Đột phá cổ phiếu dệt may
Thị trường chứng khoán đang chứng kiến một 'làn sóng mới' dịch chuyển dòng tiền đầu tư khi nhóm cổ phiếu dệt may, vốn âm thầm tích lũy suốt nhiều tháng qua, đã bất ngờ bứt phá đầy ấn tượng trong các phiên giao dịch gần đây. Tín hiệu tích cực không chỉ đến từ số liệu xuất khẩu tăng trưởng mà còn xuất phát từ một phát biểu gây chú ý của ông Donald Trump - Tổng thống Mỹ, về định hướng công nghiệp hóa nước Mỹ trong thời gian tới.

Phát biểu tại New Jersey, ông Trump khẳng định Mỹ “không nhất thiết cần một ngành dệt may bùng nổ” và nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn sản xuất áo phông hay tất chân. Nước Mỹ nên tập trung vào AI, thiết bị quân sự, xe tăng, tàu chiến”.
Dù chưa phải là một tuyên bố chính sách chính thức, nhưng thông điệp này đã nhanh chóng được thị trường tài chính quốc tế - trong đó có Việt Nam - tiếp nhận như một tín hiệu về việc Mỹ có thể chủ động “nhường lại” không gian sản xuất hàng tiêu dùng cho các quốc gia bạn hàng xuất khẩu khác.
Ngay lập tức, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận phản ứng mạnh mẽ. Phiên 26/5, hàng loạt cổ phiếu dệt may tăng kịch trần, gồm VGT, TNG, HTG, TCM, MSH, GIL. Sang phiên 27/5, xu hướng tăng chưa dừng lại: HTG tiếp tục kịch trần, TNG, VGT, TCM tăng thêm trên 6%, trong khi MSH, STK, GIL cũng duy trì sắc xanh từ 2-5%.
Thanh khoản bùng nổ cho thấy lực cầu trở lại mạnh mẽ, tạo ra cú hích rõ nét cho toàn ngành.
Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Theo Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong quý I/2025 đạt 8,69 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm 43,6%. Tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì trong tháng 4 với 3,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chưa dừng lại ở đó, tồn kho hàng may mặc tại Mỹ đang ở mức thấp, nhiều thương hiệu lớn chỉ còn đủ hàng cho 6-8 tuần tới, đặc biệt với dòng sản phẩm mùa thu - đông. Trong khi các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh hay Pakistan đang gặp vấn đề lớn về nguồn điện và bất ổn chính trị khiến năng lực cung ứng suy giảm rõ rệt.
Theo dự báo từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), từ nay đến tháng 7 - thời điểm Mỹ kết thúc giai đoạn hoãn áp thuế - có thể sẽ xuất hiện những chính sách đối ứng có lợi cho Việt Nam. Điều này mở ra dư địa không nhỏ để các doanh nghiệp dệt may Việt giành thêm đơn hàng, mở rộng thị phần, nhất là trong bối cảnh các tập đoàn bán lẻ toàn cầu đang tìm kiếm điểm đến ổn định hơn cho chuỗi cung ứng.

Các cổ phiếu nhóm dệt may đi lên sau một phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Dữ liệu phiên 27/5 cho thấy dòng tiền đang lan tỏa mạnh mẽ. Cổ phiếu TCM tăng 6,96% với hơn 4,4 triệu đơn vị giao dịch; HTG kịch trần ở 44.150 đồng; VGT tăng 6,14% và ghi nhận thanh khoản gấp nhiều lần bình quân 20 phiên. Các mã M10, GIL, VGG cũng cho thấy sự khởi sắc rõ rệt, minh chứng cho sức hút ngày càng lớn từ nhóm cổ phiếu dệt may.
Theo các chuyên gia phân tích kỹ thuật, mặt bằng giá nhóm này hiện đã vượt qua vùng kháng cự trung hạn. Nếu có thêm thông tin hỗ trợ từ chính sách quốc tế hay tín hiệu tăng trưởng đơn hàng, nhóm cổ phiếu dệt may hoàn toàn có thể mở ra một chu kỳ tăng mới trong ngắn và trung hạn.
Dù triển vọng sáng, song giới đầu tư không quên các thách thức hiện hữu. Giá điện trong nước tăng từ ngày 10/5 đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất, nhất là với khối doanh nghiệp sản xuất sợi, vốn có biên lợi nhuận thấp.
Ngoài ra, một số lãnh đạo ngành cũng lo ngại nếu Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng quá cao (lên tới 46%), toàn bộ chuỗi giá trị có thể chịu ảnh hưởng.
Sức mua từ Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn; chính sách thuế quan của Mỹ dù có chuyển hướng tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro biến động. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần tỉnh táo để chọn lọc cổ phiếu có nền tảng vững, chiến lược chủ động, tránh đổ dòng tiền vào các doanh nghiệp không có khả năng tận dụng cơ hội.