Đột phá lớn trong phân cấp, phân quyền về ngân sách

Sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước lần này, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, một nội dung rất quan trọng là vấn đề phân cấp, phân quyền đã có đột phá rất lớn.

Phiên thảo luận toàn thể về Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi

Phiên thảo luận toàn thể về Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi

Tiếp tục nghiên cứu thận trọng về phân cấp, phân quyền

Tiếp tục Kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi (Dự thảo) ngay phiên họp đầu tiên của tuần này.

Dự thảo sửa đổi, theo Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo), trên cơ sở thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 119-KT/TW, ngày 20/1/2025 về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phân cấp, phân quyền tối đa, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đồng bộ với các pháp luật có liên quan.

Theo đó, Dự thảo quy định, Quốc hội quyết định tổng thể và cơ cấu lớn dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên). Các nội dung cụ thể theo từng lĩnh vực thu, chi giao Thủ tướng Chính phủ quyết định, bao gồm cả lĩnh vực thực hiện theo nghị quyết của Đảng (chi lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, y tế, xây dựng pháp luật).

Ngày 15/5, khi thảo luận tại tổ, một số vị đại biểu đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành. Tại hội trường, phân cấp, phân quyền, liên quan đến chi ngân sách cũng như dự toán ngân sách tiếp tục là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo luật hiện hành, Quốc hội quyết định tổng chi ngân sách của từng bộ, ngành, từng lĩnh vực và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên. Đồng thời, Quốc hội cũng quyết định tổng chi ngân sách nhà nước của từng địa phương và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên của từng địa phương.

Ngoài ra, với 2 lĩnh vực là giáo dục, đào tạo, dạy nghề; khoa học - công nghệ, Quốc hội không chỉ quản lý cơ cấu, mà còn quyết định chi tiết về mức chi.

Lần sửa đổi này, bên cạnh quy định Quốc hội quyết định tổng thể và cơ cấu lớn dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương như trên, Dự thảo quy định thẩm quyền cho Chính phủ điều chỉnh dự toán thu, chi giữa các bộ, cơ quan trung ương và một số địa phương, nhưng không làm tăng tổng mức vay bội chi ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định, bao gồm cả việc quyết định sử dụng số dự kiến tăng thu ngân sách trong năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, quy định tại Dự thảo nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt và kịp thời trong quản lý cũng như điều hành ngân sách, cắt giảm thủ tục hành chính và đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương. Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, HĐND, UBND tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. “Việc điều chỉnh phân cấp, phân quyền được Chính phủ trình lần này có đột phá rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, thực tế hiện nay, trong các cơ quan vẫn còn cách hiểu khác nhau, đặc biệt là liên quan quy định theo Hiến pháp. Bộ Tài chính đang phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội để tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tiếp thu, đảm bảo phân cấp, phân quyền tối đa cho các cấp, các ngành trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực để tập trung thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay và hai con số trong giai đoạn tới.

“Nội dung này sẽ được tiếp tục nghiên cứu rất thận trọng, báo cáo cấp có thẩm quyền, báo cáo Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng hồi âm sự quan tâm của đại biểu.

Hài hòa lợi ích của cả ngân sách địa phương và trung ương

Một vấn đề khác cũng được đại biểu quan tâm thảo luận là các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Một số vị đại biểu ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn đề nghị giữ lại 100% tiền thu từ đất để phục vụ các mục tiêu phát triển ở địa phương, thay vì giảm tỷ lệ này xuống 70% như Dự thảo.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) phân tích, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2 con số, phát huy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương khi hợp nhất, sáp nhập nhằm mở rộng không gian phát triển và kết nối các khu vực, thì nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng tại các địa phương này rất lớn.

Với TP.HCM, ông Ngân cho hay, dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, Thành phố cần nguồn lực đầu tư công là 1,1 triệu tỷ đồng. Trong 1,1 triệu tỷ đồng này, nguồn thu từ đất khoảng 550.000 tỷ đồng, nếu như ngân sách trung ương điều tiết 30%, địa phương sẽ hụt thu 165.000 tỷ đồng trong 5 năm và mỗi năm như vậy hụt thu 33.000 tỷ đồng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai đầu tư công của Thành phố trong giai đoạn 2026 - 2030.

“Rất nhiều khoản đầu tư, trong đó, nguồn thu từ đất chiếm vị trí rất quan trọng. Đề nghị Trung ương xem xét, trước mắt, có thể là trong 10 năm, chưa thu khoản này; còn nếu thu thì chỉ nên thu ở mức từ 5 đến 10% là tối đa”, ông Ngân nêu ý kiến.

Hồi âm sự quan tâm của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội tiếp thu theo hướng chưa quy định tỷ lệ phân chia giữa các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương trong Luật, trừ khoản thu tiền đất, tiền thuê đất được phân chia từ dự toán ngân sách năm 2026. Trong năm 2026, khi luật có hiệu lực, sẽ giao Chính phủ xây dựng trình Quốc hội để quy định tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho phù hợp và đảm bảo ổn định lâu dài.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, nên chọn phương án không quy định cứng tỷ lệ này trong luật. Thay vào đó, giao Chính phủ quy định để đảm bảo tính chủ động theo từng thời kỳ. “Trên tinh thần này, các khoản thu ngân sách được điều tiết theo tỷ lệ phần trăm phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả ngân sách địa phương và ngân sách trung ương. Điều này khuyến khích cả cấp tỉnh và cấp trung ương cùng cố gắng trong công tác thu ngân sách”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Vẫn theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, tiền thu từ đất lớn chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… “Những địa phương này có quy mô ngân sách rất lớn và luôn vượt thu ngân sách. Đây cũng là những nơi có điều kiện về địa chính trị, là nơi được Trung ương đầu tư rất nhiều về kết cấu hạ tầng, nên mới được thụ hưởng những kết quả đó”, ông Phớc nêu quan điểm.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh, nguồn thu tiền sử dụng đất là nguồn thu của quốc gia, chứ không phải của một địa phương. Nguồn này cần được điều tiết để Chính phủ thực hiện đầu tư những dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc, các tuyến đường liên tỉnh và hỗ trợ đầu tư công cho các tỉnh không có nguồn thu từ tiền sử dụng đất như Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Gia Lai… Phải lấy nguồn thu của ngân sách trung ương để đầu tư, nếu không Chính phủ phải đi vay nước ngoài để đầu tư. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng đồng tiền hiệu quả nhất, phù hợp với điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển toàn diện.

“Ai cũng nói tôi thu được thì tôi tiêu, nhưng như vậy ai sẽ ở những tỉnh nghèo lo giữ biên giới, ai lo cho dân vùng khó khăn? Thậm chí, ông nói ông làm giỏi, vậy thử đưa ông về điều hành ở các tỉnh khó khăn xem có giỏi hơn không? Nói như vậy để thấy, việc điều tiết về ngân sách trung ương là hợp lý, vừa phù hợp với chủ trương chính trị, vừa phù hợp đạo lý, vừa đảm bảo quy định của pháp luật”, Phó thủ tướng trao đổi.

Theo nghị trình, ngày 25/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi.

Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Quy hoạch

Sáng nay (28/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, lần này, ngoài việc sửa đổi một số nội dung liên quan đến hoàn thiện hệ thống quy hoạch, đơn giản hóa nội dung quy hoạch để nâng cao tính hiệu quả, khả thi của quy hoạch…, đã bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành hành chính cấp tỉnh theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Theo đó, Dự thảo phân cấp cho các bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia, phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dot-pha-lon-trong-phan-cap-phan-quyen-ve-ngan-sach-d291380.html
Zalo