu ý là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ sử dụng khoảng 4,5 triệu lao động, trong khi tổng lực lượng lao động của Việt Nam dao động từ 55 đến 58 triệu người. Điều đó có nghĩa là khu vực FDI chỉ sử dụng chưa đến 8% lực lượng lao động cả nước.

 Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: NGỌC DIỆP

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: NGỌC DIỆP

"Điều khiến tôi thực sự phấn khích là khi chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Không chỉ là con số cao hơn mà điều đó có ý nghĩa như một sự mở rộng tư duy, một tầm nhìn dài hạn và táo bạo cho kỷ nguyên vươn mình"- ông Tuấn nói.

Trong giai đoạn 2007–2025, chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam chủ yếu xoay quanh việc mở cửa để đón “đại bàng”, tức là thu hút các tập đoàn đa quốc gia và dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, trong 5–10 năm tới, Việt Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, lấy nội sinh làm trung tâm và lan tỏa. Điều này đồng nghĩa với việc phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Đây không chỉ là sự điều chỉnh chiến lược mà là yếu tố mang tính quyết định đối với tăng trưởng của cả dân tộc trong thời đại mới.

"Chính vì vậy, kỷ nguyên vươn mình là một bước tiến lớn trong tư duy, còn việc hiện thực hóa thành những chuyển biến vật chất cụ thể thế nào đợi 5 năm nữa sẽ thấy", chuyên gia nêu quan điểm.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/dragon-capital-duong-sat-cao-toc-bac-nam-se-dinh-hinh-lai-nen-kinh-te-theo-cach-chua-tung-co-post860055.html
Zalo