Đột phá xây dựng kế hoạch giáo dục đáp ứng Chương trình mới
Cô Ngô Thị Thành có nhiều giải pháp đột phá trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường linh hoạt, hiệu quả đáp ứng yêu cầu chương trình mới.
Luôn tận tâm, trách nhiệm với nghề
Bước sang năm thứ 22 gắn bó với Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa (Hà Nội), cô Ngô Thị Thành, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn đã và đang góp tâm sức cùng đồng nghiệp xây dựng nhà trường từ mô hình Bán công chuyển sang Công lập tự chủ tài chính, rồi đến mô hình công lập tự chủ tài chính chất lượng cao. Nhà trường ngày càng được cấp trên, học sinh và phụ huynh tin tưởng.
Nhà trường xác định xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục đáp ứng Chương trình GDPT 2018 và theo tiêu chí trường chất lượng cao của UBND TP Hà Nội. Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để đáp ứng được việc thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; chỉ đạo hoạt động kiểm tra, đánh giá độc lập, quản lí chất lượng học tập và đảm bảo cam kết đầu ra của học sinh.
Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa thành lập ban xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và thực hiện rà soát theo từng năm. Ban có nhiệm vụ nghiên cứu chương trình tổng thể và cấu trúc các môn học/hoạt động giáo dục của Chương trình GDPT 2018. Rà soát các điều kiện và nguồn lực thực tế của nhà trường về đội ngũ, cơ sở vật chất, cơ cấu thời gian và số lượng tuyển sinh.
Theo cô Ngô Thị Thành, sau 3 năm nghiên cứu, xây dựng và điều chỉnh, kế hoạch giáo dục của nhà trường cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu Chương trình GDPT 2018 về việc sắp xếp các môn học, nội dung học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học lựa chọn; cụm chuyên đề lựa chọn một cách linh hoạt và hợp lí.
Đồng thời đáp ứng được tiêu chí chương trình dạy học của trường chất lượng cao, đó là: Có số tiết nâng cao ở các môn cơ bản (Toán, Văn, Lí, Hóa, Sinh, Sử, Địa, GDKTPL, Tiếng Anh…); có chương trình hoạt động trải nghiệm nghề; chương trình hoạt động trải nghiệm thực tế trong và ngoài nước; có các CLB kĩ năng sống cho học sinh.
Nhà trường xây dựng chương trình trải nghiệm nhằm thực hiện tuyên ngôn sứ mệnh “Học sinh Phan Huy Chú – Đống Đa: Hiểu dân tộc – Yêu đất nước và chủ động hội nhập”.
Đó là những chương trình trải nghiệm về với các di tích lịch sử; bảo tàng Lịch sử Hà Nội; Bảo tàng Hồ Chí Minh và đặc biệt chuyến “hành trình tri ân” trải nghiệm các địa chỉ đỏ: Ngã ba Đồng lộc; Nghĩa trang Trường Sơn; Nghĩa trang Đường 9; Thành cổ Quảng Trị; Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải; Quê nội và quê ngoại Bác Hồ.
Những chuyến trải nghiệm của học sinh sang học tập tại Melbourne – Australia được thực hiện 2 lần/năm là một trong cơ hội giúp học sinh hội nhập quốc tế, định hình xu hướng trở thành công dân toàn cầu.
Trường cũng có chương trình bổ sung (Tin học văn phòng Quốc tế - MOS) và chương trình Tiếng Anh nâng cao trình độ IELTS cùng các khóa học đào tạo: Kĩ năng phòng chống đuối nước; kĩ năng sinh tồn; kĩ năng lãnh đạo… có chứng chỉ quốc tế đảm bảo cam kết đầu ra đối với học sinh.
Mỗi học sinh tốt nghiệp tại trường có 1 chứng chỉ tiếng Anh đầu ra trình độ IELTS 4.5 hoặc TOEFL-IBT 450 trở lên; 2/3 chứng chỉ tin học văn phòng Microsoft Office Specialist; 1 chứng nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo kĩ năng sống, kĩ năng sinh tồn. Với chương trình đào tạo theo phương pháp trải nghiệm thực tế, xây dựng các kĩ năng như: Làm việc nhóm, lãnh đạo, tổ chức, giao tiếp, quản lý xung đột, quản lý thời gian, đánh thức tiềm năng con người.
Chú trọng tới yếu tố đội ngũ
Bước vào công cuộc đổi mới Chương trình GDPT 2018, đội ngũ giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa luôn có năng lực, trình độ cao đáp ứng tiêu chí trường chất lượng cao. Điều thuận lợi là đa số thầy cô đều có năng lực tự học và tự cập nhật các phương pháp và ứng dụng công nghệ mới trong dạy học.
Cô Thành nhấn mạnh, nhà trường luôn coi năng lực đội ngũ là yếu tố góp phần quyết định nhất đối với việc thực hiện thành công kế hoạch giáo dục. Do đó, việc nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của thầy cô trong nhà trường là rất quan trọng. Ban giám hiệu nghiên cứu kĩ các mô đun bồi dưỡng, từ đó chọn cử đúng giáo viên có năng lực phù hợp và có yêu cầu cụ thể đối với mỗi thầy cô trước khi tham gia tập huấn.
Tổ chức tập huấn chuyên đề theo đề xuất của đội ngũ nhằm đáp ứng Chương trình GDPT mới. Tập huấn chuyên môn thông qua hoạt động nghiên cứu bài học của các Tổ bộ môn. Xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các thầy cô giáo tự học các khóa học online miễn phí trên hệ thống Microsoft-365 và xây dựng, chia sẻ "Cẩm nang Phan Huy Chú với những kinh nghiệm quý – ý tưởng hay”.
Cần có cách thức tổ chức quản lý hoạt động bồi dưỡng, tập huấn phù hợp và hiệu quả đối với đội ngũ, biến cách thức tập huấn mang tính bắt buộc thành việc đội ngũ có nhu cầu tập cần tập huấn. Để nâng cao hiệu quả, các nhà quản lý có thể khảo sát từ số đông đội ngũ giáo viên của nhà trường, lấy ý kiến đề xuất từ các tổ bộ môn để đảm bảo có sự sát hợp nhất.
Trao quyền cho các trưởng bộ môn trong công tác lựa chọn nội dung, cách thức và các chuyên gia tập huấn nếu cần. Đối với hoạt động này thường phù hợp với tập huấn chuyên môn sâu ở từng bộ môn hoặc các phương pháp dạy học mang tính đặc thù. Đa dạng hóa các hoạt động tập huấn chuyên môn nhằm phát huy tinh thần tự học, chia sẻ và sáng tạo của mỗi cá nhân...
"Có thể nói, chương trình giáo dục nhà trường đã tạo dựng được những nét riêng trở thành thương hiệu của nhà trường, khẳng định được chất lượng; uy tín vững chắc trong phụ huynh và học sinh những năm gần đây. Chương trình giáo dục của Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa đã và đang được lan tỏa đến nhiều trường THPT trong và ngoài Hà Nội học tập để thực hiện có hiệu quả", cô Ngô Thị Thành chia sẻ.
Ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ cũng như đóng góp về chuyên môn trong nhiều năm qua, cô Ngô Thị Thành đã ba lần được Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cấp Giấy chứng nhận Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022. Trong dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô được Công đoàn Ngành Giáo dục Hà Nội trao tặng giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ VIII, năm 2024".