Đột phá mới giúp giải quyết vấn đề hóc búa về rác thải nhựa

Các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Vật chất mới nổi RIKEN đã thành công trong việc phát triển một loại nhựa mới.

Loại nhựa mà các nhà khoa học tạo ra không chỉ bền chắc mà còn có khả năng phân hủy sinh học. Điều này giúp giải quyết bài toán rác thải nhựa trên toàn cầu hiện nay.

Rác thải nhựa thực sự là vấn đề đau đầu của thế giới.

Nhựa là một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, nhưng khi phân hủy, chúng thường trở thành vi nhựa gây ô nhiễm đại dương và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người cũng như sinh vật biển. Loại nhựa mới này được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề nghiêm trọng đó.

Theo thông tin từ SciTechDaily, nghiên cứu về các loại nhựa thay thế đã được tiến hành trong nhiều năm. Mặc dù đã có một số lựa chọn phân hủy sinh học, nhưng hầu hết đều không thể phân hủy tự nhiên trong nước biển, dẫn đến việc chúng vẫn góp phần vào ô nhiễm vi nhựa. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science bởi RIKEN đã phát hiện ra một loại polyme siêu phân tử có khả năng hòa tan thành các hợp chất có thể chuyển hóa trong nước muối.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra loại nhựa mới bằng cách kết hợp hai monome ion để tạo thành liên kết chéo, từ đó tạo ra độ bền và linh hoạt cho sản phẩm. Khi hai monome này được trộn trong nước, chúng tạo ra hai chất lỏng khác nhau: một chất lỏng đặc và dính, và một chất lỏng còn lại là nước. Quá trình khử muối rất quan trọng vì khi vật liệu được cho vào nước muối, nó sẽ hòa tan trong “vài giờ”.

Vật liệu mới được RIKEN tạo ra là điều mà thế giới đã mong chờ từ lâu.

Đặc biệt, loại nhựa mới mang tên alkyl SP₂ không chỉ không độc hại mà còn không bắt lửa. Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra độ tin cậy của nhựa và phát hiện rằng 91% hexametaphosphate và 82% guanidinium có thể được thu hồi. Sau khi phân hủy trong 10 ngày, loại nhựa này còn có khả năng nuôi dưỡng đất.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Takuzo Aida, cho biết: “Với vật liệu mới này, chúng tôi đã tạo ra một nhóm nhựa mới có độ bền, ổn định có thể tái chế nhằm phục vụ nhiều chức năng. Quan trọng hơn, chúng không tạo ra vi nhựa”.

Sự phát triển này diễn ra trong bối cảnh ô nhiễm vi nhựa đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Một nghiên cứu gần đây cho thấy có khoảng 170.000 tỷ mảnh nhựa trong đại dương, tương đương với khoảng 21.000 mảnh trên mỗi người trên toàn cầu. Mặc dù việc loại bỏ vi nhựa trong đại dương vẫn là một thách thức nhưng loại nhựa thay thế có khả năng phân hủy trong biển sẽ giúp ngăn chặn nhựa xâm nhập vào môi trường nước.

Mọi thứ vẫn cần hoàn thiện những bước cuối trước khi thương mại hóa.

Trong khi chờ đợi các loại nhựa mới này được thương mại hóa, người tiêu dùng có thể lựa chọn các sản phẩm không chứa nhựa trong cuộc sống hàng ngày. Đây là một bước đi đơn giản nhưng hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Kiến Tường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dot-pha-moi-giup-giai-quyet-van-de-hoc-bua-ve-rac-thai-nhua-204242712085302617.htm
Zalo