'Đột phá' nào để thu hút đầu tư vào ngành điện

Sáng 20/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm 'Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện' nhằm hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn về vấn đề thu hút đầu tư vào ngành điện, nhất là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cơ cấu giá và cách tính giá thành điện khi bán ra hiện nay; việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá điện trong nền kinh tế thị trường.

Quang cảnh cuộc Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện". (Ảnh: VGP)

Quang cảnh cuộc Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện". (Ảnh: VGP)

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm có: Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); PGS, TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia Kinh tế năng lượng; ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), đại diện doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện.

Bất cập về giá điện

Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, giá điện của chúng ta đang có 4 bất cập rất lớn.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa trình bày ý kiến tại cuộc Tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa trình bày ý kiến tại cuộc Tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Bất cập thứ nhất có tính chất bao trùm là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường. Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đánh giá chính sách năng lượng của chúng ta còn bất cập và chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường. Chúng ta đều biết toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá… đã theo thị trường. Giá thị trường thế giới thế nào, trong nước thế nào đều phản ánh vào giá hết. Thế nhưng giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó; có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện. Cho nên sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu mới nhất 2 năm 2022-2023 gần đây thì chính cách điều hành như vậy đã gây lỗ của ngành điện khoảng 47.500 tỷ đồng.

Thứ hai, giá điện hiện nay được kỳ vọng đạt đa mục tiêu, trong đó có những mục tiêu ngược chiều nhau, như bảo đảm bù đắp chi phí nhưng phải khuyến khích thu hút đầu tư, phải bảo đảm an sinh xã hội, phải bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát. Việc xử lý các mục tiêu đó rất khó hài hòa, không bảo đảm được mong muốn. Cho nên chúng ta phải có tính toán hợp lý vai trò của giá điện, cái nào là mũi nhọn. Theo Nghị quyết 55-NQ/TW, chúng ta phải dùng những biện pháp như là thuế, phí, các quỹ điều tiết các thị trường để điều tiết chứ không chỉ trông cậy vào việc kiềm chế giá thấp để bảo đảm được mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thứ ba, bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện hiện nay, để kéo quá dài và lộ trình xử lý không rõ ràng. Đó là bù chéo giữa nhóm những người tiêu dùng điện sinh hoạt với nhau - bậc cao bù cho bậc thấp, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt trong sản xuất ở mức độ nhất định. Tất nhiên là giá điện trong sản xuất phải thấp hơn bởi vì tiêu dùng điện hạ áp giá đắt hơn nhưng vẫn có bù chéo nhất định giữa điện cho sinh hoạt đối với điện sản xuất. Và một điểm nữa là bù chéo về giá điện giữa các vùng miền với nhau.

Chính Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu cái mới tức là chúng ta phải chấm dứt bù chéo trong giá điện và việc này chúng tôi cũng đang đề nghị đưa vào Luật Điện lực mới, phải luật hóa yêu cầu này.

Thứ tư, giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội. Ví dụ đối với người thu nhập thấp, người nghèo thì chúng ta hỗ trợ trực tiếp bằng tiền điện, tách ra được. Nhưng trong biểu giá điện vẫn còn thể hiện những chính sách an sinh xã hội đối với những người thu nhập thấp thì giá bán 92-95% so với giá bán lẻ bình quân… Cho nên chính sách giá điện vẫn còn lẫn lộn, không bảo đảm đúng nguyên lý về giá cả để bảo đảm mục tiêu khuyến khích ngành điện phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, kể từ khi Chính phủ thực hiện Nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong 5 năm trở lại đây, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam có sự đột biến và rất ngoạn mục. Tuy nhiên, cũng có tồn tại, hạn chế cần phải nhìn nhận, ngành điện phát triển rất năng động, đặc biệt gần đây với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và chống biến đổi khí hậu cũng như thay đổi về quá trình sản xuất kinh doanh, có rất nhiều yếu tố đòi hỏi ngành điện phải thay đổi.

Phải tính đúng, tính đủ, thúc đẩy tính thị trường, tăng tính cạnh tranh

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Sơn Động đánh giá, để có thể phát triển nguồn năng lượng sạch, thực hiện theo lộ trình của Chính phủ cam kết giảm phát thải bằng 0 (Net Zero) thì việc phát triển thêm nguồn mới chỉ có thể dựa vào các nguồn như điện khí, điện gió ngoài khơi...

Theo ông, để có thể triển khai được nội dung này, phải có rất nhiều cơ chế thu hút đầu tư, vì khi đầu tư người ta sẽ tính đến lợi nhuận mà lợi nhuận sẽ liên quan đến giá. Hệ thống điện của chúng ta không có tính ổn định cao, đặc biệt với khoảng gần 10% tỷ lệ điện mặt trời và điện gió hơn 8.000 MW trên tổng công suất nguồn khoảng 85.000 MW, vào thời điểm giờ cao điểm, vào mùa mưa, mùa khô, lúc có thay đổi, biến động thì tác động, ảnh hưởng đến hệ số vận hành, bảo đảm an toàn hệ thống rất cao. Việc phát triển thêm các nguồn điện mới giá cao có ảnh hưởng đến chế độ vận hành của cả hệ thống.

Ông Nguyễn Đình Tuấn phát biểu ý kiến tại cuộc Tọa đàm (Ảnh: VGP).

Ông Nguyễn Đình Tuấn phát biểu ý kiến tại cuộc Tọa đàm (Ảnh: VGP).

Hiện tại, xu thế của thế giới, dự trữ năng lượng cho các nhà máy năng lượng tái tạo về mặt kỹ thuật công nghệ có thể thực hiện được. Tuy nhiên quay lại câu chuyện giá thành thì đây cũng là một vấn đề. Nếu có thể đưa được cả hệ thống vận hành ở trên phương diện điện sạch thì: Thứ nhất, thiết bị đầu tư đầu vào đắt, giá cao; thứ hai, để bảo đảm vận hành ổn định, an toàn phải có một hệ thống dự trữ năng lượng, chắc chắn hệ thống này giá sẽ không bao giờ rẻ.

Ông Tuấn đồng ý với chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa về vấn đề ảnh hưởng đến giá chung của toàn hệ thống cũng như việc xây dựng hệ thống giá thị trường để bảo đảm từ vận hành an toàn cho đến giá minh bạch, giá phù hợp, kích thích được tất cả các điều kiện… Có rất nhiều yêu cầu giá điện phải gánh vác, đấy cũng là bài toán rất khó xử lý.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu kiến nghị, thứ nhất, sửa đổi Luật Điện lực lần này là một cơ hội, phải tận dụng cơ hội này, nếu không ta sẽ mất 5-7 năm sau mới có thể sửa chữa. Ông nhất trí quan điểm hiện nay tính giá để xác định ra giá sản xuất. Nhà làm chính sách luôn phải biết được đầu tiên sản xuất ra 1kW giờ điện thì chiếm bao nhiêu phần trăm giá thành để thúc đẩy suất tiết kiệm hơn. Cứ tính đúng tính đủ, công bố công khai, so sánh với các nước. Về nguyên lý kinh tế, mọi nguồn lực phải được nhận diện đúng đủ, hạch toán đủ về kinh tế hãy sản xuất.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu trình bày ý kiến tại cuộc Tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu trình bày ý kiến tại cuộc Tọa đàm. (Ảnh: VGP)

Thứ hai, phải tách bạch: với giá như vậy, để giảm giá thành, tự khắc tạo áp lực cho doanh nghiệp cạnh tranh để giảm giá thành; tác động rất lớn. Tiếp theo là tách bạch giá bán điện, nhưng nếu chúng ta không biết được chính xác giá sản xuất bao nhiêu thì làm sao có thể điều hành giá bán phù hợp các nhóm đối tượng khác nhau. Cho nên, ông nhất trí với quan điểm việc tính giá điện, cứ tạm gọi là giá sản xuất, không nên đưa quá nhiều mục tiêu chính sách vào đây mà gây méo mó.

Đầu tiên, tính đúng, tính đủ và tách bạch chính sách điều tiết và việc tính giá. Liên quan cơ cấu ngành điện, có cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, thì cơ chế tài chính ở đây cần minh bạch, đâu là trợ cấp xã hội, đâu là bù giá, đâu là kinh doanh, phải tách bạch.

Thứ ba, thúc đẩy tính thị trường, tăng sự cạnh tranh trong mọi hoạt động, mọi khâu của điện lực. Trong việc bán điện và tính giá thì phải tăng tính cạnh tranh và tính thị trường. Tính thị trường ở đây có nhiều yếu tố như khi nào giá cả đầu vào biến động thì được điều chỉnh giá đầu ra. Có biến động mà mình không kiểm soát thì đó không phải là thị trường. Tiếp đến là cạnh tranh trong bán lẻ. Rõ ràng, dùng cơ chế thị trường nhiều hơn thì điện sẽ giảm giá, bởi có cạnh tranh thì có xu hướng kiểm soát độc quyền, người tiêu dùng mới có cơ hội được hưởng giá cả cạnh tranh hơn.

Thứ tư, trong cơ chế hiện nay vẫn phải kiểm soát giá sản phẩm này nên khung giá và cách tính giá theo Quyết định 28 chưa thực sự khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Ông mong lần này trong cơ cấu quản lý giá thì khung giá phải hướng mạnh đến việc thực sự tạo ra áp lực sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, phân khúc theo nhiều tiêu chí gọi là mức độ sử dụng, giờ sử dụng.

Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, phải tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường, nhưng đặc biệt phải minh bạch. Tất nhiên, không phải là thị trường thả nổi, thị trường phải có sự điều tiết của Nhà nước. Ông bày tỏ quan điểm đồng ý là sửa Luật Điện lực và phải cải cách căn bản về giá.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dot-pha-nao-de-thu-hut-dau-tu-vao-nganh-dien-post825823.html
Zalo