Dow Jones lao dốc hơn 1.000 điểm; Giá dầu 'bốc hơi' hơn 3%
Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày 10/4, trả lại một phần thành quả từ đợt tăng lịch sử trong phiên trước đó. Nhà đầu tư lo ngại rằng ngay cả với việc tạm hoãn thuế đối ứng, hoạt động kinh tế sẽ bị chậm lại. Giá dầu thô tương lai giảm hơn 3%, do lo ngại Mỹ đang áp thuế quá cao với Trung Quốc, vốn là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Mỹ xác nhận mức thuế cho Trung Quốc là 145%
Khép phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 sụt 3,46% xuống 5.268,05 điểm, trong khi Nasdaq Composite rơi 4,31% xuống còn 16.387,31 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones trượt mạnh 1.014,79 điểm, tương đương 2,5%, còn 39.593,66 điểm, sau khi có lúc lao dốc hơn 2.000 điểm.
Các cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý bao gồm Apple và Tesla, lần lượt giảm 4,2% và 7,3%. Nvidia mất gần 6%, trong khi Meta Platforms giảm gần 7%.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh hơn sau khi Nhà Trắng xác nhận với CNBC rằng tổng mức thuế tích lũy đối với Trung Quốc thực tế sẽ là 145%. Con số này bao gồm mức thuế đối ứng 125% đối với hàng hóa, cộng thêm mức 20% được áp đặt để đối phó với vấn đề fentanyl.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump sau đó đã nói vào buổi chiều rằng ông không loại trừ khả năng gia hạn việc tạm dừng thuế. “Chúng ta sẽ phải xem điều gì xảy ra vào thời điểm đó,” ông nói tại một cuộc họp Nội các.
Đây là các mức thuế hiện đang có hiệu lực:
- 145% thuế đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc
- 25% thuế nhắm vào nhôm, ô tô và hàng hóa từ Canada và Mexico không thuộc Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA)
- 10% thuế đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu khác
Biến động thị trường ngày 10/04 đã lấy đi một phần thành quả từ đợt tăng lịch sử ngày 9/4, khi S&P 500 tăng vọt hơn 9%, đánh dấu mức tăng lớn thứ ba trong một ngày kể từ Thế chiến II. Dow Jones cũng chứng kiến mức tăng phần trăm lớn nhất kể từ tháng 3/2020, trong khi Nasdaq ghi nhận mức tăng một ngày lớn nhất kể từ tháng 1/2001 và là ngày tăng mạnh thứ hai trong lịch sử.
“Các nhà đầu tư đã tỉnh táo hơn,” Melissa Brown, Giám đốc điều hành nghiên cứu ứng dụng của SimCorp cho biết. “Sự bất ổn là một vấn đề lớn bởi vì mức thuế với Trung Quốc (145%) có thể là một con số khác vào ngày mai. Rất khó để xác định đáy hoặc đỉnh vì mọi thứ đã thay đổi quá nhiều trong cách diễn giải và nhận thức của nhà đầu tư.”
Đợt tăng điểm bắt đầu sau khi ông Trump thông báo tạm hoãn thuế đối ứng với hầu hết các quốc gia xuống 10% trong 90 ngày. Tuy nhiên, Canada và Mexico sẽ không phải chịu mức thuế bổ sung 10%. Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo tạm hoãn trả đũa thuế quan với Mỹ trong 90 ngày.
Mặc dù có sự lạc quan ban đầu đối với việc hoãn 90 ngày, nhiều người trên Phố Wall cho rằng thị trường vẫn chưa thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Michael Gapen, nhà kinh tế trưởng Mỹ của Morgan Stanley, cho biết: “Việc tăng thuế quan đối với Trung Quốc nhưng trì hoãn đối với các nước khác khiến mức thuế quan thực sự ở mức 23%, đây là mức cao trong lịch sử. Việc hoãn thuế có ích, nhưng không giảm bớt tình trạng bất ổn.”
Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial, cũng chia sẻ quan điểm tương tự giữa đà tăng của thị trường: “Biến động thị trường có thể vẫn ở mức cao, bất chấp việc tạm dừng 90 ngày đối với thuế quan cho các quốc gia không trả đũa. Dữ liệu cứng từ đầu năm cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, bất kể chính sách thương mại.”
Dầu giảm vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Hợp đồng tương lai dầu thô WTI giảm 2,28 USD, tương đương 3,66%, đóng cửa ở mức 60,07 USD/ thùng. Trong khi hợp đồng dầu Brent mất 2,15 USD, tương đương 3,28%, chốt phiên ở mức 63,33 USD/thùng.
Giá dầu thô đã tăng vọt trong ngày 10/4 sau khi Trump thông báo tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày với mọi quốc gia (trừ Trung Quốc). Trump cho biết ông sẵn sàng đàm phán các thỏa thuận với các quốc gia không trả đũa. Dầu thô WTI đã tăng 13% từ đáy và đóng cửa ở mức 62,35 USD/thùng.
Nhưng việc Trump tăng thuế đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất, lên mức kinh hoàng 145% đã gây áp lực lên thị trường vào ngày 10/4.
“Thuế quan với Trung Quốc giờ đây cao hơn. Điều đó gây tác động đáng kể,” Jim Burkhard, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu tại S&P Global Commodity Insights cho biết. “Về phần những cuộc đàm phán với các quốc gia này, liệu Mỹ có thể đàm phán với 70 quốc gia cùng một lúc không? Tôi không nghĩ rằng tình trạng hỗn loạn đã kết thúc.”