Đột phát theo Nghị quyết 57: Tăng tốc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng tốc, bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Sản xuất camera tại Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Sản xuất camera tại Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ; nghiên cứu cơ chế đặc thù đủ mạnh để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhất là cơ chế tài chính, phát triển, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao. Tỉnh tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện đảm bảo kịp thời, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với các quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương; ban hành danh mục mô hình khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thực hiện năm 2025 trên địa bàn...

Theo báo cáo của UBND tỉnh, bước đầu triển khai Nghị quyết, Thái Nguyên đã chủ động đổi mới tư duy, phát huy, kế thừa các thành quả đã đạt được, tìm tòi cách làm mới, cách tiếp cận mới bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương, mang bản sắc riêng của Thái Nguyên để triển khai thực hiện.

Tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn tổng thể và cụ thể để tổ chức thực hiện; phát động cuộc thi “Đổi mới sáng tạo - vì Thái Nguyên thân yêu” lần thứ Nhất, năm 2025 để huy động toàn dân tham gia thi đua, sáng tạo, đổi mới, góp phần xây dựng, phát triển địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tỉnh triển khai chương trình “Bình dân học AI” để mọi người dân được tiếp cận, ứng dụng AI hiệu quả; qua đó nâng cao kiến thức số, áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xã hội.

Việc thu hút, sử dụng nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từng bước được quan tâm, đẩy mạnh. Riêng năm 2025, tỉnh bố trí nguồn kinh phí hơn 54 tỷ đồng thực hiện các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh và trong giai đoạn năm 2024 - 2025, kinh phí huy động ngoài ngân sách đối ứng để thực hiện các nhiệm vụ khoa học đạt 30%. Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch triển khai chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và ứng dụng chuyên ngành để hình thành cơ sở dữ liệu thống nhất, chia sẻ dùng chung.

Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Thái Nguyên được xác định gồm 72 cơ sở dữ liệu được chia sẻ theo hình thức mặc định, 3 cơ sở dữ liệu được chia sẻ theo hình thức đặc thù và 75 dữ liệu mở. Các cơ sở dữ liệu về môi trường, thông tin nền địa lý, địa chính, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh... đang được tập trung khai thác, xây dựng, phát triển.

Trong đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ số quốc gia, xây dựng cơ chế hợp tác công tư để phát triển hạ tầng số hiện đại, Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng số đến hết năm 2025, xác định triển khai trọng tâm một số nội dung như: Phủ sóng mạng 5G tại trường đại học, bệnh viện, khu dân cư; 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G; phổ cập kết nối cáp quang băng rộng tới hộ gia đình; thu hút đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu (DataCenter) để cung cấp dịch vụ dữ liệu cho cả vùng, đặc biệt các doanh nghiệp FDI; xây dựng hạ tầng vật lý - số và hạ tầng tiện ích số - công nghệ dịch vụ...

Tuy vậy, thực tế hiện nay, việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế như: Quy mô tiềm lực trình độ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo mặc dù đã ở mức khá cao so với toàn quốc nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với các nước phát triển; chưa có chính sách đặc thù nổi trội của tỉnh về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo dù đã có các chương trình đặt hàng nghiên cứu khoa học của tỉnh với Đại học Thái Nguyên và các viện nghiên cứu nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao...

Nguyên nhân của tình trạng này do các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, hạn chế về nguồn lực nên khó có khả năng đầu tư tài chính mang tính đột phá cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước tuy đã tăng dần theo từng năm nhưng chưa phù hợp với nhu cầu để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tỉnh chưa có chính sách đặc thù nổi trội về thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao...

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dot-phat-theo-nghi-quyet-57-tang-toc-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-20250327151420625.htm
Zalo