Đột phá của ngành tư pháp Buenos Aires nhờ chuyển đổi số
Đối mặt với cuộc khủng hoảng lòng tin, Sở Công tố của Buenos Aires - bang lớn nhất Argentina đã áp dụng đổi mới kỹ thuật số để giúp cuộc sống của người dân dễ dàng hơn.
Buenos Aires, nơi có thành phố cùng tên, là một trong 24 tiểu bang ở Argentina và có hơn 17 triệu cư dân, chiếm gần 40% dân số cả nước. Buenos Aires phải đối mặt với một loạt vấn đề nan giải, phức tạp với nhiều yếu tố có mối liên hệ với nhau, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, căng thẳng xã hội và rào cản đối với công lý, cũng như số tội phạm chiếm 40% so với cả nước. Theo các nghiên cứu gần đây, Argentina - quốc gia lớn thứ 8 trên thế giới về quy mô, chưa đến 1/5 bày tỏ sự tin tưởng vào các thể chế công, trong đó có ngành tư pháp. “Trong một xã hội đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin, công nghệ đã trở thành một công cụ quan trọng để xây dựng lại niềm tin đó”, ông Patricio Moyano Pena, Trưởng Chương trình Đổi mới 2050 của Sở này chia sẻ. Đó là lý do chính khiến Sở Công tố của Buenos Aires phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường tính minh bạch, công lý và thúc đẩy phúc lợi chung của người dân.
Áp dụng công nghệ để người dân thành trung tâm
Sở Công tố Buenos Aires là một cơ quan tư pháp do Tổng chưởng lý đứng đầu, bao gồm hơn 8.600 nhân viên (công tố viên, luật sư bào chữa và chuyên gia pháp y…). Năm 2018, Tổng chưởng lý, Tiến sĩ Julio Conte-Grand, đã chỉ thị thực hiện một chương trình đổi mới công nghệ đầy tham vọng có tên là “MPBA 2050”. Mục đích của chương trình này là áp dụng các công nghệ xuất hiện trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua một quá trình cải tiến liên tục để đảm bảo mọi người có thể tiếp cận công lý. Trong bối cảnh đó, ông Patricio Moyano Pena đã được bổ nhiệm phụ trách chỉ đạo quá trình chuyển đổi số này, làm việc chung với các phòng CNTT và kiểm soát quản lý của cơ quan, cùng nhiều phòng khác.
“Có cơ hội được lắng nghe các giáo sư và nhà nghiên cứu uy tín của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ nói về các công nghệ đột phá chính trên toàn thế giới là nguồn cảm hứng vô giá để cải thiện chất lượng công việc của chúng tôi tại Argentina. Đây là chất xúc tác tuyệt vời để mở ra chân trời mới về các giải pháp cho các vấn đề về quyền công dân. Sau khi Chương trình kết thúc, tôi đã tận dụng kiến thức thu được để lãnh đạo việc điều chỉnh dịch vụ tư pháp theo thực tế mới tại những thời điểm quan trọng nhất của đại dịch”, ông Pena cho biết.
Các công nghệ được sử dụng là máy học và số hóa, cũng như các phương pháp tiếp cận hiện đại bằng phát triển phần mềm và tư duy thiết kế. Năm 2020, Sở đã khảo sát hơn 20.000 người khiếu nại và phát hiện ra rằng, họ không biết về tiến độ giải quyết khiếu nại, quyền lợi của mình và sự tồn tại của Trung tâm hỗ trợ nạn nhân. Vì thế, Sở Công tố đã phát triển một công cụ quản lý quan hệ khách hàng để hỗ trợ nạn nhân tốt hơn bằng cách gửi thông báo tự động vào những thời điểm quan trọng của quá trình tư pháp, hợp lý hóa thông tin liên lạc giữa công dân và các điều tra viên. Kể từ đó, họ đã có thể tiếp cận được hơn 2 triệu người. Thông qua chương trình đổi mới, Sở cũng đã thúc đẩy các dự án khác như chatbot đã nhận được hơn 1,7 triệu tin nhắn, áp dụng phương pháp linh hoạt trên 350 văn phòng tư pháp và hệ thống nộp đơn khiếu nại điện tử giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho công dân.
Các ưu tiên chính của Sở Công tố Buenos Aires đến năm 2050 bao gồm việc làm cho công lý dễ tiếp cận hơn, hiệu quả hơn và được mọi người tin tưởng hơn. Điều này có nghĩa là cần cá nhân hóa các dịch vụ tư pháp và làm sâu sắc hơn việc áp dụng tư duy lấy người dân làm trung tâm. Chỉ cung cấp thông tin thôi là chưa đủ. Người dân mong đợi các dịch vụ công hiệu quả hơn, tức thời hơn và được cá nhân hóa hơn. Ông
Patricio Moyano Pena cho biết: “Trong bối cảnh mới này, chính phủ đang cố gắng tận dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo để nâng cao trải nghiệm của người dân và cải thiện chất lượng dịch vụ”. Các dịch vụ được cá nhân hóa có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng, qua đó củng cố lòng tin của công chúng.
Mô hình quản trị mở
Để duy trì sự đổi mới, Sở Công tố Buenos Aires áp dụng mô hình quản trị mở khuyến khích sự hợp tác với các cơ quan chính phủ, tòa án và công chúng khác. “Đổi mới là tạo ra giá trị công cộng và cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này là thông qua mô hình quản trị mở”, ông Penã giải thích.
Ông Penã đã dựa trên công trình nghiên cứu của Henry Chesbrough, người đã đặt ra thuật ngữ đổi mới mở cùng lý thuyết rằng để giải quyết các vấn đề phức tạp, các nhà lãnh đạo cần dựa trên các ý tưởng đến từ mọi bộ phận của hệ thống. Với MPBA 2050, Giám đốc Sở Công tố có thể đánh giá từng ý tưởng, ưu tiên phù hợp và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ việc triển khai. Ngày nay, cách tiếp cận này ngày càng được áp dụng rộng rãi ở cả các khu vực pháp lý địa phương và các bộ khác trong tỉnh. “Câu chuyện của chúng tôi nêu bật hành trình học hỏi và kết nối với người dân, cho thấy công nghệ có thể nâng cao lòng tin của công chúng”.
Việc áp dụng các công nghệ mới nổi trong hệ thống Tư pháp của Buenos Aires là một trong vô số ví dụ về cách chuyển đổi số góp phần tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.
Theo GovInsider